Vụ tranh chấp thương mại ở Lào Cai: Vì sao 6 năm vẫn chưa đến hồi kết?

TAND huyện Bảo Thắng (Lào Cai) sắp mở lại phiên sơ thẩm (vòng tố tụng thứ 3) cho một vụ tranh chấp thương mại không phức tạp nhưng lại mắc phải những vi phạm nghiêm trọng. Nguyên nhân khiến vụ án rơi vào vòng luẩn quẩn là do tòa án huyện này đã sai lầm trong việc thu thập và đánh giá chứng cứ, dẫn đến phán quyết làm sai lệch bản chất vụ án khiến nhiều cơ quan tố tụng phải vào cuộc nhưng vụ án qua 6 năm chưa đến hồi kết.

Kiện đòi nợ sau 3 năm thanh lý dứt điểm hợp đồng

Trụ sở Cty Bao bì là “hàng xóm” của Cty Đông Nam Á tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai.

Trụ sở Cty Bao bì là “hàng xóm” của Cty Đông Nam Á tại Khu công nghiệp Tằng Loỏng, Lào Cai.

Cách đây 11 năm, ngày 15/8/2008, Cty TNHH SX Bao bì Lào Cai (gọi tắt Cty Bao bì) ký hợp đồng kinh tế số 66/KĐKT bán cho Cty TNHH Đông Nam Á Lào Cai (gọi tắt Cty Đông Nam Á) 8.000 thùng phuy chuyên dùng đựng phốt pho trị giá hơn 4,7 tỷ đồng, cả hai công ty đều có trụ sở ở Khu công nhiệp Tằng Loỏng, huyện Bảo Thắng, Lào Cai. Sau ba lần giao nhận hàng và tiền, đến ngày 15/3/2009 hai bên đã làm biên bản thanh lý Hợp đồng mua bán này.

Bất ngờ, hơn 4 năm sau, vào tháng 9/2013 Cty Bao bì khởi kiện đòi nợ Cty Đông Nam Á vì cho rằng Cty Đông Nam Á còn nợ 1,01 tỷ đồng trong lần giao hàng thứ 2 chưa thanh toán hết. Theo Cty Bao bì, đây là lần giao 3.000 thùng vào ngày 10/11/2008, thành tiền hơn 1,7 tỷ đồng, nhưng Cty Đông Nam Á mới thanh toán hơn 700 triệu đồng.

Căn cứ mà nguyên đơn đưa ra là một văn bản xin khất nợ do chính bị đơn từng ký vào ngày 15/2/2010, nội dung: Cty Đông Nam Á xin hoãn thời gian trả nợ 1,01 tỷ đồng tiền mua hàng còn nợ từ Hợp đồng 66 năm 2008. Thời gian hoãn nợ đến ngày 30/9/2011 do khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Văn bản được chính ông Trần Việt Dũng, Giám đốc Cty Đông Nam Á ký tên, đóng dấu. Tính đến năm 2019, số nợ này đã lên tới hơn 3 tỷ đồng khi tính cả gốc và lãi.

Vụ kiện đã được TAND huyện Bảo Thắng thụ lý từ 9/2013 với tên gọi “Tranh chấp hợp đồng mua bán”.

Đường vào công ty Bao bì.

Bị đơn Cty Đông Nam Á rất bức xúc và khẳng định Cty Bao bì đã đưa ra chứng cứ giả mạo để đòi nợ nhằm trục lợi và đánh hại uy tín Cty Đông Nam Á. Tài liệu do Cty Đông Nam Á trình bày cho thấy, hai Cty này còn ký HĐ số 50/HĐKT-ESLC vào ngày 15/9/2008, trong đó Cty Đông Nam Á đã ứng trước 5 tỷ đồng cho Cty Bao bì. Nhưng HĐ này đã không được thực hiện nên Cty Bao bì đã trả lại cho Cty Đông Nam Á 4 tỷ đồng, còn lại 1 tỷ đồng được xác định đối trừ vào số nợ của HĐ 66 như đã nêu trên. Điều đó được thể hiện bằng Phiếu nộp tiền mua thùng phuy cho HĐ 66 và Giấy xác nhận thanh toán (đều được lập ngày 25/11/2008) có chữ ký của người đại diện và đóng dấu Cty Bao bì.

Như vậy giai đoạn đó, giữa hai Cty chỉ thực hiện HĐ 66 mà không có giao dịch, mua bán, hợp đồng nào khác, và nó đã được kết thúc bằng Biên bản thanh lý HĐ 66 - xác nhận giữa hai Cty đã thanh lý mua bán và không còn nợ nần nhau.

