Vụ thuốc ung thư giả Vinaca Co 3.2: Lỗ hổng vinh danh thương hiệu

Vụ thuốc ung thư giả Vinaca Co 3.2 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hổng ngày càng rộng trong hoạt động vinh danh thương hiệu cho doanh nghiệp những năm gần đây.

Mấy ngày nay, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc thuốc điều trị ung thư Vinaca Co 3.2 của Công ty Vinaca từng được vinh danh tại giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 lại được làm giả bằng bột than tre, bán theo hình thức đa cấp tại trên 20 tỉnh thành trong cả nước một thời gian dài, nhưng không được các cơ quan hữu quan, phát hiện xử lý.

Những sai phạm đã được chỉ mặt đặt tên, hành vi sản xuất buôn bán thuốc chữa ung thư từ bột than tre của công ty này đã đầy đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm để khởi tố vụ án. Nhưng những hành vi mang tính bao che, tiếp tay của những người đứng đầu Viện Công nghệ chống làm giả - Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ Thương hiệu Việt Nam (VATAP), Trung tâm tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và phát triển thương hiệu (Hiệp hội chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam), Tạp chí Hàng hóa và thương hiệu khi đã mạnh tay ký vào Giấy chứng nhận Công ty Vinaca đạt Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017 sẽ phải chịu hình phạt nào thì các cơ quan chức năng chưa thể làm rõ.

Giấy chứng nhận Công ty Vinaca đạt Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017.

Nguồn: Internet.

Vụ thuốc ung thư giả Vinaca Co 3.2 thêm một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những lỗ hổng ngày càng rộng trong hoạt động vinh danh thương hiệu cho doanh nghiệp những năm gần đây.

Làm thương hiệu quá dễ

Việc làm thương hiệu, hay xin cấp giấy chứng nhận hàng hóa ở nước ta còn dễ dãi và chưa được các cơ quan có trách nhiệm quản lý một cách nghiêm túc.

Chia sẻ về vụ thuốc ung thư giả Vinaca Co 3.2, Dân trí dẫn lời ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý Thị trường (Bộ Công Thương): “Dư luận hiện có nhiều thông tin, để tham gia vào các "show" giải thưởng, chứng nhận kiểu như trên họ đóng 5 - 10 triệu đồng sẽ có giải ngay".

Ông Vũ Đại Dương, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế -Thanh tra, Tổng Cục Tiêu chuẩn Đo lường chất lượng (Bộ Khoa học Công nghệ) cũng thừa nhận: Nhiều hàng hóa không đảm bảo, kém chất lượng nhưng vẫn có được giấy chứng nhận tiêu chuẩn hàng hóa. Tình trạng những tổ chức chứng nhận, giám định hàng hóa cung cấp giấy không đảm bảo hoặc cấp khống ngày càng phổ biến.

Hiện chưa có số liệu thống kê cụ thể có bao nhiêu giải thưởng vinh danh doanh nghiệp, nhưng chỉ cần lướt qua công cụ tìm kiếm trên mạng, đã bắt gặp vô số giải thưởng trong đủ loại lĩnh vực, ngành nghề, được tổ chức bởi rất nhiều hiệp hội, công ty truyền thông khác nhau. Không ít doanh nghiệp phàn nàn, họ thường xuyên bị đeo bám bởi các đơn vị tổ chức đến mời chào tham gia giải thưởng.

Thẳng thắn trao đổi với Đất Việt, PGS.TS Vũ Trí Dũng - Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng hoạt động vinh danh cho doanh nghiệp đang là "chuyện lạ" chỉ có ở Việt Nam. Hiện có không ít danh hiệu, giấy chứng nhận được đưa ra để kiếm tiền, nuôi sống một số người, còn bản thân chất lượng sản phẩm, thương hiệu đó không ai quan tâm. Thậm chí, có nhiều doanh nghiệp đầy rẫy các giấy chứng nhận nhưng không có tác dụng gì, vì bản chất chỉ là sinh ra các giấy chứng nhận để kiếm tiền của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp "mua" giải thưởng để "bịp" người tiêu dùng

Ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) tỏ ra lo lắng khi tình trạng các doanh nghiệp muốn bán sản phẩm đã quảng cáo quá mức cần thiết, gắn mác và đưa các chứng nhận, cúp chứng nhận lừa bịp người tiêu dùng.

