Vụ trẻ bị bỏng khi dạy kỹ năng phòng, chống cháy nổ: An toàn là trên hết

Ba trẻ mầm non của Nhóm trẻ Mầm non tư thục Tuổi Thơ, tại Hà Nam gặp sự cố trong tiết học về kỹ năng phòng chống cháy nổ, vẫn đang được cấp cứu tại Bệnh viện Bỏng quốc gia. Rõ ràng việc dạy trẻ về kỹ năng sống là cần thiết, nhưng nếu bất cẩn sẽ dẫn tới hậu quả khôn lường.

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, động viên các phụ huynh có trẻ bị bỏng tại bệnh viện. Ảnh: Việt Hà

Ông Nguyễn Bá Minh - Vụ trưởng Vụ GDMN (Bộ GD&ĐT) chia sẻ, động viên các phụ huynh có trẻ bị bỏng tại bệnh viện. Ảnh: Việt Hà

Trẻ vẫn trong tình trạng nguy kịch

Vụ việc xảy ra ở Nhóm trẻ Mầm non tư thục Tuổi Thơ, trên địa bàn xã Duy Minh (huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam). Tại đây, giáo viên có tiết dạy về việc phòng, chống cháy nổ. Tham gia tiết học có 25 cháu bé. Trong quá trình diễn ra tiết học, để minh họa trong bài giảng, các cô giáo đã lấy cồn đổ lên mâm và châm lửa lên đó. Tuy nhiên, điều đáng tiếc đã xảy ra. Do có gió thổi từ phía cửa sổ, nên lửa tạt về phía các cháu bé, khiến 3 cháu bị bỏng nặng. Nhóm trẻ tư thục nàycó 2 lớp. Lớp nhỏ tuổi gồm các cháu ở độ tuổi từ 1 đến 2 tuổi rưỡi. Lớp lớn là các cháu bé từ 3 đến 5 tuổi.

Bác sĩ Lê Quang Thảo, Khoa Hồi sức cấp cứu - Viện Bỏng quốc gia cho biết:“Diện tích bị bỏng trên cơ thể của các bệnh nhi lên tới 50 - 60%. Tất cả các cháu vào viện trong tình trạng bỏng nặng. Vì vậy, ngay sau khi tiếp nhận, chúng tôi đã xử lý cấp cứu theo phác đồ: Truyền dịch, chống sốc, giảm đau, an thần và thay băng cho bệnh nhân. Đến thời điểm này, cả ba cháu vẫn đang ở trong tình trạng rất nặng, tiên lượng chưa khả quan. Hiện chúng tôi vẫn tiếp tục tích cực hồi sức, chống sốc cho các cháu. Chức năng sống của các cháu vẫn đang bị đe dọa”.

Theo bác sĩ Lê Quang Thảo, cách sơ cứu khi bị bỏng cồn là: Ngay khi xảy ra sự cố, phải nhanh chóng đưa người bị nạn thoát ra khỏi vùng lửa, loại bỏ quần áo đang cháy trên cơ thể. Đưa người bị bỏng tới nguồn nước gần nhất và dội trực tiếp nước lạnh, nước sạch (có nhiệt độ từ 16 - 20 độ) lên chỗ bỏng. Đồng thời cần xối nước liên tục lên người bệnh, mục đích là loại bỏ tác nhân gây bỏng và giảm nhiệt độ tại chỗ vết thương. Nước lạnh sẽ có tác dụng làm giảm độ sâu vết thương bỏng. Thời gian xối nước theo khuyến cáo là từ 15 đến 20 phút. Sau đó sẽ chuyển người bị nạn đến nơi cơ sở y tế gần nhất để được sơ cứu.

An toàn phải đặt lên hàng đầu

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia tư vấn tâm lý, giáo dục Trung tâm Cá Siêu Quậy (Hà Nội) chia sẻ: Để dạy kỹ năng sinh tồn cho trẻ tiêu chí đầu tiên là an toàn. Vấn đề an toàn phải được bảo đảm ngay trong lúc dạy, cũng như lúc trẻ thực hành ở nhà và cả cách mà trẻ sẽ xử lý đúng khi tình huống không may xảy ra.

Chúng ta nên hiểu rõ, kỹ năng sống là những thao tác được lặp đi lặp lại thành thói quen, dùng để ứng dụng trong cuộc sống. Những kỹ năng này mọi người phải biết để sống và sinh tồn. Trong đó một trong những kỹ năng cần dạy trẻ đầu tiên là biết cách thoát hiểm. Hơn nữa khi học, trẻ phải ở lứa tuổi đủ lớn để hiểu được những lời thầy cô, cũng như những gì sẽ xảy đến với mình trong cuộc sống. Với trẻ ở độ tuổi từ 15 đến 17 tuổi lớn hơn thì có thể học về các kỹ năng cứu chữa.

“Rõ ràng đối tượng các cháu nhỏ từ 1 đến 5 tuổi là độ tuổi còn quá nhỏ để cô giáo dạy về kỹ năng phòng, chống cháy nổ. Các cô giáo ở đây chưa nắm được tâm sinh lý của trẻ, chưa hiểu rõ về hỏa hoạn và phương pháp dạy không ổn. Bởi vì, khi phát hiện ra đám cháy, nhiều người sẽ không nhìn thấy lửa mà việc đầu tiên sẽ ngửi thấy mùi khét, hình ảnh khói lửa có thể sẽ nhìn thấy sau cùng. Thậm chí, có đám cháy không nhìn thấy lửa.

Trong hỏa hoạn, tỷ lệ chết vì ngạt khói nhiều hơn tỷ lệ chết vì bỏng lửa. Thế nên cách các cô dạy trẻ cho thấy, cô chưa hiểu thấu đáo và lấy vật nguy hiểm là lửa để dạy cho đối tượng còn quá nhỏ. Với đối tượng này, cô có thể dạy trẻ nhận biết mùi khét. Cùng với đó trẻ có thể biết hét lên và tìm cách tránh xa, thoát khỏi vùng nguy hiểm, như vậy sẽ tuyệt đối an toàn. Nếu dạy trẻ về kỹ năng thoát hiểm có thể dạy trẻ ở độ tuổi từ 3 tuổi trở lên. Tuy nhiên, giáo viên chỉ dạy ở những tình huống giả định và vấn đề an toàn là trên hết”, TS Vũ Thu Hương nhấn mạnh.

Từng là người ở trong tình huống nhà bị cháy, bà Hương cho biết thêm: Khi tình huống diễn ra thật, tâm lý người trong cuộc rất khủng hoảng và hoàn toàn khác ở tình huống giả định. Như vậy, nếu không cẩn thận mình có thể dạy trẻ thao tác sai, dẫn tới nguy hiểm đến tính mạng. Điều cần lưu tâm nhất vẫn là sự an toàn ở tất cả mọi tình huống ngay trong tiết học, khi thực hành và tình huống xảy đến.

Châu Anh

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/suc-khoe/vu-tre-bi-bong-khi-day-ky-nang-phong-chong-chay-no-an-toan-la-tren-het-4026956-b.html