Vụ tranh chấp ranh giới đất ở Quảng Nam: Nhiều tình tiết quan trọng chưa được làm rõ!

Nhiều tình tiết quan trọng trong vụ án tranh chấp 'Mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản và tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất' giữa nguyên đơn là gia đình bà Hằng và bị đơn là gia đình bà Bảy chưa được Hội đồng xét xử (HĐXX)Tòa án nhân dân (TAND) huyện Thăng Bình (Quảng Nam) làm rõ, gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Bản án có nhiều vấn đề

Theo nguyên đơn là bà Nguyễn Thị Bích Hằng, trú tại 563 Tiểu La, thị trấn Hà Lam, huyện Thăng Bình cho biết, năm 1996 gia đình bà xây dựng bức tường nằm trên phần đất của mình giáp ranh với hộ gia đình bà Lê Thị Bảy, nguyên là Phó Chánh án TAND huyện Thăng Bình (chồng là ông Bùi Niên) địa chỉ 565 Tiểu La.

Theo bà Hằng, bức tường này nằm trong thửa đất số 223, tờ bản đồ số 44 tại tổ 1, thị trấn Hà Lam thuộc quyền sở hữu của gia đình bà, diện tích đất xây dựng bờ tường là 3,757 m2. Tuy nhiên, gia đình bà Bảy lại cho rằng “mốc giới tường rào ngăn cách giữa các bất động sản” nêu trên là do gia đình bà xây dựng vào năm 1993. Thực chất, là tranh chấp nảy sinh khi năm 2015, gia đình bà Bảy tự ý xây tường rào cao lên và đổ xối trên tường rào giữa 2 nhà.

Theo tìm hiểu của PV Báo Tuổi trẻ Thủ đô, tại Bản án sơ thẩm số 42/2018/DS-ST ngày 02/8/2018 của TAND huyện Thăng Bình giải quyết vụ án tranh chấp “Mốc giới ngăn cách giữa các bất động sản và tranh chấp quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất” thì vẫn còn nhiều tình tiết quan trọng liên quan đến vụ án đã không được HĐXX xem xét thấu đáo nên đã xử bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Hằng và chồng là ông Nguyễn Đồng.

Bức tường đang xảy ra tranh chấp.

Trước đó, tại tòa sơ thẩm, lời khai của các nhân chứng đã bảo vệ cho nguyên đơn nhưng cũng không được xem xét thấu đáo. Cụ thể, ông Nguyễn Công Liêm, ông Võ Trọng Gương (người bán gạch cho bà Hằng) và ông Võ Văn Hường là người trực tiếp xây bức tường lần đầu cho bà Hằng năm 1996 và sau đó ông Hường được nhà bà Bảy thuê tiếp tục xây nâng cao trên tường cũ của bà Hằng.

Đáng lưu ý nhất là nhân chứng Võ Trọng Gương, trong phiên tòa xét xử lần 1 ngày 01/02/2018, ông Gương được Tòa gửi giấy triệu tập đến tham dự. Nhưng, tại phiên tòa xét xử lần 2 ngày 31/7/2018, ông Gương lại không được Tòa gửi giấy triệu tập và khi được người dân thông tin thì ông Gương mới biết để đến tham dự phiên tòa.

Trước sự việc của ông Gương, dư luận thắc mắc liệu có điều gì khuất tất mà Tòa lại không gửi giấy triệu tập tới ông Gương để tham gia phiên tòa, bởi ông cũng là một trong những nhân chứng quan trọng trong vụ án (?!).

Nhiều tình tiết chưa được làm rõ

Ngoài ra cũng còn nhiều tình tiết trong vụ án cần được làm rõ như việc HĐXX đã “bỏ qua” phát biểu công tố của Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trúc Mai, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân huyện Thăng Bình tham gia phiên tòa để nghị án hay không?