Tòa sơ thẩm sử dụng căn cứ không có giá trị pháp lý

Xét xử sơ thẩm lần 1 (tháng 9/2015), TAND huyện Bảo Thắng đã có những vi phạm tố tụng nghiêm trọng. Đáng kể nhất là Tòa đã coi văn bản “xin hoãn nợ” kể trên là chứng cứ “sống còn” để tuyên Cty Đông Nam Á phải trả nợ cho Cty Bao bì, hoàn toàn bỏ qua nhiều tài liệu, chứng từ, hóa đơn và đặc biệt là bản Thanh lý Hợp đồng 66. Mặc dù văn bản “Xin hoãn nợ” đã được Phân viện khoa học hình sự tại TP HCM của Tổng cục Cảnh sát giám định, kết luận là đóng dấu khống chỉ, và như vậy thì văn bản này không có giá trị pháp lý.

Quyền lợi của Cty Đông Nam Á bị phương hại nghiêm trọng do vướng vào vụ kiện.

Điều này phù hợp với lời khai của ông Trần Việt Dũng - Giám đốc Cty Đông Nam Á, rằng hai năm 2008 và 2009 ông đã giao nhiều văn bản trống có đóng dấu và ký sẵn cho ông Phạm Văn Mạnh (nguyên Phó Giám đốc điện lực Lào Cai) - khi đó được ông Dũng mời làm Trưởng Ban quản lý xây dựng nhà máy Đông Nam Á ở Tằng Loỏng. Ông Mạnh sử dụng những những văn bản đóng dấu sẵn để tiện sử dụng khi ông Dũng thường phải đi công tác xa. Sau này, ông Mạnh không làm việc cho Cty Đông Nam Á nữa, mà đứng ra thành lập Cty Bao bì, và theo ông Dũng, một trong những văn bản khống chỉ đó đã được ông Mạnh “chế biến” thành giấy “Xin hoãn nợ” để trục lợi.

Văn bản “Xin hoãn nợ” còn được nhiều đơn vị giám định hình sự khác vào cuộc nhưng không đơn vị nào kết luận được tính xác thực của văn bản, ngoại trừ Phân viện khoa học hình sự TP HCM khẳng định nó là khống chỉ và chưa bao giờ rút lại kết luận này.

Vụ kiện bị kháng nghị lên nhiều cấp tòa, thậm chí lên tận Tòa án Cấp cao tại Hà Nội, sau đó được trở về vạch xuất phát là TAND huyện Bảo Thắng, rồi xét xử sơ thẩm lần 2 vào tháng 6/2018. Đến tháng 11/2018 Tòa phúc thẩm TAND tỉnh Lào Cai tuyên hủy bản án sơ thẩm, buộc TAND huyện Bảo Thắng giải quyết lại vụ án theo trình tự sơ thẩm.

Bỏ lọt chứng cứ, vụ án có dấu hiệu hình sự!

Đã 6 năm, trải qua 2 vòng tố tụng (với 5 lần xét xử, 2 lần tuyên hủy toàn bộ bản án) các bên đương sự và các cơ quan tố tụng phải theo đuổi giải quyết vụ án mà chưa có hồi kết, nguyên nhân bởi hàng loạt vi phạm nghiêm trọng trong tố tụng của TAND Bảo Thắng dẫn tới thay đổi bản chất vụ án. Trong đó phải kể đến việc thu thập chứng cứ, đánh giá toàn diện chứng của cơ quan tố tụng cấp sơ thẩm có vi phạm nghiêm trọng.

Giả sử văn bản “Xin hoãn nợ” của Cty Đông Nam Á là thật, thì tại sao Cty Bao bì không có chứng cứ nào (cho đến nay) chứng tỏ mình đồng ý tiếp nhận nội dung này? Thu thập chứng cứ của các cấp tòa và điều tra của phóng viên đều không cho thấy có sự đồng ý hoãn nợ của Cty Bao bì, càng cho thấy văn bản “Xin hoãn nợ” kia là không có giá trị pháp lý.

