Vụ trẻ nhiễm sán lợn: Phòng Giáo dục ép mua thực phẩm của công ty?

Một phụ huynh cho biết, trước đây các cô giáo vẫn tự đi chợ nấu cơm cho các cháu nhưng sau này Phòng GD-ĐT huyện có 'lệnh' bắt phải dùng thực phẩm của công ty.

Từ sáng nay, 18/3, Bắc Ninh bắt đầu tổ chức lấy mẫu máu xét nghiệm sán lợn tại địa phương cho các trẻ theo học tại 19 trường mầm non và tiểu học đóng trên địa bàn 18 xã, thị trấn tại huyện Thuận Thành.

Nhân viên y tế tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ lấy mẫu máu trẻ trẻ tại viện sáng nay. Ảnh: T.Hạnh

Nhân viên y tế tại Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng TƯ lấy mẫu máu trẻ trẻ tại viện sáng nay. Ảnh: T.Hạnh

Cụ thể, từ ngày 18-28/3, cán bộ y tế của BV Đa khoa tỉnh, phòng y tế, trung tâm y tế huyện sẽ về từng trường để lấy mẫu. Mỗi ngày sẽ triển khai lấy mẫu tại 2 xã. Số lượng học sinh tại 19 trường nói trên là trên 9.500 cháu.

Dù đã có lịch xét nghiệm tại địa phương song sáng nay vẫn có gần 700 gia đình đưa con em xuống Hà Nội xét nghiệm, phần vì sốt ruột đợi đến xã mình quá lâu, phần vì không tin tưởng kết quả xét nghiệm do trường lấy.

Cô Nguyễn Thị Hiền, 49 tuổi ở xã Đại Đồng Thành cùng con dâu đưa cháu nội 3 tuổi xuống Viện Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng TƯ từ 4h sáng. Cô Hiền cho biết, những ngày này, bước ra cổng đâu đâu cũng thấy người dân nói chuyện về sán lợn, gặp ai cũng hỏi “cháu có bị sao không?”.

Vắng vẻ nơi xét nghiệm ở Trường Mầm non Thanh Khương

Dù Sở Y tế Bắc Ninh đã tổ chức xét nghiệm ở 19 trường học, phụ huynh vẫn đưa con về Hà Nội xếp hàng từ 3h sáng.

.

"Cháu nhà tôi mới đi học và bắt đầu ăn bán trú được 2 tuần nhưng thấy nhiều trường hợp bị dương tính, khóc lóc bảo máu nhiễm sán nên gia đình tôi sốt ruột quá, cho cháu đi kiểm tra luôn”, cô Hiền cho hay.

Cùng đi với cô Hiền, một phụ huynh giấu tên cho biết, mới đây có gặp một số cô giáo ở trường mầm non của con, các cô chia sẻ, trước đây giáo viên vẫn tự đi chợ, nấu cơm cho các cháu, thu 13.000 đồng/ngày, nhưng sau đó có “lệnh” từ Phòng GD-ĐT huyện, yêu cầu phải sử dụng thực phẩm của công ty Hương Thành, giá giảm còn 11.000 đồng/ngày. Các cô lo sợ thực phẩm không đảm bảo vì giá rẻ hơn nhưng không còn cách nào khác.

Clip: Hiệu phó Nguyễn Thị Mây cho biết giáo viên "vẫn ăn cùng thực phẩm với trẻ":

Cũng có con học mầm non tại trường Đại Đồng Thành, anh Đình Tâm cho biết, cách đây 1 tuần, sau khi rộ lên thông tin phát hiện thực phẩm bẩn tại trường mầm non Thanh Khương và ghi nhận một số học sinh tại đây dương tính với sán lợn, trường của con anh cũng đã thông báo dừng cho ăn bán trú 4 ngày.

Sau đó nhà trường họp bàn, sắp xếp lại, quyết định mở bếp ăn trở lại. Tuy nhiên thay vì nhập thực phẩm của công ty, các cô giáo ở trường trực tiếp đi chợ mua đồ ăn về nấu.

Anh Nguyễn Văn Vông, ở xã Song Liễu cho biết, đầu năm họp phụ huynh có được nhà trường thông báo về việc nhập thực phẩm của công ty Hương Thành, trong đó nhà trường khẳng định đây là công ty có đầy đủ giấy phép kinh doanh cũng như các giấy chứng nhận về an toàn thực phẩm, do đó các phụ huynh tin tưởng cho con ăn bán trú.

Anh Vông (mũ đen) cùng các gia đình trong xã lên xe 30 chỗ sau khi xét nghiệm xong. Ảnh: T.Hạnh

Tuy nhiên sau khi sự việc “vỡ lở”, hiện rất nhiều gia đình đã tự đưa con về ăn trưa tại nhà và tiếp tục nghe ngóng.

Chị Tuyết ở xã Gia Đông, huyện Thuận Thành cũng cho biết, hơn 1 tuần nay, chị cũng đã đưa con trai 5 tuổi về nhà ăn trưa.

“Hiện giờ tôi cũng rất hoang mang, không biết thời gian tới trường sẽ sử dụng thực phẩm của đơn vị nào, thực phẩm có được đảm bảo hay lại tiếp tục tái diễn tình trạng này”, chị Tuyết lo lắng.

Công an tỉnh vào cuộc

Công ty Hương Thành có tên đầy đủ là công ty TNHH Đầu tư Tài chính Hương Thành, được cấp giấy phép hoạt động từ ngày 23/3/2018. Từ đầu năm học 2018-2019, công ty này bắt đầu cung cấp thực phẩm cho trường mầm non Thanh Khương, sau đó là 17 trường mầm non khác và 2 trường tiểu học trên địa bàn huyện Thuận Thành.

