Vụ tàu chìm ở Quảng Bình: 'Chúng tôi phải thả trôi thi thể trên biển'

Cầm cự trên biển nhiều giờ, đói và rét khiến 4 ngư dân rụng rời chân tay. Do không thể giữ được thi thể của nạn nhân, các ngư dân phải buộc vào phao và thả trôi ra biển.

Thợ lặn đã tiếp cận được tàu cá

Ngày 9/9, Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Bình đã phát lệnh cho các tàu thuyền địa phương được ra khơi đánh bắt hải sản, đồng thời phối hợp tìm kiếm 2 ngư dân Nghệ An đang mất tích.

Trong số 7 ngư dân huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An gặp nạn trên biển Quảng Bình, có 5 người đã được cứu sống và đã về đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, còn 2 thuyền viên là Đậu Ngọc Cầm (67 tuổi) và Trần Quang Thiện (53 tuổi) hiện vẫn đang mất tích. Trong đó, thuyền viên Đậu Ngọc Cầm được xác định đã tử vong nhưng chưa tìm thấy thi thể.

BĐBP tỉnh Quảng Bình tìm kiếm tàu gặp nạn cùng ngư dân mất tích.

BĐBP tỉnh Quảng Bình tìm kiếm tàu gặp nạn cùng ngư dân mất tích.

Theo nhận định của một số thuyền viên được cứu sống trở về, có khả năng thuyền viên mất tích Trần Quang Thiện đang ở trong khoang tàu, không kịp thoát ra khi tàu chìm.

Do vậy, ngày 7/9, gia đình 2 thuyền viên mất tích đã ở lại Quảng Bình để phối hợp với cơ quan chức năng huy động, thuê thợ lặn tìm kiếm ngư dân. Trong quá trình lặn, các thợ lặn đã tiếp cận được vị trí chiếc tàu bị sóng đánh chìm, nhưng không tìm thấy thuyền viên ở trong tàu.

Còn các ngư dân khác gồm: Trần Văn Cường (16 tuổi), Ngô Văn Xô (18 tuổi), Lê Văn Chiến (18 tuổi), Phạm Văn Hoàng (25 tuổi) đã được Đại diện Bộ chỉ huy Biên phòng Quảng Trị đưa về tới quê nhà, đồng thời làm lễ bàn giao cho chính quyền xã Sơn Hải và các gia đình.

Các ngư dân được bàn giao cho gia đình.

Thả trôi thi thể ngư dân ở biển

Trong số 5 thuyền viên sống sót sau khi tàu bị sóng đánh chìm, Trần Văn Cường là thành viên nhỏ tuổi nhất, cũng là cháu ruột gọi ông Đậu Ngọc Cầm là cậu. Theo xác nhận của ngư dân này, khi tàu bị sóng đánh chìm, các thuyền viên cố bám vào phao và mảnh xốp trên biển. Nhưng sau đó, thuyền viên Đậu Ngọc Cầm bị đuối sức tử vong.

“Khi tàu chìm, em vùng lên mặt nước bám chặt vào tấm ván. Sau đó cùng mọi người đi tìm cậu Cầm, tuy nhiên khi nhìn thấy thì cậu đã tắt thở. Mọi người tiếp tục tìm chú Thiện nhưng không thấy. Lúc này, mọi người quyết định bơi vào bờ. Em vừa bám vào tấm ván vừa kéo cậu theo sau”, Cường kể.

Trần Văn Cường là ngư dân nhỏ tuổi nhất trong vụ chìm tàu.

Tuy nhiên, do sóng to, gió lớn nên bơi được 4 tiếng trên biển thì ai cũng đuối sức. Trước việc đói và rét, các ngư dân đau đớn biết rằng chính mình cũng không thể cầm cự được bao lâu nữa, nên không thể giữ được thi thể của ông Cầm. Vì vậy, mọi người buộc thi thể vào phao rồi thả trôi ở biển.

“Lúc rơi xuống biển, em cũng như các thuyền viên khác chưa kịp ăn gì nên khi vật lộn với sóng biển nhiều giờ ai nấy đều thấm mệt, đuối sức. Lúc này hai hàm răng đều cứng đơ vì lạnh, đói và khát nữa. Khi thấy bèo tây, mọi người mới vớ lấy ăn để chống đói. Trong đám bèo có một lốc sữa đã hết hạn một năm, nhưng khát quá nên mọi người cũng chia nhau uống”, Cường nhớ lại.

Sau 25 tiếng trên biển, các ngư dân đã được Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị tìm thấy.

Qua một đêm lênh đênh trên biển, đến khoảng 9h ngày 6/9, sau 25 giờ vật lộn giữa sự sống và cái chết, Cường và ba ngư dân phát hiện từ xa có một con tàu đang di chuyển. Mọi người đã đỡ cho Cường đứng lên những khúc gỗ kết lại để cầm áo vẫy gọi và hét to cầu cứu. Khoảng 5 phút sau, tàu cứu hộ CN09 thuộc Đồn biên phòng Cồn Cỏ (Bộ đội biên phòng tỉnh Quảng Trị) đã tới cứu vớt 4 ngư dân lên tàu và đưa về bờ. Vị trí cứu vớt ngư dân cách nơi tàu đắm khoảng 70 km.

Anh Ngọc

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-tau-chim-o-quang-binh-chung-toi-phai-tha-troi-thi-the-tren-bien-a448376.html