Vụ tranh chấp doanh nghiệp ở Hà Nội bị làm phức tạp

Qua hai cấp tòa xét xử, ngày 12-8-2019, Tòa án Nhân dân (TAND) cấp cao tại Hà Nội đã ban hành Bản án phúc thẩm số 13/2019/KDTM-PT liên quan đến vụ kiện tranh chấp nội bộ Công ty TNHH Kim Anh (Công ty Kim Anh). Bản án đã có hiệu lực pháp luật, buộc ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc công ty phải thi hành án. Tuy nhiên, ông Thế đang tìm mọi cách để không thực hiện.

Trong diễn biến mới nhất, ngày 18-9-2019, ông Lê Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP Hà Nội đã ký quyết định cho thi hành án đối với ông Nguyễn Lương Thế (số nhà 132 Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, TP Hà Nội). Theo đó, buộc ông Thế phải tiến hành các thủ tục thành lập chi nhánh của Công ty Kim Anh theo biên bản họp Hội đồng thành viên (HĐTV) công ty ngày 11-1-2013.

Dù vậy, đến nay, ông Thế với tư cách là Chủ tịch HĐTV, Giám đốc Công ty Kim Anh vẫn không thực hiện thi hành án. Ông Đoàn Minh Quân, thành viên Công ty Kim Anh, chiếm 50% vốn điều lệ cho biết: “Ông Thế không những không chịu thi hành án mà còn tiếp tục gửi đơn đến UBND TP Hà Nội đề nghị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (GCNĐKDN) thay đổi lần thứ 5 của công ty để tiếp tục trì hoãn”.

Văn bản do ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc Công ty Kim Anh thông báo và yêu cầu ông Đoàn Minh Quân nộp ngay 72,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án.

Văn bản do ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc Công ty Kim Anh thông báo và yêu cầu ông Đoàn Minh Quân nộp ngay 72,3 tỷ đồng tiền sử dụng đất của dự án.

Trao đổi với chúng tôi, ông Quân cho biết: “Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Cà Mau) vừa có văn bản chuyển đơn tố cáo và kiến nghị của tôi tới Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị làm rõ trách nhiệm của ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội khi tiếp tục có Văn bản số 9583/VP-ĐT ngày 9-10-2019 chỉ đạo Thanh tra TP Hà Nội chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP Hà Nội kiểm tra rà soát hồ sơ vụ việc, tổ chức tiếp, làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty Kim Anh về việc thu hồi GCNĐKDN lần 5 đã cấp cho doanh nghiệp này”.

Ngày 16-10-2012, giữa ông Quân, ông Thế và bà Kim Anh đã ký các hợp đồng chuyển nhượng vốn góp số 01 và 02. Cùng ngày, các bên đã ký biên bản thanh lý hợp đồng, xác nhận về việc hoàn tất thủ tục chuyển nhượng. Sau đó, Công ty Kim Anh đã nộp hồ sơ để xin thay đổi GCNĐKDN lần 5. Ngày 31-10-2012, Công ty Kim Anh được cấp GCNĐKDN thay đổi lần thứ 5, theo đó ông Quân có giá trị vốn góp là 50 tỷ đồng, chiếm 50% vốn điều lệ.

Sau khi được cấp GCNĐKDN lần 5, Công ty Kim Anh hoạt động bình thường và có hàng chục biên bản họp HĐTV mà ông Quân dự họp (số 01, 02, 03, 04, 05... cùng nhiều biên bản họp khác); các biên bản họp, giấy mời họp, giấy ủy quyền của công ty đều khẳng định ông Quân là thành viên có 50% vốn điều lệ, tương đương với 50 tỷ đồng. Bất ngờ, ngày 8-1-2015 ông Thế gửi đơn đến cơ quan chức năng yêu cầu hủy GCNĐKDN lần 5 của công ty với lý do hợp đồng vốn góp số 01 và 02 là “giả mạo”.

Ngày 28-5-2015, Sở KH&ĐT TP Hà Nội có Văn bản trả lời số 150/ĐKKD trong đó nêu rõ: Căn cứ kết luận của Công an TP Hà Nội trả lời hồ sơ của Công ty Kim Anh đề nghị cấp GCNĐKDN lần 5 chưa đủ căn cứ kết luận hồ sơ giả mạo. Sau đó, ngày 18-6-2015, chính ông Thế lại gửi thông báo Công ty Kim Anh phải nộp thêm hơn 144 tỷ đồng và yêu cầu ông Quân nộp ngay số tiền 72,3 tỷ tiền sử dụng đất của dự án. Ông Quân nộp đủ số tiền 72,3 tỷ thì ngay sau đó ông Thế tiếp tục gửi văn bản kiến nghị thu hồi GCNĐKDN.

Văn bản số 150 của Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội khẳng định chưa đủ căn cứ kết luận hồ sơ đề nghị cấp đăng ký kinh doanh lần thứ 5 của Công ty Kim Anh giả mạo.

