Vụ trẻ em bị lạm dụng xin tiền tiêm chích ma túy: Công an Quận 1 'vô cảm' hay 'thiếu trách nhiệm'?

Tình trạng chăn dắt trẻ em xin tiền chích ma túy đã xảy ra trên địa bàn phường Phạm Ngũ Lão một thời gian dài. Thế nhưng, Công an phường Phạm Ngũ Lão (trực thuộc Công an Quận 1) hoàn toàn vô cảm khi tiếp nhận tố giác của PV Báo Người Tiêu Dùng, không hiểu lãnh đạo Công an quận 1 có suy nghĩ gì khi có cán bộ cấp dưới như vậy, thậm chí việc chăn dắt này diễn ra một thời gian dài nhưng chức năng của công an địa phương không hề biết?

Quay lại sự việc, trưa 14/11, khi PV Báo Người Tiêu Dùng đem bằng chứng “tố” cặp nam nữ có hành vi chăn dắt, tiêm ma túy vào trẻ em thì Trung tá Đặng Văn Hường, Phó Công an phường Phạm Ngũ Lão trả lời: “Phải có giấy giới thiệu từ Công an Quận 1, Công an phường mới tiếp nhận xử lý”. Theo quy định, công an phường với trách nhiệm là điểm đầu trong việc tiếp nhận tố giác tội phạm, nhưng tại sao lại thoái thác trách nhiệm như vậy?

Được biết, quy định của Thông tư liên tịch 06/2013/TTLT – BCA - BQP - BTC - BNN &PTNT - VKSNDTC có quy định về trách nhiệm tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Theo đó, ngay sau khi tiếp nhận, cán bộ tiếp nhận phải điện báo cáo ngay cho trực ban Đội Tổng hợp đồng thời điện báo Ban Chỉ huy công an quận. Đội Tổng hợp báo Ban Chỉ huy công an quận và điện báo trực ban Công an TP tin ban đầu. Chậm nhất 2 giờ, công an phường (đội) có báo cáo gửi trực ban công an quận. Chậm nhất 4 giờ, Đội Tổng hợp có báo cáo gửi trực ban Công an TP.

Bức xúc về tình trạng ngược đãi, tiêm chích ma túy trong phóng sự này, facebooker Nguyễn Đức Hiển viết rằng: Bọn này xử tù được rồi! Thật kinh khủng.

Nga và Linh tại cơ quan công an

Bộ luật Hình sự chưa quy định cụ thể về việc xử lý hình sự người có hành vi chăn dắt, ép buộc người khác đi ăn xin. Tuy nhiên, theo Nghị định 144/2013 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực Cứu trợ xã hội và Bảo vệ trẻ em thì hành vi ép buộc trẻ em đi ăn xin, hành hạ trẻ em với mục đích trục lợi thì có thể phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 15 triệu đồng (khoản 2, Điều 20 và khoản 3 Điều 27 - NĐ 144). Ngoài ra chứng minh được tụi này chích ma túy cho trẻ hoặc cho trẻ uống sữa pha thuốc ngủ như phóng sự này nêu thì có thể xử lý theo Điều 110 Bộ luật Hình sự về tội Tội hành hạ người khác. Tức là người phụ nữ trong bài và đồng bọn có thể bị tù tới ba năm.”

Còn một người khác bức xúc: "Không biết Đại tá Nguyễn Tấn Đạt, Trưởng Công an Quận 1, TP.HCM sẽ nghĩ gì khi biết trong quá trình Phóng viên tác nghiệp đã nhờ sự hỗ trợ của ông Hường, Phó Công an Phường Phạm Ngũ Lão. Nhưng ông Hường này "đá trách nhiệm" lên Công an Quận 1. Đã đến lúc người dân cần biết rằng lực lượng Công an Quận 1 ngoài việc "bất lực" trước hành động ngăn chặn và xử lý tội phạm, các anh còn vô cảm với dân. Nếu Đại tá Nguyễn Tấn Đạt không xử kỷ luật mạnh tay với những cán bộ cấp dưới thờ ơ với dân, coi thường mạng sống trẻ em và hành vi chích ma túy thì nếu trường hợp xấu nhất xảy ra với em bé thì ông có dám nhận trách nhiệm hay không? Trách nhiệm ông đến đâu, bởi việc của công an là giải quyết vấn đề tố cáo, thậm chí giải cứu con người chứ không phải là thoái thác, đùn đẩy trách nhiệm và chờ…”xin ý kiến””.

