Vụ tra tấn người làm thuê như thời trung cổ: Không thể thụ động về trách nhiệm...

Vụ cô gái Y Nhiêu (SN 1995), quê xã Đăk Pét, Đăk Glei, Kon Tum, bị chủ Nguyễn Thị Hà (SN 1979), tạm trú tại tổ 3, phường Thống Nhất, TP.Pleiku, Gia Lai, đánh đập, tra tấn dã man gây sự phẫn nộ cho cộng đồng trong vài ngày qua.

Thủ đoạn của bà Hà là dùng búa, kìm bẻ răng, ủi bàn là nóng lên người, dao lam rạch mặt Y Nhiêu, gây thương tích nặng nề cả về thể chất lẫn tinh thần cho nạn nhân.

Điều đáng xót xa hơn, việc phát hiện và cứu sống cô gái trẻ là do người dân trong khu vực, khi cô bị ném ra ngoài ống cống, trong tình trạng thảm hại…

Sau khi dư luận phẫn nộ bùng phát dữ dội, tạo ra áp lực, hôm qua (22.7), lực lượng công an các địa phương liên quan mới bắt đầu có động thái điều tra bước đầu, và thủ phạm cho đến thời điểm này vẫn ung dung sau nhiều ngày sự việc được phát hiện.

Bác sĩ Y Hà - cán bộ trực Trung tâm Y tế huyện Đắk Glei - cho biết, chị Y Nhiêu nhập viện với đa trấn thương, nhiễm trùng vùng ngực, bụng, tai, mu bàn tay trái. Chị bị gãy hở 3 đốt ngón tay, gãy 3 chiếc răng, đặc biệt di chứng thương tích toàn thân với nhiều vết sẹo và bỏng.

Y Nhiêu bị tra tấn dã man và bị phát hiện trong tình trạng vo cung đáng thương (ảnh PV)

“Trung tâm đang tích cực điều trị ổn định vết thương nhiễm trùng, tiếp đó giới thiệu người nhà chuyển lên bệnh viện tuyến trên để điều trị các vết thương gãy xương” - bác sĩ Y Hà cho biết.

Điều đáng nói ở đây, việc bà Hà nuôi gái trẻ, tổ chức kinh doanh (nước giải khát), tra tấn con người… trải qua một thời gian dài, nhưng không hề được bất kỳ cơ quan chức năng nào phát hiện, cho đến khi người dân tìm thấy cô bị ném ra ngoài đường.

Ngày 22.7, trung tá Phan Nhật Toàn - Trưởng CA TP.Pleiku (Gia Lai) cho biết: “Hiện chúng tôi đang chờ kết quả giám định thương tật, chỉ cần trên đủ 11%, là có thể khởi tố vụ án”. Đại tá Lê Mạnh Hùng - Trưởng Công an huyện Đắk Glei (Kon Tum) thì cho rằng, do hành vi tra tấn diễn ra tại Gia Lai, nên đã cử cán bộ hướng dẫn gia đình Y Nhiêu làm đơn tố cáo gửi CA Gia Lai. “Góc độ công an địa phương, chúng tôi sẽ thường xuyên trao đổi thông tin với công an Gia Lai, để có hướng xử lý phù hợp” - đại tá Hùng khẳng định.

Điều đó chứng tỏ cả hai cơ quan công an cho đến nay đều có vẻ bị động chờ đợi động thái từ nạn nhân. Thái độ này khó hiểu, vì lẽ ra, với sự việc nghiêm trọng, gây phẫn nộ trong dư luận như vậy, công tác điều tra phải được tiến hành ngay, trước khi thủ phạm kịp có động thái phản ứng, nhằm xóa đi tội lỗi của mình.

Trong khi dư luận phẫn nộ về vụ việc, cơ quan công an vẫn chờ đơn kiện và giám định của Y Nhiêu mới tiến hành điều tra (PV)

Ắt bạn đọc còn nhớ, cách đây 8 năm, vụ Hào Anh, 14 tuổi, bị chủ đìa tôm tại Đầm Dơi, Cà Mau bạo hành đến biến dạng, cũng do hàng xóm phát hiện và báo cho cơ quan chức năng.

Hệ thống điều hành của bộ máy quản lý Nhà nước ở các địa phương hiện hoàn chỉnh từ tỉnh về tận cấp dân phố. Thậm chí đến tổ trưởng dân phố cũng được hưởng phụ cấp từ ngân sách nhà nước, nhưng vì sao những trường hợp hành hạ, tra tấn con người như thời trung cổ như vụ ở Cà Mau và gần đây là ngay giữa trung tâm TP Pleiku (Gia Lai) vẫn không bị phát hiện sớm và ngăn chặn?

Trong trường hợp này, điều đó chứng tỏ, con người đang nhận lãnh trọng trách đang thụ động về trách nhiệm, chứ không phải bộ máy quản lý xã hội bị khiếm khuyết.

Trung Hiếu

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/dien-dan/vu-tra-tan-nguoi-lam-thue-nhu-thoi-trung-co-khong-the-thu-dong-ve-trach-nhiem-620444.ldo