Vụ thầy giáo dâm ô nhiều học sinh: Khoảng trống về sự giám sát các em học sinh

Vụ thầy giáo dâm ô với gần chục học sinh lớp 3 ở Hà Nội đang làm dư luận rúng động, kinh hoàng. Tại sao trẻ bị xâm hại suốt một thời gian dài mà không người lớn nào biết?

Dường như đang có một khoảng cách giữa cha mẹ với các em, khiến những đứa trẻ ấy khó có thể vô tư tâm sự với cha mẹ

“Gửi trứng cho ác”

Theo lời khai của các nạn nhân thì thầy Nguyễn Đình L. (SN 1974, giáo viên trường Tiểu học An Thượng A, huyện Hoài Đức, Hà Nội) lợi dụng hai thời điểm “vàng” để sàm sỡ các cháu là khi “cả lớp ra tập thể dục còn lại một bạn nữ” và khi đến học thêm ở nhà thầy.

Cụ thể, giờ học chính thức là 8 giờ, nhưng mỗi tuần thầy cử một bạn đến sớm 30 phút để trực nhật phòng học. “Bạn đến sớm hơn, đều bị thầy đưa lên phòng giở trò” - một phụ huynh kể lại.

Bình luận về điều này, có người cho rằng: “Đây có thể là một kiểu dạy thêm chui. Nếu không cho con đi học thêm thì đâu đến nỗi? Cho con em đến nhà giáo viên học thêm đã là dũng cảm rồi. Đằng này là cho con gái đến nhà thầy học buổi tối. Đừng nghĩ rằng con mình mới học lớp 3 là còn nhỏ”.

Vì tin tưởng thầy giáo là người quen, cùng làng, cùng xã nên các phụ huynh yên chí cho con đến nhà học thêm mà không đắn đo gì, dù chăng có ai giám sát được hành động của thầy ở nhà.

Có một thực tế lâu nay là phụ huynh gửi gắm hết trách nhiệm dạy dỗ con em cho thầy cô. Cho con vào trường, cho con đến nhà giáo viên là cha mẹ “hoàn thành” nghĩa vụ.

Chúng ta vẫn nói rằng nền giáo dục được đặt trên cái kiềng ba chân: nhà trường, gia đình và xã hội.

Thiếu một trong ba chân áy thì nền giáo dục không đứng vững chãi và thăng bằng được.

Bởi vậy, nếu gia đình không tham gia vào việc dạy trẻ mà cứ 'trăm sự nhờ nhà trường, nhờ các thầy cô' thì con trẻ chúng ta không phát triển và trưởng thành được.

PGS Văn Như Cương

Sự việc này khiến người ta nhớ đến lời khai của Nguyễn Việt Hoàng - kẻ thực hiện 6 vụ dâm ô học sinh tiểu học ở Hà Nội hồi năm ngoái: Phụ huynh đưa con đến trường xong đều vội quay xe đi làm. Khi đó các thầy còn chưa lên lớp, không ai để ý đến học sinh. Đây chính là kẽ hở để kẻ ác thực hiện hành vi phạm tội. Đó cũng là khoảng trống về sự giám sát các em.

Theo lời kể của một mẹ nạn nhân thì các em đã bị thầy L. xâm hại đã hơn nửa năm (tức là đầu năm học). Vụ việc chỉ vỡ lở khi tuần qua mẹ của một học sinh nữ trong lớp vô tình nghe được con nói chuyện với bạn về việc bị thầy L. thơm vào môi, chị này đã mua kem, rồi dỗ dành để hỏi han các cháu.

Tại sao bị xâm hại suốt một thời gian dài mà không người lớn nào biết? Câu trả lời đơn giản là sợ thầy. “Thầy giáo đã dọa là nếu nói cho bố mẹ biết, thầy sẽ cho đúp” - chị T.N có con bị xâm hại cho biết.

