Vụ 'Tin bạn, mất nhà': Câu hỏi chưa có lời đáp

Tìm hiểu vụ thi hành án này, chúng tôi thấy có điều khó hiểu. Trong cả hai bản án, tòa án đều xác định Cty Trọng Tấn là người có nghĩa vụ trả nợ Vietcombank, chỉ khi nào Cty này không có khả năng thi hành án...

Ngôi nhà tả mạc có giá 15,5 tỷ đồng, khi bán đấu giá chỉ còn 2,6 tỷ

NNVN ra ngày 25/7 đăng bài: "Tin bạn, mất nhà". Trong vụ kiện này, người phải thi hành hai bản án dân sự của TAND huyện Tân Yên và TAND tỉnh Bắc Giang là Cty Trọng Tấn, do ông Nguyễn Văn Tạo, giám đốc, làm đại diện, chứ không phải ông Lê Văn Dũng. Bởi ông Dũng chỉ là người bảo lãnh. Cty này phải trả cho Vietcombank Bắc Giang 17,537 tỷ đồng.

Căn cứ bản án, cơ quan thi hành án huyện Tân Yên đã ra quyết định thi hành án đối với Cty Trọng Tấn. Ngày 16/4/2014, cơ quan thi hành án huyện Tân Yên đã ra quyết định cưỡng chế kê biên, xử lý tài sản Cty, gồm nhà điều hành, nhà xưởng, nhà kho, thiết bị máy móc và một số công trình phụ trợ khác... để đảm bảo thi hành án.

Nhưng không hiểu sao, sau đó cơ quan thi hành án lại hoãn thi hành án và giải biên cho Cty. Điều kỳ lạ nhất là, là chủ nợ, lẽ ra Vietcombank phải kiên quyết phản đối việc giải biên cho Cty Trọng Tấn, kiên quyết yêu cầu cơ quan thi hành án phải tổ chức bán đấu giá những tài sản đã kê biên để thu hồi nợ, thì Vietcombank lại đề nghị cho Cty hoãn thi hành án và được giải biên(?).

Và việc hoãn thi hành án diễn ra không chỉ một mà tới 3 lần. Mỗi lần được hoãn thi hành án, Cty Trọng Tấn lại chuyển một phần gỗ của ông Lê Văn Dũng ra khỏi xưởng của mình, không biết chuyển đi đâu? Như đã nói, thấy ông Dũng có 500 khối gỗ lim xanh thành khí và 270 khối gỗ lim xanh tròn để ở xưởng gần nhà chính của quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút, ông Nguyễn Văn Tạo, giám đốc Cty Trọng Tấn đã đề nghị ông Dũng cho chuyển tất cả 770m3 gỗ đó về xưởng của mình.

Tiếp theo, ông Tạo còn tháo dỡ nhà hữu mạc với 189m3 gỗ lim xanh nữa về xưởng của Cty. Tổng cộng trong xưởng có 959m3 gỗ lim xanh của ông Dũng, nếu quy ra giá trị thì rất lớn. Để bảo vệ số gỗ đó, ông Dũng đã cử người em út là Lê Văn Việt đến trông nom. Ngày 25/4/2014, Cty nhận được quyết định hoãn thi hành án lần đầu tiên, thì ngày 26/4/2014 họ chở gỗ của gia đình ông Dũng ra khỏi xưởng.

Thấy vậy, anh Việt ra ngăn cản. Lập tức ông Tạo hô người đến hành hung, khiến anh Việt bị thương tích vỡ hộp sọ, dập thùy trái não, hiện vẫn phải nằm điều trị ở BV Việt Đức. Cho đến nay, Cty Trọng Tấn đã tẩu tán hết 959m3 gỗ lim xanh của gia đình ông Dũng.

Trong khi người phải thi hành án là Cty Trọng Tấn cứ hết bị kê biên rồi lại giải biên, thì tài sản bảo lãnh của ông Dũng gồm đất, nhà chính, nhà tả mạc lại bị kê biên để bán đấu giá. Ngôi nhà chính, lúc vay được định giá 42 tỷ đồng, nay định giá để phát mại chỉ có 6 tỷ đồng. Nhà tả mạc được định giá lúc vay là 15,5 tỷ đồng, khi định giá để bán đấu giá chỉ có 2,6 tỷ đồng. Tổng tài sản của quần thể nhà ở gia đình cụ Lê Văn Bút, lúc đầu được Vietcombank định giá 136 tỷ đồng. Nhưng khi định giá để mang bán đấu giá, chỉ có 11,522 tỷ đồng, chưa bằng 1/10 giá trị được định lúc bảo lãnh cho Cty Trọng Tấn vay.

Sau 2 lần đấu giá không thành, và 2 lần giảm giá (mỗi lần giảm 10%) tài sản gồm quyền sử dụng đất và nhà chính, nhà tả mạc của quần thể nhà ở gia đình của cụ Bút khi mang đấu giá lần 3 chỉ còn 9,333 tỷ đồng. Người mua được khối tài sản trên là bà Nguyễn Thị Ngọc Ánh, có địa chỉ thường trú là số 69, đường Vân Hồ III, phường Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngày 8/6/2018, cơ quan thi hành án đã cưỡng chế vợ chồng cụ Bút ra khỏi nhà, giao nhà cho bà Ánh.

Tìm hiểu vụ thi hành án này, chúng tôi thấy có điều khó hiểu. Trong cả hai bản án, tòa án đều xác định Cty Trọng Tấn là người có nghĩa vụ trả nợ Vietcombank, chỉ khi nào Cty này không có khả năng thi hành án, thì mới xử lý tài sản của người bảo lãnh. Cty Trọng Tấn hoàn toàn đủ điều kiện thi hành án. Nhưng sau đó lại được hoãn thi hành án và giải biên là sao?

Việc kê biên và giải biên diễn ra đến 3 lần, để rồi chuyển sang thi hành án với khối tài sản của người bảo lãnh? Phải chăng là đã có sự “dàn xếp”, tạo điều kiện để Cty Trọng Tấn thoát nghĩa vụ trả nợ cho Vietcombank và chiếm đoạt 959 m3 gỗ lim xanh của gia đình ông Dũng? Rồi tiếp sau đó lại chiếm đoạt toàn bộ quyền sử dụng hơn 7.000 m2 đất và toàn bộ công trình gắn liền với đất của quần thể nhà ở gia đình cụ Bút?

Câu hỏi này, đến nay vẫn chưa có lời đáp.

Thanh Vũ

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vu-tin-ban-mat-nha-cau-hoi-chua-co-loi-dap-post223422.html