Tuy nhiên thông tin cụ thể về các hạng mục được kinh doanh của công ty này, thời gian bắt đầu cung cấp thực phẩm cho các trường cũng như nguồn thực phẩm từ đâu đến nay vẫn đang chờ kết quả điều tra của Công an tỉnh.

Hiện tại, Công an tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ vào cuộc để điều tra vụ việc.

Trước đó, ông Nguyễn Tử Quỳnh, chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã có văn bản chỉ đạo Công an tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của tập thể và cá nhân liên quan đến việc cung cấp thực phẩm không đảm bảo an toàn cho các trường học.

Trả lời báo chí về trách nhiệm quản lý khi để xảy ra vụ việc, Trưởng phòng Giáo dục huyện Thuận Thành cho biết, vẫn thường xuyên xuống các trường để kiểm tra.

Tuy nhiên khi hỏi thời gian gần nhất xuống kiểm tra khi nào, vị này thừa nhận, từ tháng 10/2018.

Chiều 18/3, Văn phòng Chính phủ vừa truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về tình hình bệnh sán dây và ấu trùng sán lợn tại một số địa phương. Thủ tướng chỉ đạo Bộ Y tế cử ngay đoàn công tác về tỉnh Bắc Ninh và các tỉnh có phát hiện để chỉ đạo phòng, chống bệnh, đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, kịp thời hướng dẫn các biện pháp phòng ngừa; giao Bộ Công an điều tra làm rõ thực phẩm bị nhiễm ấu trùng sán lợn tại tỉnh Bắc Ninh.

Bí thư Bắc Ninh: "Chúng tôi không bao che..."

Chiều 18/3, tại huyện ủy Thuận Thành, ông Nguyễn Nhân Chiến, Bí thư tỉnh ủy Bắc Ninh đã chủ trì cuộc họp với các cơ quan chức năng.

Tại đây, ông Chiến thông tin: Tỉ lệ nhiễm bệnh của trẻ em Bắc Ninh "không bất thường". Cụ thể là nằm trong khoảng bình quân chung của cộng đồng người dân Việt Nam, tức hơn 11% (186/1.557 kết quả).

Ông Nguyễn Nhân Chiến: "Tỷ lệ nhiễm bệnh của Bắc Ninh không bất thường".

Con số này của tỉnh nằm trong dao động chung của người dân Việt Nam là từ 10 – 12% và tương đương với 55 tỉnh.

Ông Chiến cũng cho biết, chưa nên đổ lỗi cho cơ sở nào vì cơ quan chức năng đang vào cuộc xác minh và chưa có kết luận chính thức.

"Cần đặt lại vấn đề, trong trường đó giả sử có 100 học sinh, cả cô và trò cùng ăn thức ăn đó, tại sao lại chỉ có 10 em nhiễm sán còn 90 em không nhiễm".

Theo ông Chiến, tỉnh cũng yêu cầu xác minh làm rõ phụ huynh chia sẻ clip thịt lợn có sán gạo vào ngày 14/2 tại trường mầm non ở Thuận Thành có thật hay không. Nếu đúng, tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí xét nghiệm sán cho các trường hợp trên.

"Quan điểm là làm nghiêm túc, không bao che, ai sai phạm sẽ xử lí nghiêm”, Bí thư Chiến thông tin.
Bí thư Bắc Ninh cũng đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc nhanh nhất, khẩn trương, sớm có kết quả để thông báo đến người dân, tránh hoang mang, càng sớm càng tốt.

Thông tin cuối ngày 18/3, người quản lý bếp ăn của Trường mầm non Thanh Khương là bà Nguyễn Thị Minh Tuân đã bị cơ quan chức năng tạm đình chỉ 15 ngày vì vụ nghi án trường cho trẻ ăn thực phẩm bẩn. Trước đó, hiệu trưởng nhà trường cũng đã bị đình chỉ để phục vụ cho công tác điều tra.

Công ty Hương Thành cung cấp cho 19 trường mầm non và 3 trường tiểu học trên địa bàn huyện. Tổng số học sinh mà công ty cung cấp khoảng hơn 8 nghìn. Trung bình ăn giá 13.000 đồng một suất gồm ăn trưa và bữa phụ vào buổi chiều. Bữa chính gồm cơm, canh, món mặn ví dụ như hôm thì ăn thịt bò, thịt lợn, thịt gà, tôm, cá, cua... canh thì có canh cua, canh cá, canh ngao... Tức là người ta mang thực phẩm đến và đầu bếp của mỗi trường sẽ nấu theo thực đơn. Đầu bếp này là người của trường. Công ty chỉ cung cấp thực phẩm đầu vào. Phòng GD-ĐT không giới thiệu. Họ tự liên hệ với lãnh đạo các trường để vào cung cấp thôi. Sau vụ việc vừa qua, các công ty hiện nay thì do Ban An toàn thực phẩm giới thiệu xuống các trường - ông Nguyễn Hữu Hoán, Phó phòng GD-ĐT huyện Thuận Thành (Theo Tiền phong)

GS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV Bệnh nhiệt đới TƯ nhấn mạnh, đây không phải là một vụ dịch, không phải ngộ độc thực phẩm hay bệnh cấp tính, do đó các cha mẹ không nên hoang mang. Nếu nhiễm sán trưởng thành, uống thuốc 1 ngày là khỏi, nếu nhiễm ấu trùng sán, uống thuốc 2 tuần là sạch.

Thúy Hạnh - Thanh Hùng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/goc-phu-huynh/hon-200-tre-nhiem-san-lon-phong-gd-dt-ep-mua-thuc-pham-cua-cong-ty-514434.html