Các doanh nghiệp này đã tự túc đi tìm kiếm giải thưởng, không cần ban tổ chức phải tìm đến và giải thưởng mà doanh nghiệp muốn được vinh danh tỷ lệ thuận với số tiền mà doanh nghiệp bỏ ra "mua", không phụ thuộc vào chất lượng sản phẩm. Thế mới có chuyện, khi báo Người lao động hỏi về tiêu chí trao giải thương hiệu, sản phẩm, dịch vụ hàng đầu Việt Nam năm 2017 cho Công ty Vinaca là gì, ông Lê Trọng Anh, Giám đốc Trung tâm Tư vấn hỗ trợ doanh nghiệp và Phát triển thương hiệu (Hiệp hội Chống hàng giả và Bảo vệ thương hiệu Việt Nam) giải thích: Ban Tổ chức chỉ đánh giá và truyền thông thương hiệu, không phải đánh giá về chất lượng sản phẩm. Tiêu chí của chương trình trao giải có ba nội dung sản phẩm, thương hiệu và doanh nhân xuất sắc. Cùng một tiêu đề nhưng Vinaca đăng ký mỗi thương hiệu thôi.

Các ngành chức năng còn thờ ơ

Để xảy ra hiện tượng đáng buồn trên, cần phải nói tới sự thiếu vào cuộc của các cơ quan chức năng ngay từ đầu quy trình bình chọn và trao giải thưởng cho doanh nghiệp.

Đại diện Công ty Vinaca lên nhận giải thưởng Top 10 thương hiệu hàng đầu Việt Nam năm 2017. Nguồn: Internet.

Trong quá trình xử lý sai phạm của Công ty Vinaca, ông Trần Hùng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) không khỏi bức xúc: Sự việc được phát hiện rất sớm, nhưng công tác phối hợp giữa các ngành chức năng còn chưa tốt, nặng về mặt hành chính nên việc đấu tranh với hàng giả còn hạn chế.

"Chỉ trong buổi sáng, tôi điện ngay Chánh thanh tra Bộ Y tế, Cục trưởng Cục Dược để phối hợp kiểm tra. Cục Dược nói để từ từ nghe Sở Y tế báo cáo lên, Thanh tra Bộ Y tế nói hết người khiến tôi rất buồn. Ta cứ hay nói công tác phối hợp nhưng nói thật công chức phải có trách nhiệm", ông Hùng chia sẻ.

PGS.TS Vũ Trí Dũng - Khoa Marketing, Đại học Kinh tế Quốc dân cũng thừa nhận về phía quản lý nhà nước, chưa có một cơ quan nào đứng ra quản lý các danh hiệu, giấy chứng nhận. Trước thực trạng giấy chứng nhận sinh ra nhiều như nấm, vấn đề cần làm rõ là ai đứng ra tổ chức cấp giấy chứng nhận này, chắc chắn mỗi giấy chứng nhận được cấp sẽ có các tổ chức đứng sau.

"Điểm thiếu quan trọng nhất hiện nay là không có bộ phận nào đứng ra quản lý các giấy chứng nhận này. Như giấy chứng nhận của Nhà nước thì bên Chính phủ quản lý, giấy chứng nhận bên Đoàn thì bên Đoàn quản lý, giấy chứng nhận của doanh nghiệp thì do doanh nghiệp quản lý, tức là phải phân cấp, phải có tổ chức chính quyền đứng sau và dưới sự cho phép của Chính phủ".

Ông Dũng khuyến nghị: Các cơ quan chức năng cần quy định rõ trách nhiệm kiểm định, đăng ký thương hiệu của các tổ chức được giao cấp giấy chứng nhận giải thưởng cho doanh nghiệp, trong đó, chỉ tiêu thị phần là một yếu tố, nhưng quan trọng là chỉ tiêu chất lượng.

Khi sự thờ ơ của các cơ quan chức năng còn tồn tại, những lỗ hổng vinh danh tương tự như vụ thuốc ung thư giả Vinaca Co 3.2 sẽ vẫn còn đó. Khi người tiêu dùng không còn niềm tin vào thương hiệu doanh nghiệp thì doanh nghiệp Việt sẽ đứng đâu trong cuộc cạnh tranh và hội nhập với nền kinh tế thế giới?

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/y-kien/vu-thuoc-ung-thu-gia-vinaca-co-32-lo-hong-vinh-danh-thuong-hieu-1352.html