Trước đó, phát biểu công tố tại phiên tòa, Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trúc Mai nói: “Về nội dung vụ án, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 175, Điều 176 BLDS, xử chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Hằng và ông Nguyễn Đồng về việc yêu cầu Tòa giải quyết buộc vợ chồng bà Lê Thị Bảy và ông Bùi Niên không được sử dụng mốc giới tường rào ngăn cách giữa 2 bất động sản diện tích 75,14 m2 và diện tích đất xây dựng 3,757 m2 là sở hữu chung giữa 2 gia đình để xây dựng thêm tường rào và đổ xối sử dụng vào mục đích riêng cho mình; đồng thời đề nghị ông Niên, bà Bảy phải tháo dỡ hết phần tường rào đã xây dựng từ năm 2015 được xác định với diện tích 17,86 m2 và diện tích xối 7,035 m2 trả lại nguyên hiện trạng tường rào trước đây. Căn cứ khoản 3 Điều 200 BLTTDS, khoản 2 Điều 176 BLDS đề nghị HĐXX bác yêu cầu phản tố của bị đơn ông Bùi Niên, bà Lê Thị Bảy về việc yêu cầu TAND huyện Thăng Bình xác định diện tích tường rào 75,14 m2 và diện tích đất sử dụng để xây dựng tường rào đang tranh chấp là 3,757 m2 là không thuộc quyền sở hữu của ông Niên, bà Bảy”.

Luật sư Nguyễn Thành Long (người thứ nhất bên phải) nghe các người dân địa phương nói về vụ tranh chấp.

Tuy nhiên, thay mặt HĐXX, Thẩm phán chủ tọa phiên tòa Nguyễn Công Trường vẫn tuyên bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Nguyễn Thị Bích Hằng và ông Nguyễn Đồng, không theo như ý kiến của Kiểm sát viên Nguyễn Thị Trúc Mai đã nêu.

Điều đáng nói, sau khi kết thúc phiên tòa ngày 31/7/2018, ngay tại phía trước sân Tòa, ông Bùi Niên đã có những lời lẽ hăm dọa, xúc phạm nhân phẩm và xông vào đòi đánh ông Võ Văn Hường là nhân chứng và cũng là thợ trực tiếp xây bức tường 2 lần (theo đơn trình báo của ông Hường). Vì sao ông Niên có hành động như vậy, phải chăng trước Tòa, ông Hường đã nói lên sự thật bản chất của vụ việc (?!).

Sau khi TAND huyện Thăng Bình ban hành Bản án sơ thẩm số 42 ngày 02/8/2018, dư luận và nhiều người dân, thậm chí là những cán bộ, Đảng viên địa phương đã bày tỏ sự bức xúc và cũng đã cùng làm đơn kiến nghị gửi đến các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam chỉ đạo làm rõ lại sự việc.

Nói về tính chất pháp lý của vụ việc này, Luật sư Nguyễn Thành Long - Trưởng Chi nhánh Quảng Nam của Công ty Luật KPK cho rằng, về nguyên tắc của một bản án thì Tòa phải căn cứ vào những chứng cứ tại hồ sơ, lời khai và tranh tụng tại phiên tòa mới có cơ sở thuyết phục để phán quyết, tránh gây oan sai.

Trong khi đó, khi biết bà Hằng và ông Đồng làm đơn kháng cáo lên Tòa cấp trên, bà Bảy và ông Niên lại bất ngờ gửi “Đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa” vào ngày 09/8/2018 đến TAND huyện Thăng Bình để thay đổi lời khai của mình tại phiên tòa.

Trước sự việc bà Bảy và ông Niên dù là người thắng án nhưng lại phải làm đơn yêu cầu sửa đổi, bổ sung biên bản phiên tòa nhằm thay đổi lời khai của mình trước đó liệu có gì bất minh hay không? Đây cũng là vấn đề quan trọng mà dư luận đang quan tâm sau khi Bản án sơ thẩm được ban hành (?!).

Báo Tuổi trẻ Thủ đô sẽ tiếp tục thông tin.

Đà Hải

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/vu-tranh-chap-ranh-gioi-dat-o-quang-nam-nhieu-tinh-tiet-quan-trong-chua-duoc-lam-ro-d2058916.html