Vụ tấn công tàu tại Vịnh Oman là cớ để Mỹ siết chặt trừng phạt Iran?

Nhiều ý kiến cho rằng vụ tấn công 2 tàu chở dầu tại Vịnh Oman là nhằm tạo cớ chống Iran, trong bối cảnh quan hệ Mỹ - Iran đang leo thang.

Dư luận Trung Đông về vụ việc

Khu vực Trung Đông đang rất nóng khi Mỹ và Iran đang leo thang căng thẳng. Những vụ tấn công tàu chở dầu liên tiếp trong vòng 1 tháng qua ở vịnh Ôman hay eo biển Hormuz khiến dư luận khu vực và quốc tế hết sức lo ngại. Trong bối cảnh hiện nay, mỗi khi xảy ra các vụ tấn công tàu ở eo biển Hormuz thì mọi con mắt sẽ đổ dồn về phía Iran. Bởi Iran đang bị Mỹ áp đặt trừng phạt kinh tế và Iran cũng đã từng tuyên bố sẽ đóng cửa eo biển chiến lược dầu Hormuz.

Tàu dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13-6 thổi bùng căng thẳng - Ảnh: Reuters.

Tàu dầu bốc cháy trên Vịnh Oman ngày 13-6 thổi bùng căng thẳng - Ảnh: Reuters.

Ngay sau các vụ tàu chở dầu bị tấn công, Mỹ và một số đồng minh Arab ngay lập tức cáo buộc Iran đứng đằng sau hoặc đã phát động các vụ tấn công này, thậm chí Mỹ còn đưa ra một đoạn video bằng chứng lực lượng Vệ binh Cách mạng Iran đã thực hiện vụ tấn công tàu chở dầu của Nhật Bản hôm 13/6 vừa qua. Iran cũng ngay lập tức bác bỏ cáo buộc của Mỹ và cho biết băng video đã chứng minh không có gì.

Bộ trưởng Ngoại giao Iran Mohammad Javad Zarif sau đó nói rằng các cuộc tấn công liên tiếp nhắm vào hai tàu chở dầu của Nhật Bản đúng thời điểm Thủ tướng nước này Shinzo Abe đang ở thăm tới Tehran là "đáng ngờ".

Đến thời điểm này, ai hay quốc gia nào đã thực hiện hoặc đứng đằng sau các vụ tấn công tàu chở dầu vẫn là câu hỏi chưa có câu trả lời rõ ràng. Tất cả vẫn chỉ là sự cáo buộc lẫn nhau và khiến cho tình hình khu vực thêm bất ổn, cũng như là một hành động khiêu khích gây chiến tranh ở khu vực.

Các chuyên gia khu vực cũng đưa gia các giải thuyết và cách tiếp cận khác đối với các vụ tấn công này. Thứ nhất, Iran đang bị gây sức ép mạnh mẽ từ Mỹ, kinh tế cũng đang lạm phát. Do đó nước này không dại gì khiêu khích Mỹ và các nước trong khu vực để bùng phát chiến tranh. Vì vậy, giải thuyết được đưa ra là đây là hành động “ném đá giấu tay” của một lực lượng đối lập ở trong hoặc ngoài Iran muốn Mỹ cùng đồng minh lấy cớ này để phát động cuộc chiến chống Iran. Thứ hai, các vụ tấn công thực tế chỉ dừng ở mức gây hư hại cho các con tàu chở dầu chứ không mang tính hủy diệt. Hành động này khiến giá dầu thô Brent tăng 2 USD. Do đó, vụ việc đặt ra câu hỏi về ai là người hưởng lợi sau vụ tấn công này.

Tổng thư ký Liên Hợp Quốc, ông Antonio Guterres, nói rằng sự thật phải được làm rõ và kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về vụ việc. Nga đã cảnh báo chống lại những đánh giá và kết luận vội vàng.

Mỹ và các đồng minh sẽ siết chặt bao vây Iran?

Thực tế thì đây cũng là mối lo ngại của cộng đồng quốc tế nếu các bên liên quan không kiềm chế hoặc bị các hành động khiêu khích này mà vượt quá tầm kiểm soát thì rất có thể sẽ dẫn tới một cuộc tấn công quân sự từ Mỹ và đồng minh khu vực vào Iran. Trên bình diện quốc tế thì nhiều nước muốn Mỹ tấn công Iran để qua đó giảm uy tín, sức mạnh của cả Mỹ và Iran, cũng như thiệt hại cho cả hai bên. Tuy nhiên tôi cho rằng, thời điểm này, cả Mỹ và Iran đều không mong muốn một cuộc chiến xảy ra mặc dù cả hai đều đang đối đầu căng thẳng và Mỹ tìm mọi cách để gây sức ép buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán về chương trình hạth nhân, cũng như hạn chế ảnh hưởng của Iran đối với các lợi ích của Mỹ ở khu vực Trung Đông.

Các nhà phân tích cho rằng, mặc dù Mỹ thực hiện chiến lược áp lực tối đa đối với Tehran đã khiến cuộc sống phần lớn người dân Iran khó khăn hơn, kinh tế Iran khủng hoảng. Tuy nhiên, Iran đang thực hiện sự kiên nhẫn chiến lược. Các nhà lãnh đạo Iran nhiều lần tuyên bố rằng đất nước của họ không tìm cách bước vào chiến tranh.

Các chuyên gia khu vực cũng loại trừ cuộc đối đầu quân sự giữa Iran và Mỹ. Bởi Iran có tiềm lực quân sự mạnh mẽ, đó là chưa kể tới các lực lượng ủy nhiệm ở khu vực. Do đó, Mỹ không thể phát động tấn công Iran như đã làm ở Iraq hay Libya, cũng như không thể tấn công hạn chế như ở Syria năm 2018 vừa qua. Bất kỳ cuộc chiến nào xảy ra giữa Mỹ và Iran hậu quả sẽ là khôn lường. Một cuộc chiến chống lại Iran sẽ có tổn thất và sẽ không thể xảy ra nếu không có quân đội mặt đất. Nếu quân đội Mỹ bị thiệt mạng, điều này sẽ làm mất cơ hội tái đắc cử của ông Donald Trump vào cuối năm 2020. Đó là lý do vì sao mặc dù căng thẳng nhưng Mỹ vẫn chưa phát động tấn công Iran.

Các chuyên gia cũng cho rằng một cuộc chiến ở vùng Vịnh có thể sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng đối với nhiều quốc gia trong khu vực, đặc biệt là những nước có lực lượng dân quân do Iran như Yemen, Syria, Iraq và Lebanon. Israel, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất cũng có khả năng bị ảnh hưởng nếu cuộc chiến xảy ra. Một cuộc chiến như vậy sẽ chỉ có kẻ thua cuộc. Tuy nhiên, bất cứ điều gì có thể xảy ra bất ngờ ở Vịnh Oman, hay eo biển Hormuz./.

Ngọc Thạch/VOV-Cairo

Nguồn VOV: https://vov.vn/the-gioi/vu-tan-cong-tau-tai-vinh-oman-la-co-de-my-siet-chat-trung-phat-iran-921860.vov