Đúng! Tâm lý học trò nói chung là sợ thầy cô, huống chi các em mới chỉ 8 tuổi? Nhưng trẻ em vốn ngây thơ, hồn nhiên sẽ có lúc buột miệng nói ra, với điều kiện là cha mẹ thực sự quan tâm, gần gũi các em.

Dường như đang có một khoảng cách giữa cha mẹ với các em? Đang có một bức tường vô hình khiến các em khó có thể vô tư tâm sự với cha mẹ?

Đang có một bức tường vô hình khiến các em khó có thể vô tư tâm sự với cha mẹ?

Khi còn nhiều phụ huynh phó thác trách nhiệm giáo dục cho ông bà, thầy cô

Quả thực vì gánh nặng mưu sinh nên không ít cha mẹ đã và đang phó thác trách nhiệm giáo dục con cái cho ông bà, thầy cô. Nhiều người chỉ quan tâm đến việc lo đủ cơm ăn, áo mặc, tiền học cho các con, còn việc dạy dỗ thì “xin nhờ cả nhà trường”!

Họ cũng không để ý đến những biểu hiện bất thường của các em. Rồi cả khi quan sát thấy con mình có hành động không bình thường thì họ cũng không đủ tinh tế để nhận ra: “Khi con sợ sệt, tính tình thay đổi thì vẫn nghi con sợ vớ sợ vẩn” hay “Tính tình hay cáu bẳn, hay sợ, giật mình, đặc biệt nghe tiếng cửa lạch cạch là cháu co rúm hết người lại. Bảo cháu ra vườn là nhất định không đi tuy nhiên chị không hiểu tại sao con lại như vậy”. Hay khi con xin không đi học tại nhà thầy L. thì nghĩ rằng con gái lười học nên phụ huynh vẫn ép con đến nhà thầy.

Cho rằng con còn nhỏ, không lắng nghe tâm sự của con thì sao cha mẹ có thể giáo dục giới tính cho các con được? Nếu các bậc cha mẹ kia dạy con tuyệt đối không cho ai động vào phần kín của mình và khi bị xâm hại thì phải báo cho cha mẹ, ông bà ngay thì sự tình không đến mức này.

Chính khoảng trống giám sát và khoảng cách gia đình đã khiến các em bị dày vò cả về thể xác lẫn tâm hồn trong một quãng dài của tuổi thơ.

Trẻ em như búp trên cành, như tờ giấy trắng, như “quả trứng” tinh khôi. Cho con đi học những mong người “kỹ sư tâm hồn” sẽ vẽ lên đó những sắc màu rực rỡ của cuộc sống, những tri thức của nhân loại.

Ai ngờ cha mẹ đã giao nhầm “trứng” cho con chim “ác” (con quạ), giao viên ngọc quý cho kẻ biến thái, một con “yêu râu xanh” đội lốt thầy giáo. Hắn không dùng phấn, không dùng bút mà dùng những móng vuốt của mình rạch những vết thương lên cơ thể các em, làm rạn nứt tâm hồn thơ ngây, non nớt của các em.

Năm tháng trôi đi, rồi đây những vết thương trên cơ thể sẽ lành. Nhưng những vết hằn trong tâm trí của các em có thể sẽ không bao giờ phai.

Nó là một khoảng lặng trong bài hát tuổi trẻ đầy sôi nổi của các em. Chúng sẽ ám ảnh các em trong mỗi miếng ăn, giấc ngủ, đeo bám những năm tháng tuổi thơ, thậm chí cả cuộc đời các em.

Rất mong rằng, “sự kiện Hoài Đức” là hồi chuông cảnh báo mạnh mẽ nhất để nhắc nhở các bậc cha mẹ hãy khẩn trương xem lại cách giáo dục con cái mình.

Hãy mau lấp đầy những khoảng trống và gỡ bỏ những khoảng cách để xóa tan đi những khoảng lặng trong tâm hồn các em.

Nguồn Gia Đình Mới: https://www.giadinhmoi.vn/vu-thay-giao-dam-o-nhieu-hoc-sinh-khoang-trong-ve-su-giam-sat-cac-em-hoc-sinh-d6359.html