Ngoài ra, suốt từ quãng năm 2008 đến 2013 - thời điểm khởi kiện, thì Cty Bao bì có đề nghị Cty Đông Nam Á trả nợ không? Việc đòi nợ thể hiện ở công văn nào, cuộc làm việc nào giữa hai bên? Nếu đã đồng ý để cho Cty Đông Nam Á khất nợ thì tại sao Cty Bao bì còn đi đòi nợ? Và nếu còn nợ thì tại sao lại thống nhất với Cty Đông Nam Á ký Biên bản thanh lý HĐ 66? (trong biên bản này đã ghi rõ hai bên hoàn thành giao dịch, quyết toán công nợ, kết thúc hợp đồng và không có ý kiến gì khác).

Tại các phiên tòa, và đặc biệt tại cấp sơ thẩm, phía Cty Đông Nam Á đã đưa ra chứng cứ “sát ván” là các phiếu thu (ghi ngày 25/11/2008, Cty Đông Nam Á trả Cty Bao bì 1 tỷ đồng trong đơn hàng thứ 2 giao 3000 thùng phuy); giấy xác nhận thanh toán tiền hàng (ghi ngày 25/11/2008, xác nhận đối trừ 1 tỷ đồng trong số 5 tỷ đồng mà Cty Bao bì cầm của Cty Đông Nam Á vào đơn hàng thứ 2 giao 3000 thùng phuy); và đặc biệt là Biên bản thanh lý HĐ 66. Nhưng TAND huyện Bảo Thắng đều bỏ qua, không coi là chứng cứ quan trọng để đưa vào nhận định dành cho tuyên án.

Một góc nhà máy của Công ty Đông Nam Á.

Tòa án Cấp cao tại Hà Nội nhận định, từ năm 2009-2010, hai công ty này còn nhiều giao dịch mua bán với số lượng lớn thùng phuy, và đều được phía Đông Nam Á trả tiền thanh toán đầy đủ. Như vậy vụ “khất nợ” này từ hợp đồng 2008 là không phù hợp với thực tế.

Theo đánh giá của các luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Cty Đông Nam Á và nhận định của HĐXX phúc thẩm TAND tỉnh Lào Cai, thì văn bản khất nợ không có giá trị pháp lý, do đó dẫn tới việc tòa cấp sơ thẩm xác định sai thời hiệu khởi kiện (tháng 9/2013) - tức là vụ kiện đã hết thời hiệu nhưng vẫn được tòa thụ lý. Thậm chí, các luật sư bảo vệ quyền lợi cho Cty Đông Nam Á cho rằng, vụ án cũng cần phải được đình chỉ vì cũng đã có dấu hiệu của việc hết thời hiệu.

Ngoài ra, theo Tòa phúc thẩm tỉnh Lào Cai, phiên tòa sơ thẩm của TAND huyện Bảo Thắng còn không xem xét phản tố của bị đơn là trái quy định của Bộ luật TTDS, thậm chí tuyên sai về án phí, tự sửa chữa, bổ sung bản án mà không phối hợp với Hội thẩm nhân dân, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi của đương sự.

Đáng chú ý, tòa sơ thẩm đáng ra phải nhận định vụ án đã có dấu hiệu của hành vi hình sự khi Phân viện khoa học hình sự TP HCM khẳng định văn bản “Xin hoãn nợ” nói trên là khống chỉ, tức giả mạo, cần đề nghị Cơ quan điều tra vào cuộc. Được biết, gần đây Công an tỉnh Lào Cai đã thụ lý chi tiết này khi nhận đơn tố cáo của Cty Đông Nam Á về sự giả mạo văn bản “Xin hoãn nợ”.

Cty Đông Nam Á cho biết đã bị thiệt hại nặng nề từ vụ kiện “vô tiền khoáng hậu” này, số tiền thiệt hại do mất uy tín lên đến hàng chục tỷ đồng, công việc sản xuất và kinh doanh ngưng trệ, công nhân bất an tâm lý, lãnh đạo Cty mỏi mệt theo đuổi kiện tụng…

Mới đây, tại buổi làm việc với báo chí, phía Cty Bao bì và luật sư bảo vệ quyền lợi của Cty này đã không cung cấp bất kỳ chứng cứ nào liên quan vụ kiện, thậm chí không trả lời phóng viên nhiều câu hỏi liên quan.

Hy vọng một phiên tòa sắp tới sẽ hoàn toàn khách quan với đầy đủ chứng cứ cần thiết để ra được một bản án công tâm, đúng với bản chất vụ án và khép lại một hành trình dài năm lao lý cho cả hai bên đương sự.

Tiến Phong – Lạc Hồng

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/phap-luat-plus/vu-tranh-chap-thuong-mai-o-lao-cai-vi-sao-6-nam-van-chua-den-hoi-ket-d104326.html