Vụ trao nhầm con ở Ba Vì: Kíp trực có thể bị phạt 40 triệu đồng?

Theo phân tích, kíp trực của bệnh viện trao nhầm con trong khi làm nhiệm vụ có thể bị xử lý hình sự nếu cố ý. Trường hợp vô ý, họ vẫn bị xử lý hành chính, phạt tiền 40 triệu đồng…

Bé Đoàn Nhật M. bên chị Vũ Thị Hương, người không phải mẹ đẻ nuôi dưỡng con suốt 6 năm qua. Ảnh: Phạm Nhung.

Khởi kiện sẽ rất phức tạp

Như Tiền Phong đã đưa, anh Phùng Giang Sơn (ở Tây Đằng, Ba Vì, Hà Nội) đã nộp đơn khởi kiện Bệnh viện Đa khoa Ba Vì đòi bồi thường thiệt hại vì trao nhầm con.

Nội dung vụ việc cho thấy, cháu Đoàn Nhật M. và cháu Phùng Thanh H. cùng sinh ngày 1/11/2012 tại Khoa Sản của BV Ba Vì nhưng bị các nữ hộ sinh tại đây trao nhầm cho bố mẹ. Hiện tại, cả 2 gia đình đang gặp một số rắc rối liên quan việc nhận lại con đẻ của mình.

Về vụ việc trên, luật sư Lê Thu Hằng (Cty luật Trương Anh Tú) cho biết, căn cứ Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, nếu các bên không có tranh chấp về con thì việc nhận cha, mẹ, con tiến hành theo thủ tục hành chính tại cơ quan đăng ký hộ tịch. Trường hợp nếu một bên không hợp tác thì việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con được thông qua Tòa án.

Tuy nhiên, việc giải quyết qua Tòa án thường phức tạp và tốn thời gian, chi phí hơn nhiều so với giải quyết tại Cơ quan đăng ký hộ tịch. Việc xác nhận quan hệ cha, mẹ, con sẽ căn cứ theo quy định của Bộ Luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Bà Hằng nói: “Trước hết, chủ thể có thẩm quyền phải làm đơn khởi kiện hoặc đơn yêu cầu lên Tòa án giải quyết việc xác định quan hệ cha, mẹ, con. Nếu một trong các gia đình không hợp tác sẽ làm cho thời gian giải quyết vụ việc kéo dài từ 04 đến 06 tháng hoặc thậm chí một năm và nhiều hơn một năm, phụ thuộc vào tính chất phức tạp của việc cũng như phụ thuộc vào các chứng cứ chứng minh”.

Vì vậy, nữ luật sư mong muốn: “Đối với vụ việc trao con nhầm sau 6 năm tại Ba Vì, 2 bên gia đình cần hợp tác với nhau hoàn tất các thủ tục nhận con về mặt pháp lý, tránh có những hành vi làm tổn thương tâm lý của những đứa trẻ và những người trong cuộc là các ông bố, bà mẹ...”.

Có quyền đòi bồi thường

Về trách nhiệm của hộ lý, bác sĩ tại BV Ba Vì, luật sư Lê Thu Hằng dẫn các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2009 cho rằng, trong trường hợp này, nhân viên y tế phải chịu trách nhiệm pháp lý vì đã không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình.

“Tùy theo tính chất, hậu quả, mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người thực hiện có thể bị xử lý kỷ luật, xử lý hành chính, trách nhiệm dân sự hoặc buộc phải chịu trách nhiệm hình sự” – nữ luật sư nói.

Bé Phùng Thanh H. cùng vợ chồng anh Sơn. Ảnh: Phạm Nhung.

Phân tích rõ hơn, bà Hằng cho rằng, trường hợp xác định hành vi trao nhầm con do lỗi vô ý, tùy theo mức độ, cá nhân vi phạm có thể bị kỷ luật và bệnh viện phải bồi thường; Điều 597, Bộ luật Dân sự 2015 cũng quy định: “Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì sau đó có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

“Ngoài ra, theo Điều 30 Nghị định 176/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực y tế, hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh của nhân viên y tế có thể bị xử phạt hành chính đến 40 triệu đồng” – lời luật sư Hằng.

Trường hợp xác định hành vi trao nhầm con đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện hành vi trao nhầm trẻ sơ sinh với lỗi cố ý thì họ có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về “Tội đánh tráo người dưới 1 tuổi” với khung hình phạt từ 2 đến 12 năm tù.

Về trách nhiệm dân sự, gia đình bị trao nhầm con có quyền yêu cầu bệnh viện bồi thường thiệt hại về mặt vật chất như thu nhập bị mất hoặc giảm sút trong thời gian đi tìm con đẻ, chi phí giám định ADN, làm lại giấy tờ hộ tịch… hoặc những tổn hại về tinh thần theo quy định của Bộ luật Dân sự 2015.

Bà Lê Thu Hằng cũng nêu quan điểm về mặt tình cảm cá nhân: “Hai gia đình có con bị trao nhầm cần có sự thấu hiểu, chia sẻ với nhau và quan trọng hơn có sự tâm giao để trẻ không có sự hẫng hụt về tình cảm; có thời gian tiếp cận với bố mẹ ruột gần gũi như bố mẹ nuôi. Việc hợp tác của hai gia đình sẽ khiến cho vụ việc nhanh chóng được giải quyết và ổn định tâm lý cho trẻ. Không nên nôn nóng để dẫn đến sự cưỡng chế về mặt tình cảm với phía bên kia”.

Xuân Ân

Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/phap-luat/vu-trao-nham-con-o-ba-vi-kip-truc-co-the-bi-phat-40-trieu-dong-1300216.tpo