Vụ thượng úy công an tử vong: Đối tượng đối diện mức án nào?

Sau khi thượng úy công an ngăn cản vụ xô xát đã bị 1 đối tượng đấm vào vùng bụng dẫn đến tử vong. Trong trường hợp này, đối tượng sẽ đối diện với mức án nào?

Ngày 11/11, Công an tỉnh Hà Nam đang tạm giữ hình sự 3 đối tượng trong vụ ẩu đả, đánh nhau khiến một thượng úy công an tử vong. Nạn nhân là thượng úy N.T.M, là cán bộ tại Công an huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam.

Theo đó, chiều ngày 10/11, Công an xã Đạo Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam nhận được tin báo của quần chúng nhân dân về việc tại xưởng may của anh Nguyễn Văn Hưng (SN 1973, ở thôn Sàng, xã Đạo Lý) xảy ra vụ xô xát đánh nhau giữa anh Hưng và các đối tượng Nguyễn Văn Côn (SN 1979), Trần Quang Đoài (SN 1972, đều trú tại thôn Đồng Phú, xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân) và Phan Văn Thế (SN 1978, trú tại thôn Trác Nội, xã Trần Hưng Đạo, huyện Lý Nhân).

Công an huyện Lý Nhân, đồng thời cử thượng úy N.T.M và anh Nguyễn Văn Huynh, công an viên trực tiếp xuống hiện trường nắm tình hình, giải quyết vụ việc theo quy định của pháp luật.

Xác định nhóm đối tượng này sử dụng hung khí đánh nhau, anh M. đã yêu cầu các đối tượng về trụ sở công an xã làm việc để giải quyết theo quy định của pháp luật, nhưng các đối tượng không chấp hành. Đối tượng Nguyễn Văn Côn đã dùng tay đấm vào vùng bụng, lách khiến anh M. bị thương.

Mặc dù được người dân đưa đi cấp cứu, nhưng do vết thương quá nặng, anh M. đã tử vong tại bệnh viện huyện Lý Nhân. Nguyên nhân do bị vỡ lá lách trái gây mất máu dẫn đến tử vong.

Dưới góc độ pháp luật, Luật sư Hà Thị Lan Hương (Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Phú Thọ) cho rằng, hành vi phạm tội của đối tượng không những đã xâm phạm đến hoạt động của nhà nước về quản lý hành chính trong lĩnh vực thi hành nhiệm vụ công mà còn xâm phạm đến tính mạng của người thi hành công vụ nên cần thiết phải xử lý nghiêm bằng pháp luật hình sự.

Đối tượng đã sử dụng vũ lực đấm vào các vùng trọng yếu trên cơ thể anh M. là nguy hiểm đến tính mạng. Dù không có mâu thuẫn, thù oán gì với anh M. nhưng đã chống lại hoạt động của người thi hành công vụ khiến nạn nhân tử vong.

Trong trường hợp này, hành vi phạm tội của đối tượng thể hiện sự côn đồ hung hãn, vô cớ tước đoạt tính mạng anh M. đã cấu thành tội Giết người, được quy định tại điểm d, n khoản 1, Điều 123 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Ngoài ra, lỗi của đối tượng là tội Cố ý gián tiếp được quy định tại Khoản 2, Điều 10, Bộ luật hình sự "Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó có thể xảy ra, tuy không mong muốn nhưng vẫn có ý thức để mặc cho hậu quả xảy ra".

Về việc đánh nhau giữa anh Hưng với nhóm của Nguyễn Văn Côn, Trần Quang Đoài và Phan Văn Thế tại xưởng may ở thôn Đồng Phú cần phải được xử lý theo quy định của pháp luật.

Trường hợp đánh nhau gây thương tích thì tùy theo tính chất mức độ các đối tượng có thể bị xử lý về tội Cố ý gây thương tích theo quy định tại Điều 134, Bộ luật hình sự.

Nếu chưa gây hậu quả thì có thể xem xét xử lý các đối tượng về tội Gây rối trật tự công cộng theo quy định tại Điều 318, Bộ luật hình sự.

Tác giả: Đăng Khoa

Theo Người Đưa Tin Pháp luật

Nguồn ANTT: http://antt.nguoiduatin.vn/vu-thuong-uy-cong-an-tu-vong-doi-tuong-doi-dien-muc-an-nao-303456.htm