Cảnh tiêm ma túy của hai đối tượng

Do “nóng lòng” vì sợ nguy hiểm đến bé gái, ngay giờ nghỉ trưa, lãnh đạo Báo Người Tiêu Dùng đã điện thoại “cấp báo thông tin” cho Trung tướng Lê Đông Phong, Giám đốc Công an TP.HCM. Khác hẳn với việc “đẩy qua, đẩy lại” ở cấp dưới, Trung tướng Lê Đông Phong đã chỉ đạo quyết liệt cho lãnh đạo Phòng Tham mưu Công an TP.HCM phối hợp giải quyết. Thiết nghĩ, với vai trò một người đứng đầu công an thành phố quá nhiều bận rộn, nhưng ông vẫn có tâm thế “gần dân” và lo lắng đến tính mạng, sức khỏe cho bé gái. Thì việc các vị công an quận 1, công an phường Phạm Ngũ Lão còn quá nhiều nguyên tắc “hành chính” mà quên đi sự sống còn của con người, điều đó có đáng lên án ?

Được biết sau khi có chỉ đạo của Công an TP.HCM, sáng 16/11, Công an phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM đã bắt giữ hai đối tượng trong clip trên.

Tại cơ quan công an, đối tượng nữ khai nhận tên là Nguyễn Thị Hồng Nga (sinh 1986) vừa mới cai nghiện ở Bình Dương về vào tháng 7/2017, hiện đang bị nhiễm HIV. Đối tượng nam là Đặng Hoàng Vinh (sinh năm 1990), người tình của Nga và cũng nghiện ma túy từ năm 2008. Em bé là Lâm Thị Trà My - ban đầu được Nga tự nhận là con.

Nga khai trung bình một ngày xin được 500.000 đồng, 300.000 đồng được dùng để mua ma túy, 200.000 đồng dùng để ăn uống và các sinh hoạt khác, mỗi ngày sau khi xin tiền xong Nga cùng Vinh đến hẻm 28 Đỗ Quang Đẩu, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1 để tiêm chích, đến khuya thì cả hai mẹ con đưa nhau ra đường ngủ.

Hiện Nga cũng còn 2 con nhỏ giao cho bà ngoại chăm, có chồng cũng từng đi cai nghiện nhưng hiện tại không sống chung.

Trao đổi vấn đề này, Luật sư Nguyễn Tri Đức - Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Qua các chứng cứ hình ảnh do phóng viên Báo Người Tiêu Dùng thu được đã làm chúng ta phẫn nộ cho hành vi vô lương tâm của những kẻ đã sử dụng trẻ em để trục lợi nhằm thỏa mãn cơn nghiện. Những bằng chứng hình ảnh đã cho thấy các đối tượng đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong việc “bạo lực, lạm dụng, bóc lột trẻ em và có thể cho trẻ em sử dụng chất gây nghiện, chất kích thích khác có hại cho trẻ em” - Luật Trẻ em Điều 6. Tôi cho rằng đây chỉ là một trường hợp đơn cử mà Báo Người Tiêu Dùng đã cất công theo dõi để tác nghiệp phản ánh toàn bộ sự thật vô nhân đạo của những đối tượng như vậy. Trong vụ việc trên nhất thiết cơ quan CA sở tại cần vào cuộc để điều tra xử lý sự việc một cách cấp bách. Ngoài ra, quá trình điều tra CQ CSĐT cần điều tra rõ về những tổn thương (nếu có) của bé gái và bé là con ai (?). Nếu có bằng chứng bé trong vụ việc bị bạo hành và không phải là con ruột của các đối tượng (bị bắt cóc hoặc mua từ người khác) trên thì CQ CSĐT cần tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can điều tra rõ các vấn đề liên quan để khởi tố theo tội danh tương ứng quy định tại BLHS hiện hành.

Luật sư Nguyễn Tri Đức

Tóm lại mặc dù “Luật trẻ em” hiện hành đã có những quy định thiết thực trong việc đề cao các vấn đề bảo vệ trẻ em nhưng trên thực tế hiện nay trong xã hội nước ta vẫn còn nhiều tình trạng “chăn dắt” lạm dụng bóc lột trẻ em dưới hình thức và tương tự như trường hợp trên. Có nhiều cơ quan chức năng bảo vệ trẻ em nhưng thực tế cho thấy đã không thực hiện hết trọng trách của mình. Các trường hợp khác và tương tự như trên vẫn chưa được can thiệp kịp thời, chỉ khi truyền thông và dư luận lên tiếng thì mới vào cuộc. Hiện tại hành lang pháp lý của BLHS vẫn còn bỏ ngỏ tội danh cho hành vi chăn dắt lợi dụng trẻ em để trục lợi như trường hợp trên. Việc xử lý các vấn đề như vậy hiện nay vẫn chưa triệt để chỉ là những biện pháp xử lý hành chính “chữa cháy”, đây là điều bất cập vô cùng. Thiết nghĩ các cơ quan quản lý Nhà nước và các nhà làm luật cần bổ sung kiện toàn về tội danh hình phạt thích đáng cho những kẻ có hành vi vô lương tâm như trong trường hợp trên.

Cao Tuấn - Nguyễn Nam - Nhất Gia

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vu-tre-em-bi-lam-dung-xin-tien-tiem-chich-ma-tuy-cong-an-quan-1-vo-cam-hay-thieu-trach-nhiem-d63182.html