Việc ông Thế kiến nghị hủy GCNĐKDN lần 5 của Công ty Kim Anh là với mục đích loại ông Quân để sở hữu công ty và độc chiếm dự án nhà ở phố Wall. Nếu bị thu hồi GCNĐKDN lần 5, ông Quân sẽ mất trắng vốn góp đã đầu tư vào doanh nghiệp. Điều đáng nói là sự việc xảy ra sau gần 3 năm công ty hoạt động bình thường, trong khi đó ông Quân đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào doanh nghiệp. Cùng với đó, ông Thế gửi đơn tố cáo ông Đoàn Văn Vinh (bố ông Quân) và ông Quân trong vụ việc thay đổi GCNĐKDN lần 5 với lý do “giả mạo”. Trong khi vợ chồng ông Thế, bà Kim Anh còn đang nợ ông Vinh số tiền rất lớn. “Giữa bố mẹ tôi và vợ chồng bác Thế, Kim Anh đã làm ăn, tình nghĩa thân thiết như anh em ruột thịt mấy chục năm qua. Vì thế, bố tôi đã thế chấp nhà đất, cho mượn 6 sổ đỏ chung, cho vay số tiền lớn để bác Thế có tiền nộp vào dự án D4. Sau nhiều lần bố tôi đòi nợ nhưng vợ chồng bác Thế khất lần không trả nên buộc phải khởi kiện ra tòa”, ông Quân bức xúc cho biết.

Tại bản án phúc thẩm, tòa nhận định: Trong quá trình giải quyết khiếu nại và xét xử qua hai cấp tòa, ông Vinh thừa nhận ký tên “Quân” do nhận thức chưa đầy đủ về pháp luật. Việc ông Vinh ký tên anh Quân là không đúng. Tuy nhiên, việc làm trên của ông Vinh đã được Công an TP Hà Nội, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế và tham nhũng (Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) kết luận không phải là việc kê khai giả mạo, ông Vinh không có mục đích, động cơ vụ lợi cá nhân, giữa anh Quân và ông Vinh không tranh chấp về quyền lợi, không làm thay đổi bản chất việc mua bán phần vốn góp... Sở KH&ĐT TP Hà Nội, Bộ KH&ĐT, Văn phòng Chính phủ đều có văn bản khẳng định không có việc kê khai giả mạo hồ sơ đăng ký doanh nghiệp; GCNĐKDN lần 5 của Công ty Kim Anh là hợp pháp và không có cơ sở để hủy.

"Nút thắt" của vụ việc được giải quyết khi Văn phòng Chính phủ có Văn bản số 12906/VPCP ngày 1-11-2017 truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình với nội dung: “Căn cứ kết quả kiểm tra của Bộ KH&ĐT tại Văn bản số 8624/BKHĐT-ĐKKD ngày 23-10-2017, Sở KH&ĐT TP Hà Nội cấp GCNĐKDN lần 5 cho Công ty Kim Anh ngày 31-10-2012 là đúng quy định của Luật Doanh nghiệp. Chủ tịch UBND TP Hà Nội có văn bản trả lời ông Đoàn Minh Quân và ông Nguyễn Lương Thế, Giám đốc Công ty Kim Anh”.

Từ chỉ đạo của Chủ tịch UBND Thành phố, ngày 22-3-2018, Sở KH&ĐT TP Hà Nội đã ra Văn bản số 1539/KH&ĐT-ĐKKD trả lời khẳng định: “Việc ông Nguyễn Lương Thế tiếp tục kiến nghị phải thu hồi GCNĐKDN lần 5 của Công ty Kim Anh là không có cơ sở pháp luật”.

Ông Quân cho biết, hiện gia đình ông rất lo lắng khi ông Thế đã xây dựng hoàn thiện 15 căn nhà trong dự án và tự ý bán nhiều căn nhà mà không thông qua HĐTV, cũng như không trả nợ ngân hàng, và có thể ông Thế sẽ bán hết nhà tại dự án rồi bỏ sang nước ngoài sinh sống. Tôi là thành viên công ty, đã đầu tư hơn 300 tỷ đồng vào công ty nhưng hiện nay cứ vào kiểm tra dự án là ông Thế chỉ đạo bảo vệ đuổi, không cho tôi vào". Ông Quân khuyến cáo người mua nhà cần cẩn trọng về vấn đề pháp lý khi mua nhà tại Dự án khu nhà ở phố Wall (lô A-ô D4, Trần Thái Tông, Hà Nội) thời điểm này, bởi các thành viên công ty sẽ không chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại nếu xảy ra hậu quả. Thời gian qua, có trang mạng điện tử đăng tải thông tin gia đình tôi lừa đảo, chiếm đoạt 50 tỷ đồng của ông Thế. Đây là sự vu khống trắng trợn, đi ngược lại kết luận của cơ quan chức năng để nhằm làm rối loạn vụ việc".

Theo Luật sư Phạm Văn Phất, Đoàn Luật sư tỉnh Quảng Ninh: Bản án phúc thẩm đã có hiệu lực pháp luật. Tuy nhiên việc ông Nguyễn Quốc Hùng chỉ đạo kiểm tra rà soát hồ sơ vụ việc, tổ chức tiếp, làm rõ nội dung kiến nghị của Công ty Kim Anh là trái với Luật Khiếu nại 2011 (nội dung khiếu nại của Công ty Kim Anh đã có quyết định giải quyết khiếu nại lần hai (lần cuối) và quyết định tại các bản án đã giải quyết yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Lương Thế.

Hiện TAND quận Đống Đa (Hà Nội) đang thụ lý, xét xử vụ kiện đòi tài sản, trong đó vợ chồng ông Đoàn Văn Vinh yêu cầu vợ chồng ông Nguyễn Lương Thế phải trả số tiền đã vay của gia đình lên tới gần 100 tỷ đồng (cả gốc lẫn lãi).

Bài và ảnh: HÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/dieu-tra/vu-tranh-chap-doanh-nghiep-o-ha-noi-bi-lam-phuc-tap-597855