Vụ thu tiên cứu trợ: Phép vua thua 'lệ làng'

413 triệu đồng được vợ chồng Công Vinh – Thủy Tiên cứu trợ cho người dân ở thôn Ngọa Cương, xã Cảnh Hóa, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) được trưởng thôn Ngọa Cương nói 'Lệ Làng ở đây là thế'.

Nhận được tiền hỗ trợ, nhiều người dân mừng rơi nước mắt. 69 hộ khó khăn ở thôn Ngọa Cương của xã Cảnh Hóa cũng vậy, nhưng sau đó được thôn đi thu lại.

Phóng viên Báo Phụ nữ đã có cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Nguyễn Hữu Cần - Trưởng thôn Ngọa Cương về việc vì sao người dân có sự “tự nguyện” này.

Người dân xếp hàng nhận tiền cứu trợ của mạnh thường quân (Ảnh PNO)

Ông Cần cho biết, trưa 30/10 thôn đã trả lại hết số tiền mà thôn thu lại của người dân trong đợt vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên về đây trao cho từng hộ. Mỗi hộ 6 triệu đồng, tổng cộng 413 triệu đồng.

Trưởng thôn giải thích: Tại thôn từ trước đến nay, cái nhỏ cho đến cái to, nhận về nhập vào thôn để cấp phát cho cả những hộ không phải là “đối tượng” (người không có trong danh sách hỗ trợ - PV). Cái này thôn Ngọa Cương đã làm mười mấy năm rồi.

"Tiền lệ là vậy, bà con nhận ở mô kể cả thùng mì tôm, bì gạo hay 500 ngàn thì cũng đem về nộp lại thôn. Chủ trương này không phải mới ra, thôn của tôi mỗi khi có cấp phát gì đều có ban cấp phát để tiếp nhận, về thôn cấp phát lại. Vừa rồi bà con nhận tiền về thì cũng tự nguyện nộp lại cho thôn.

Ví dụ họ nộp như vậy, (khi phát lại – PV) thì họ vẫn có suất được ưu tiên hơn những hộ không có suất (trong đợt cứu trợ - PV). Cho nên họ tin tưởng việc làm của thôn từ trước đến nay. Nói chung là mọi người đều tự nguyện đưa về nộp.

Người dân đang được vợ chồng Công Vinh - Thủy Tiên phát tiền từ thiện (Ảnh PNO)

Mà cũng không phải riêng tiền của Thủy Tiên nữa, mà tiền của các đoàn trước cũng vậy, tiền của con em sống trong thôn ủng hộ người bị ngập lụt cũng giao cho thôn tiếp nhận. Mọi cái đều như vậy hết.

Giống như gạo của hộ nghèo thì ở đây cũng chia. Ví dụ hộ nghèo được 15 cân, họ nhận 8 cân còn lại thôn tiếp nhận rồi cấp phát lại cho người dân trong thôn. Tiền hôm nay (nhận được từ Thủy Tiên - PV) cũng vậy, tiền lệ của thôn là như vậy.

Phóng viên: Trong lúc Thủy Tiên đến trao tiền cho mọi người, thôn có cho cô biết rằng sẽ thu tiền lại để chia phát sau hay không?

Ông Nguyễn Hữu Cần: Không. Tất cả những ai có danh sách đi nhận hàng tại xã, họ nhận xong thì về nộp lại cho Ban cấp phát. Thực tế thì Ban cấp phát chỉ ngồi tại nhà, từ xưa tới nay là vậy chứ không phải hôm nay có tiền mà ngồi trực ở đây để thu tiền dân. Đầu mùa, ai biết được Thủy Tiên về cho tiền nhiều rứa? Đầu mùa này thì thôn cũng tổ chức Ban cấp phát như thường lệ, đi nhận cứu trợ về là người dân nộp hết.

Từ trước tới nay, chỉ có cơn lũ ni Thủy Tiên về mới cho số tiền lớn đến mức một hộ 6 triệu đồng, chứ trước nay chỉ 50 ngàn một phong bì, một túi quà thì họ cũng về nhập vô kho thôn bởi vì tiền lệ của thôn là thế. Trước khi có cấp phát bão lụt, thôn đã có Ban tiếp nhận hàng để làm sao phân phát công bằng cho dân chứ không phải giờ có Thủy Tiên về, có tiền nhiều chúng tôi lại bắt nộp. Mà thật sự thì nhiều nguồn khác nữa chứ không phải chỉ nguồn đó đâu.

Hàng ngàn ngôi nhà của bà con miền Trung bị ngập sau đợt mưa lũ vừa qua (Ảnh PNO)

* Khi người dân nộp lại xong, việc cấp phát được được chia như thế nào?

- Ví dụ, những hộ đặc biệt khó khăn, những hộ ngập lụt sâu là những hộ có tiêu chuẩn (nhận được 3 phần) thì mình sẽ phát 2 phần, phần còn lại sẽ chia đều cho toàn dân (trong thôn). Cũng giống như gạo cứu trợ cho hộ nghèo, họ đi nhận xong đưa về nộp cho thôn, hộ nghèo đó được nhận 8 cân, còn lại thôn chia đều cho mọi người.

* Cụ thể số tiền thu lại của những người dân nhận hỗ trợ từ Thủy Tiên được chia như thế nào?

- Ban cấp phát đã bàn bạc, các hộ nhận được 6 triệu (từ Thủy Tiên), họ sẽ nhận lại được 4 triệu, còn 2 triệu cắt lại chia đều cho dân. Cũng giống như vụ gạo hộ nghèo vậy. Đường lối làm từ xưa tới giờ được bà con đồng thuận.

Sạt lở đất vẫn đang xảy ra ở miền Trung (Ảnh CTV)

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng có mặt ở Quảng Bình để chỉ đạo việc cứu hộ cứu nạn (Ảnh CTV)

Việc thôn thu lại tiền không báo với xã, xã không chỉ đạo chuyện này.

Tôi vẫn tự hào với người dân thôn tôi, mọi người làm vậy nhưng họ cũng không nghĩ gì. Người ngoài không hiểu được rồi đánh giá Ban cán sự thôn đến ăn của dân thì tôi mới sợ.

Tất nhiên mình vận dụng ở đây là theo ý dân thôi nhưng có cái không đúng nguyên tắc. Xã đã về làm việc về vấn đề này và chỉ đạo thôn trả lại cho dân chứ không thể chia đều. Thôn đã tổ chức và trả lại tận tay mọi người số tiền đó rồi.

Khó có thể chấp nhận "Lệ làng" như ông trưởng thôn nói. Để chấm dứt tình trạng này, rất mong các cấp chính quyền nên sớm chỉ đạo, đừng để người dân mất niềm tin vào cán bộ.

Dép Lê (tổng hợp)

Nguồn Sao Pháp Luật: https://sao.baophapluat.vn/tin-tuc/chi-tiet/vu-thu-tien-cuu-tro-phep-vua-thua-le-lang-13598/