Vụ tra tấn người giúp việc như thời trung cổ: Lao động nữ giúp việc đang bị bỏ rơi ngoài lề

Vừa qua, dư luận vô cùng bức xúc trước vụ việc chị Y Nhiêu (SN 1995, thôn Pêng Siêl, xã Đắk Pét, huyện Đắk Glei, Kon Tum) bị tra tấn tàn bạo khi làm giúp việc tại Gia Lai. Qua vụ việc này, nhiều chuyên gia cho rằng đối tượng lao động giúp việc gia đình vẫn chưa được quan tâm đúng mức và chưa tiếp cận được các chính sách bảo vệ quyền lợi của mình.

Chị Y Nhiêu - người bị bạo hành.

Tại Việt Nam, tỷ lệ giúp việc gia đình tăng trong những năm gần đây. Theo thống kê của Trung tâm Nghiên cứu giới, gia đình và phát triển cộng đồng (GFCD), lao động giúp việc gia đình tại Việt Nam có tới trên 98% là phụ nữ, trong đó khoảng 75% là người từ địa phương khác và trên 96% lao động giúp việc chưa qua đào tạo.

Lao động giúp việc cũng có trình độ học vấn khá thấp (77% lao động chỉ học từ tiểu học đến THCS). Đây là nguyên nhân chính dẫn đến việc đa số người giúp việc gia đình chưa tiếp cận được với các thông tin pháp luật nên chưa hiểu hết về quyền lợi của mình.

Bà Ngô Thị Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm GFCD cho rằng: “Chị Y Nhiêu làm giúp việc cho gia đình tại Gia Lại vừa bị bạo hành dã man và vu cho nhiều điều như ăn trộm tiền... Từ vụ việc này, chúng ta thấy được đối tượng lao động nữ giúp việc gia đình hoàn toàn bị bỏ rơi ngoài lề. Họ không được bất cứ cơ quan chức năng, tổ chức xã hội biết đến và bảo vệ”.

Bên cạnh đó, bản thân người lao động không biết đến quyền lợi và bảo vệ quyền lợi của mình. Trước khi đi làm việc, mỗi người giúp việc nên tìm hiểu trước về gia chủ của mình là người như thế nào. Nếu không, họ vô tình mang trứng gửi cho ác, bà Ngọc Anh thông tin.

Trước việc Y Nhiêu bị bạo hành trong thời gian dài, bà Ngọc Anh cho rằng: “Để bạo hành trong thời gian dài do chị này quá cam chịu, nhẫn nhục và không biết cầu cứu bất kì một ai”.

Chuyên gia này cho rằng, lao động giúp việc gia đình có môi trường làm việc đặc thù, khép kín trong căn nhà của gia chủ. Nếu không có sự thông cảm, chia sẻ, tôn trọng và hiểu biết pháp luật từ hai phía, dễ dẫn đến mâu thuẫn khi khác biệt về môi trường sống, văn hóa. Trong khi đó, họ chưa được trang bị kiến thức, kĩ năng để ứng phó được trước nhiều tính huống có thể xảy ra. Như vậy, những thua thiệt sẽ rơi vào người lao động.

Pháp luật quy định rất rõ gia chủ và người giúp việc gia đình phải có hợp đồng lao động để bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Bên cạnh đó, giúp việc gia đình đã được coi là một nghề.

Tuy nhiên, các khảo sát liên quan đến nhóm lao động này cũng chỉ ra, gần 90% lao động giúp việc gia đình đang làm việc mà không ký kết hợp đồng lao động bằng văn bản với người sử dụng lao động, nên không có cơ sở để đòi quyền lợi.

Theo bà Ngọc Anh, việc thỏa thuận miệng như hiện nay, khi có sự việc xảy ra, sẽ khó lường trước được. Bản thân, người phụ nữ đi đến đâu cũng là người lao động, đóng góp cho sự phát triển của xã hội. Vì vậy, chính quyền địa phương, hội phụ nữ phải bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của họ.

HOA LÊ

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/xa-hoi/vu-tra-tan-nguoi-giup-viec-nhu-thoi-trung-co-lao-dong-nu-giup-viec-dang-bi-bo-roi-ngoai-le-622239.ldo