Vụ tàu ngầm Indonesia mất tích: Hé lộ mối nghi ngờ, chưa thể xác nhận tình trạng thủy thủ, Australia hỗ trợ tìm kiếm

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia nghi bị mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali vào sáng 21/4 trước khi bị chìm ở độ sâu 600-700m.

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia nghi bị mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali trước khi bị chìm ở độ sâu 600-700m. (Nguồn: CNA)

Tàu ngầm KRI Nanggala-402 của Hải quân Indonesia nghi bị mất điện toàn bộ khi đang lặn tĩnh tại vùng biển Bali trước khi bị chìm ở độ sâu 600-700m. (Nguồn: CNA)

Kênh truyền hình CNN Indonesia dẫn một tuyên bố của Hải quân Indonesia cho biết: “Có thể trong quá trình lặn tĩnh đã xảy ra sự cố mất điện khiến con tàu mất kiểm soát và không thể thực hiện các quy trình khẩn cấp”.

Theo đó, đáng lẽ phải nhấn nút khẩn cấp để con tàu có thể ngay lập tức nổi lên mặt nước khi xảy ra sự cố mất điện. Tuy nhiên, do không thể tiến hành quy trình này nên tàu KRI Nanggala đã chìm xuống độ sâu 600-700m.

Ngoài ra, Hải quân Indonesia cũng cho biết, đã phát hiện các vệt dầu loang quanh khu vực nghi là vị trí tàu đắm. Do vậy, có thể đã xảy ra hư hỏng đối với thùng nhiên liệu do áp lực của nước biển.

Hiện quân đội Indonesia đã triển khai hai tàu hải quân có khả năng phát hiện tàu ngầm để hỗ trợ công tác tìm kiếm. Ngoài ra, nước này cũng đã đề nghị hai nước láng giềng là Australia và Singapore trợ giúp.

Đáp ứng đề nghị này, ngày 22/4, Ngoại trưởng Australia Marise Payne cho biết, Canberra sẽ cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào có thể, bao gồm việc triển khai tàu ngầm của quân đội Australia, cũng như huy động lực lượng quốc phòng tham gia giúp đỡ quân đội Indonesia tìm kiếm tàu ngầm bị mất tích.

Hiện quá trình tìm kiếm vẫn đang được đẩy nhanh tại khu vực phát hiện các vệt dầu tràn với việc huy động 2 tàu hải quân mang thiết bị Sonar, lực lượng của Quân đội và Cơ quan tìm kiếm cứu nạn Indonesia (Basarnas).

Hai địa điểm tập kết các lực lượng tìm kiếm cứu nạn được thiết lập tại các cảng Ketapang thuộc huyện Banyuwangi, tỉnh Đông Java và cảng Gilimanuk thuộc tỉnh Bali.

Trong khi đó, Tham mưu trưởng quân đội Hadi Tjahjanto và Tham mưu trưởng Hải quân Laksmana Yudo Margono đang có mặt tại hiện trường nhằm giám sát chiến dịch tìm kiếm cứu nạn.

Về tình hình của các thủy thủ trên tàu, theo người phát ngôn Hải quân Indonesia Julius Widjojono, hiện quân đội vẫn chưa thể xác nhận tình trạng của 53 thành viên thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được cho là đang ở độ sâu 600-700m, trong khi theo thiết kế con tàu chỉ có thể lặn tối đa 500m. Theo ông Julius, đây là “mối nguy hiểm thực sự”.

Tuy nhiên, ông Julius cho biết theo tính toán, dự trữ oxy trên tàu ngầm hiện vẫn đủ để đáp ứng cho nhu cầu của thủy thủ đoàn.

Tàu ngầm KRI Nanggala 402 được đóng tại Đức vào năm 1978 và năm 2012 đã hoàn thành việc duy tu, bảo dưỡng trong 2 năm tại Hàn Quốc.

Trước khi mất liên lạc vào 4h30 sáng ngày 21/4, tàu ngầm KRI Nanggala 402 đã tham gia một cuộc tập trận phóng ngư lôi ở vùng biển phía Bắc đảo Bali, song không thông báo lại kết quả cuộc tập trận như kế hoạch.

(theo CNN, THX)

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/vu-tau-ngam-indonesia-mat-tich-he-lo-moi-nghi-ngo-chua-the-xac-nhan-tinh-trang-thuy-thu-australia-ho-tro-tim-kiem-142989.html