Vụ tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai): Làm rõ trách nhiệm những cá nhân liên quan

Còn 5 nạn nhân được chữa trị tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai

(SGGP).- Chiều qua 8-2, trao đổi với PV Báo SGGP, thượng tá Phan Văn Cầm, Chánh Văn phòng Công an tỉnh Đồng Nai, cho biết: Cơ quan Cảnh sát Điều tra công an tỉnh đang khẩn trương điều tra làm rõ trách nhiệm của 7 cá nhân gồm: 4 nhân viên gác chắn, 1 tuần cầu và 2 lái tàu có liên quan trực tiếp trong vụ tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh tối 6-2. Theo đó, cơ quan điều tra đang tiến hành làm rõ việc 2 lái tàu Nguyễn Văn Túy và Nguyễn Xuân Phú cho tàu lưu thông vào lồng cầu khi chưa có đèn hiệu thông tàu và nhân viên gác chắn đầu phía Nam cầu Ghềnh chưa phất cờ hiệu màu vàng (được đi). Đối với các nhân viên gác chắn 2 đầu cầu, theo quy định chỉ được phép cho các loại phương tiện lưu thông một chiều trong lồng cầu, thế nhưng trong trường hợp này không hiểu vì sao lại hướng dẫn cho phương tiện ở hai đầu cùng lúc lưu thông vào lồng cầu. Việc làm trên đã gây nên tắc nghẽn giao thông trong lồng cầu đúng vào thời điểm tàu SE2 di chuyển qua cầu Ghềnh. Cũng theo cơ quan điều tra, 2 tài xế taxi Vinasun 56K-9687 và Mai Linh 60V-7834, đã bị Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an tỉnh Đồng Nai triệu tập và lấy lời khai nhằm làm rõ diễn biến của vụ tai nạn. Theo kết quả phân tích hộp đen của các lực lượng chức năng, lúc xảy ra tai nạn đoàn tàu SE2 đang lưu thông với vận tốc 62 km/giờ. Khi đoàn tàu di chuyển cách đầu cầu phía Nam khoảng 250m thì lái tàu đã nhấn phanh để hãm tàu. Song do khoảng cách quá gần, đoàn tàu vẫn trượt tới với vận tốc lớn nên đã đâm vào 6 ô tô đang lưu thông trên cầu. Theo quy định của Luật An toàn giao thông đường sắt, đối với đường ngang và cầu chung với đường bộ thì phải có người gác. Trong trường hợp khi đèn tín hiệu không hoạt động hoặc báo hiệu sai quy định hay chắn đường bộ bị hỏng thì nhân viên gác đường ngang, nhân viên gác cầu chung phải điều hành giao thông. Ông Lê Đăng Nghĩa, Đội trưởng Đội quản lý đường sắt Biên Hòa, cho biết: Sau khi xảy ra tai nạn, qua kiểm tra mới biết đèn tín hiệu báo khẩn cấp tại đầu cầu cách đó 800m đã bị hỏng. Nhưng theo quy định, nếu phát hiện nguy hiểm trong khi đèn tín hiệu bị hỏng thì nhân viên gác chắn phải có trách nhiệm ra hiệu lệnh để đoàn tàu dừng lại. Theo điều tra ban đầu, nhân viên gác chắn tại cầu Ghềnh đã không thực hiện được hiệu lệnh cho tàu dừng nên đã xảy ra tai nạn đáng tiếc nói trên. Điều rất đáng quan tâm là 2 ngày sau vụ việc xảy ra, các loại xe 2 - 3 bánh tiếp tục đi vào đường lồng cầu chỉ dành cho tàu lửa và xe ô tô. Hiện nay bình quân mỗi ngày có khoảng 40 chuyến tàu lửa và hàng trăm lượt ô tô qua lại cầu Ghềnh mà chỉ có một đường đi chung cho cả đường bộ và đường sắt. Việc giữ an toàn giao thông cho cầu Ghềnh cũng như cầu Rạch Cát bắc cách cầu Ghềnh vài trăm mét trên sông Đồng Nai, đoạn ở ngay nội ô TP Biên Hòa còn nhiều điều bất cập và cần nhanh chóng khắc phục. Bộ GTVT vừa tổ chức cuộc họp khẩn để chỉ đạo giải quyết vụ tai nạn này và bước đầu hỗ trợ mức 5 triệu đồng/người chết và 1 triệu đồng/người bị thương. Hiện nay không chỉ tại khu vực cầu Ghềnh mà ở nhiều nơi trong cả nước, việc tổ chức giao thông chung giữa cầu đường sắt và đường ô tô vẫn còn lộn xộn, gây nguy hiểm. Do vậy, Bộ GTVT sẽ có cuộc họp để đưa ra giải pháp cụ thể nhằm giải quyết tình trạng trên. Theo BS Trương Thiết Dũng, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Đồng Nai, tính đến 16 giờ hôm qua, trong số 11 nạn nhân được chữa trị tại bệnh viện, đã có 6 trường hợp xuất viện. Hiện còn 5 nạn nhân đang dần bình phục sức khỏe và sẽ xuất viện trong 1 - 2 ngày tới. H.Nam >> Vụ tàu lửa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai): Khởi tố vụ án >> Tàu hỏa húc 6 ô tô trên cầu Ghềnh (Đồng Nai), nhiều người chết và bị thương Thêm 2 tai nạn tàu lửa trong 1 ngày, 3 người chết và bị thương Lúc 10 giờ ngày 8-2, tại Km 797+915 (thuộc tổ 11, phường Hòa Phát, quận Thanh Khê, Đà Nẵng), 1 thanh niên (khoảng 35-40 tuổi, chưa xác định danh tính), băng qua đường ray, bị tàu lửa mang số hiệu SH2 005, đang lưu thông hướng Bắc - Nam tông chết tại chỗ. Khoảng 13 giờ 30 cùng ngày, tại đoạn đường sắt đi qua địa phận xóm 12, xã Nghi Long (huyện Nghi Lộc, Nghệ An) anh Nguyễn Vĩnh Tạo (trú xã Mỹ Thành, huyện Yên Thành, Nghệ An) chở vợ và con băng qua đường sắt dân sinh vừa lúc tàu TN 12 chạy hướng Vinh - Hà Nội chạy tới va chạm vào. Anh Tạo chết tại chỗ, đứa con nhỏ 3 tuổi bị cán nát chân, xe máy bị hư hỏng nặng. Ng.Hùng - D.Cường

Nguồn SGGP: http://sggp.org.vn/phapluat/2011/2/250238/