Vụ thầy giáo bị tố làm nữ sinh lớp 8 mang thai ở Lào Cai: 3 nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đạo đức người thầy xuống cấp

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, nguyên giảng viên Trường đại học sư phạm Hà Nội, sự gia tăng số vụ giáo viên xâm hại, sàm sỡ, gạ tình học sinh gia tăng trong thời gian qua là một thực tế hết sức đáng buồn. Có 3 nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đạo đức của người thầy xuống cấp nghiêm trọng như hiện nay.

Như báo Gia đình và Xã hội đã đưa tin, ngày 22/4, gia đình của học sinh H. (13 tuổi) đã làm đơn tố cáo thầy giáo Nguyễn Việt A. - giáo viên tại trường THCS Thượng Hà (xã Thượng Hà, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nhiều lần dụ dỗ và có hành vi quan hệ tình dục dẫn đến việc em H. mang thai 12 tuần.

Ngay sau khi nhận được đơn tố cáo của gia đình em học sinh H, UBND huyện Bảo Yên đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp và chỉ đạo tạm đình chỉ công tác đối với thầy giáo Nguyễn Việt A.. Hiện cơ quan chuyên môn sẽ giám định ADN thai nhi của em H.. Nếu kết quả giám định ADN trùng khớp với người bị tố cáo, sẽ lập tức khởi tố theo quy định của pháp luật. Thông tin mới nhất cũng cho biết, hiện thầy giáo Nguyễn Việt A. đã thừa nhận hành vi xâm hại tình dục em H..

Theo TS Nguyễn Thị Kim Quý, có 3 nguyên nhân sâu xa dẫn đến tình trạng đạo đức người thấy xuống cấp. Nguyên nhân thứ nhất là do đào tạo tại chức từ xa. Hiện nay đã giảm đào tạo từ xa nhưng những giáo viên được đào tạo từ xa hiện còn rất nhiều. “Mà đào tạo từ xa thì chất lượng có ra gì đâu”, TS Quý nói.

Nguyên nhân thứ hai trong đào tạo đó là chương trình học bị cắt xén đi rất nhiều. Giảng viên đứng lớp không đảm bảo giờ giấc. Ví dụ 1 buổi có 4 tiết thì họ chỉ dạy 3 tiết thôi, đến tiết 4 là sinh viên đã được nghỉ rồi. Thầy dạy sinh viên theo cách như vậy thì sinh viên sẽ có suy nghĩ: “Thầy còn thế nữa là trò”. Thành ra ngành sư phạm đào tạo ra những người không tốt, không nghiêm chỉnh trong học hành.

Nguyên nhân thứ 3 là hiện nay khâu đào tạo giáo viên đang có một lỗ hổng rất lớn, đó là vấn đề bồi dưỡng đạo đức cho người thầy. Vấn đề của đào tạo trong ngành sư phạm đó là dạy chữ và dạy người mà trong đó cái phần dạy người rất quan trọng. Mặc dù vấn đề dạy nhân cách cho người thầy vô cùng quan trọng như vậy nhưng hiện nay lại bị xem nhẹ.

Ngày xưa, các trường sư phạm rất chú trọng đến vấn đề đào tạo nhân cách người thầy. Việc dạy nhân cách người thầy được rèn rất kỹ nên khi một người thầy “ra lò”, họ có sự chuẩn mực trong ứng xử. Thế nhưng vấn đề này hiện nay đang bị xem nhẹ.

Phiếu siêu âm của nữ sinh H. ở Lào Cai

Phiếu siêu âm của nữ sinh H. ở Lào Cai

Thầy giáo Nguyễn Việt A. - giáo viên bị tố quan hệ tình dục với học sinh khiến em này mang thai 12 tuần tuổi

TS Quý lấy ví dụ, ngày xưa sinh viên sư phạm được rèn rất kỹ về nhân cách. Ngay từ năm thứ nhất, sinh viên sư phạm đã phải xuống các trường thực tập. Sinh viên sư phạm phải đi thực tập rất nhiều. Họ đi thực tập suốt trong 4 năm học đại học.

Việc sinh viên sư phạm được xuống trường thực tập nhiều giúp cho họ có vị thế của một người thầy, học cái mô hình của người thầy. Hiện nay sinh viên sư phạm đi thực tập rất ít so với trước đây. Thời gian đi thực tập những năm đầu hầu như không có. Chỉ đến năm thứ 3, thứ 4 họ mới được đi.

Khi việc quản lý đào tạo, rèn dũa đạo đức người thầy trong vấn đề đào tạo không được chú trọng thì điều đó đã tự nói lên rằng chúng ta đào tạo ra những người thầy không chuẩn, khâu đào tạo chưa thực sự làm đúng bổn phận, chức phận của mình. Khi người thầy được đào tạo không chuẩn thì đương nhiên khi ra đời, những người thầy đó chính là những sản phẩm lỗi của ngành giáo dục.

Ngoài vấn đề đào tạo người thầy thì hiện tượng gia tăng số vụ giáo viên xâm hại, dâm ô học sinh còn bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân từ xã hội. Xã hội hiện nay đề cao vấn đề tự do cá nhân, coi chuyện nam nữ là chuyện sinh hoạt chứ không thuộc phạm trù đạo đức nữa.

Trước kia chuyện nam nữ bị quy kết về mặt đạo đức nên người ta phải e dè, khiếp sợ. Nhưng bây giờ cái chuyện ông này cặp cô kia có ai nói gì đâu. Nếu có nói thì người ta xì xèo bàn tán tí rồi thôi chứ không ai xử lý hay giải quyết bởi xã hội xem đấy là chuyện sinh hoạt cá nhân, không quy kết về mặt đạo đức. Chính cái quan niệm ấy nó dẫn đến việc vấn đề đạo đức cứ bị buông lỏng, buông lỏng từng tí một.

Xã hội thì không quy kết về mặt đạo đức, còn nhân cách người thầy lại yếu kém vì không được đào tạo. “Vậy thì từ những chỗ đó mà bản năng con người được thả lỏng mà trỗi dậy thôi. Trước kia vấn đề đạo đức được coi trọng thì người ta cố gắng để phần người chiến thắng phần con. Còn bây giờ, vấn đề đạo đức không được coi trọng thì dẫn đến phần con thắng phần người. Trong khi đó học sinh lại là đối tượng dễ bị lợi dụng vì học sinh luôn tôn trọng thầy cô giáo. Thầy bảo sao thì học sinh nghe vậy chứ mấy học sinh dám chống lại thầy”, TS Quý nói.

Ngân Khánh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giao-duc/vu-thay-giao-bi-to-lam-nu-sinh-lop-8-mang-thai-o-lao-cai-3-nguyen-nhan-sau-xa-dan-den-tinh-trang-dao-duc-nguoi-thay-xuong-cap-20190423181200981.htm