Vụ trao nhầm con 6 năm ở Ba Vì: 'Không nên đưa trẻ về nhà ngay'

Từ vụ Bệnh viện Đa khoa Ba Vì (Hà Nội) trao nhầm 2 bé trai vào năm 2012, chuyên gia tâm lý đã bày cách xử lý để tránh những cú sốc tâm lý, tổn thương cho con trẻ.

6 năm qua, cháu M. luôn trong vòng tay yêu thương của chị Hương.

Xu hướng chối bỏ sự thật của trẻ

Câu chuyện trao nhầm con tại Ba Vì là một trong số nhiều vụ việc được phát hiện trên cả nước trong thời gian qua. Sự cố đáng tiếc này gây ra nhiều ảnh hưởng, xáo trộn trong gia đình 2 bên liên quan, đặc biệt là bố mẹ và những đứa trẻ bị trao nhầm. Sốc, đau khổ, hụt hẫng, lo lắng, phẫn nộ… là những biểu hiện tâm lý không tránh khỏi khi nghe tin “sét đánh” này.

Theo Tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân (Trung tâm Chăm sóc và đào tạo tinh thần Ý tưởng Việt, TP.HCM), đây là vấn đề hết sức hệ trọng, phức tạp trong tâm lý. Tuy nhiên sự phức tạp đó có thể vượt qua và giải quyết được vì cha mẹ đã lớn rồi sẽ dễ chấp nhận sự thật hơn con trẻ. Nhưng con trẻ có nguy cơ đối diện cú sốc, tổn thương tâm lý nghiêm trọng.

“Khi biết sự việc, các con có xu hướng chối bỏ sự thật. Vì suốt một khoảng thời gian dài không có chuyện gì xảy ra, mối quan hệ giữa cha mẹ và đứa con bị trao nhầm đã mặc định là ruột thịt rồi, cuộc sống đang yên ổn thì giờ lại bị như vậy”, ông Quân giải thích và cho biết cha mẹ cần có thời gian dài để chuẩn bị thông báo cho trẻ.

Trả lời câu hỏi có nên nói rõ ràng cho trẻ về việc các em bị trao nhầm không, ông Quân cho rằng, điều này tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ. Nếu từ lớp 1 trở lên đã nhận thức được sự việc thì có thể nói nhưng không nói sự thật ngay lập tức mà lựa cách nói, dẫn dắt trẻ dần hiểu ra đây là một sự cố và trở về với sự thật là điều cần thiết.

Tuy nhiên, để làm tốt tâm lý cho trẻ, trước hết phụ huynh phải tìm nguồn động viên tinh thần từ người thân để vượt qua cú sốc, chấp nhận sự thật, vững vàng tâm lý. Tiến sĩ Quân chia sẻ: “Cả 2 gia đình nên hiểu đây là sự cố không ai mong muốn và đã xảy ra rồi. Vì vậy cần chấp nhận và bình tĩnh phối hợp với các bên liên quan để xử lý mọi việc thật ổn thỏa. Nếu không sẽ ảnh hưởng tới tâm lý của các con”.

Cho trẻ có thời gian chuẩn bị

Tiến sĩ Quân cho rằng, phụ huynh cần thường xuyên qua lại với con ruột của mình để trẻ dần dần nhận biết được cha mẹ ruột là ai. Không nên đưa trẻ về nhà ngay mà từ từ đưa về chơi một vài ngày để thích ứng dần với môi trường, con người mới. Đặc biệt phải lưu tâm đến những người con khác trong nhà, phải làm biện pháp tâm lý trước và cả người thân khác như ông bà, cô chú… để tạo môi trường đồng thuận, chào đón đứa con ruột trở về.

Trao đổi với phóng viên, bà Ninh Thị Hồng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho biết, phụ huynh không nên nôn nóng đưa con về nhà ngay.

“2 bé trai ở Ba Vì mới 6 tuổi, tuy đã biết lắng nghe nhưng rất mong manh, non nớt vì vậy không nên giải thích rành mạch rằng 'con chỉ là con nuôi, bạn kia mới là con đẻ' để các bé tránh bị sốc tinh thần”, bà Hồng chia sẻ.

Cùng quan điểm với Tiến sĩ Quân, bà Hồng cho rằng, trước khi đón con về, bố mẹ 2 bên cần dành thời gian trò chuyện làm quen với con đẻ của mình nhiều hơn. Tạo những cuộc gặp hết sức thân mật, chẳng hạn đến nhà nhau cùng nấu ăn, đi chơi công viên để các bé nhận ra rằng ngoài bố mẹ đã gắn bó với mình còn có thêm một người cha, người mẹ mới rất yêu thương mình. Các con có 2 gia đình ấm cúng.

Khi 2 bé trai sắp đi học lớp 1, bà Hồng khuyên phụ huynh không nói với con phải về nhà bên này, không được về nhà bên kia mà giải thích nhẹ nhàng, đơn giản cho con hiểu. Hằng tuần vẫn đưa bé về thăm gia đình đã sống từ nhỏ một vài ngày, để tạo sự thay đổi từ từ, không có sự xáo trộn quá mạnh. Từng bước đứa trẻ thích ứng được môi trường mới, giảm cú sốc tâm lý, sự tổn thương và sẽ hòa nhập nhanh hơn.

Thành Trí

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/tin-tuc/vu-trao-nham-con-6-nam-o-ba-vi-khong-nen-dua-tre-ve-nha-ngay-894534.html