Vụ tấn công đẫm máu báo Capital Gazette: Nghi phạm 'có thâm thù' với phóng viên và tòa soạn

Nghi phạm trong vụ nã súng giết 5 người của tòa soạn báo Capital Gazette đã từng kiện tờ báo về tội phỉ báng nhưng sau đó thua cuộc. 'Chắc chắn rằng cá nhân này đã hoạch định vụ trả thù đẫm máu với báo Capital Gazette', Phó cảnh sát trưởng hạt Anne Arundel nhận định.

Jarrod Ramos có mối thâm thù với báo Capital Gazette từ năm 2011 (Đồ họa: Daily Beast)

Thống đốc bang Maryland Larry Hogan (giữa) trả lời báo chí về vụ nã súng tòa soạn Capital Gazette chiều 28/6. (Ảnh: AFP)

Jarrod Ramos, 38 tuổi, đã nã súng xuyên qua cửa kính tòa soạn Capital Gazette ở thủ phủ Annapolis, bang Maryland chiều qua, tức lúc 1h30 sáng nay 29/6 theo giờ Hà Nội. Bốn nhà báo và một nhân viên kinh doanh của Capital Gazette đã thiệt mạng trong vụ tấn công này.

Cảnh sát đã đến hiện trường chỉ 60 giây sau khi nhận tin báo, thu được thiết bị nổ và một thiết bị khác tại tòa soạn và sơ tán 170 người khỏi tòa nhà.

Nghi phạm đã từ chối hợp tác với cảnh sát và dường như đã cố tình hủy dấu vân tay của chính mình để tránh bị nhận diện. Theo CNN, cảnh sát đã dùng phần mềm kiểm tra gương mặt để nhận diện: Jarrod Ramos, 38 tuổi, đang ở vùng Laurel, bang Maryland.

Ramos làm việc cho Văn phòng Thống kê Lao động Liên bang Hoa Kỳ, nhưng hiện cảnh sát vẫn chưa xác định anh ta có còn làm cho văn phòng này hay không.

Ramos sống ở một căn hộ gần đường Route 1, trong một khối nhà gồm các tòa nhà bằng gạch cao ba tầng, cách tòa soạn báo Capital Gazette khoảng 35 phút.

Quang cảnh hỗn loạn khi cảnh sát tiến vào giải cứu các nạn nhân còn sống sót (Ảnh: AFP)

Khu vực xung quanh tòa nhà báo Capital Gazette đặt trụ sở bị phong tỏa trong ngày 28/6 (Ảnh: AFP)

Cảnh sát trao đổi với các nhân chứng để truy tìm chứng cứ (Ảnh: AFP)

Nuôi dưỡng mối thâm thù

Ramos dường như mang mối thâm thù với tòa báo sau khi bị đăng báo rằng đã quấy rầy trên mạng nữ bạn học cùng lớp ở trường trung học Arundel, ban đầu qua Facebook và sau đó là bằng email.

Ramos đã ra tòa và nhận tội vào tháng 7/2011.

Trong bài báo xuất bản sau khi Ramos hầu tòa vài ngày, nhà báo Eric Hartley của Capital Gazette đã miêu tả cách Ramos bám đuổi cô bạn và có lẽ đã làm cô này mất việc. Sau đó, Ramos còn lập hẳn trang mạng để phàn nàn về Hartley và báo Capital Gazette, và nhấn mạnh rằng án tù của anh ta đã được giảm thành bảo lãnh tại ngoại bốn tháng sau đó.

“Tôi chắc chắn đã làm một việc tồi tệ, nhưng đừng xa lánh tôi vì cách tờ báo này đã mô tả tôi”, trang mạng của Ramos viết.

Theo Washington Post, Ramos khởi kiện nhà báo Hartley, biên tập viên và tòa soạn năm 2012 về tội phỉ báng ở tòa án quận Prince George. Ramos cũng kháng cáo án của tòa đưa ra vào tháng 7/2011. Tòa kháng án đặc biệt Maryland bác đơn vào năm 2013 và sau đó tòa thượng thẩm cũng ủng hộ quyết định này vào năm 2015. Một phán quyết của tòa địa phương vào năm 2014 cũng buộc Ramos không được liên lạc hay tiếp xúc với nạn nhân

Oán hận với cả chánh án

“Anh ta buồn rầu bởi bài báo tạo sự thương cảm với nạn nhân bị quấy rối và không công bằng đối với anh ta – kẻ quấy rấy”, Chánh án Charles Moylan Jr viết.

“Người kháng cáo muốn có bài báo công bằng, nhìn từ góc độ của mình. Anh ta muốn có cơ hội để đưa (xấu xa) của nạn nhân ra trước ánh sáng để giải thích và biện hộ tại sao anh ta đã hành động như vậy. Thế nhưng, điều đó không liên quan đến luật phỉ báng”, Chánh án Moylan nói.

Một ngày sau khi kháng cáo bị bác, Ramos đã chửi thề và viết trên Twitter rằng “hãy để tôi yên” với đường dẫn đến ý kiến của Chánh án Moylan.

Chỉ vài phút trước khi nổ súng vào tòa soạn báo Capital Gazette, một lần nữa Ramos lại chửi thề và lập lại câu “hãy để tôi yên” cùng với đường dẫn đến một tài khoản Twitter khác phê phán vị chánh án Moylan.

Ramos đã sử dụng hình của nhà báo Hartley trên tài khoản Twitter của mình và nhà báo này đã không trả lời phỏng vấn của Washington Post. Ngoài dòng trạng thái trong ngày nã súng, Ramos đã không đăng gì trên Twitter kể từ tháng 1/2016.

Washington Post cũng không thể tiếp cận luật sư Christopher Drewniak, người bảo vệ cho Ramos trong vụ kiện phỉ báng năm 2011.

Các lực lượng đặc nhiệm vẫn canh gác quanh tòa nhà của báo Capital Gazette trong ngày 29/6 (Ảnh: Reuters)

Sau vụ tấn công đẫm máu vào báo Capital Gazette, các tòa soạn ở Hoa Kỳ ban hành các quy định an ninh mới. Trong ảnh là tòa soạn New York Times ở trung tâm New York ngày 29/6. (Ảnh: Reuters)

Vụ tấn công báo chí kinh hoàng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ

Phó cảnh sát trưởng hạt Anne Arundel William Krampf nói tòa soạn Capital Gazette đã biết về các đe dọa trên mạng xã hội, thế nhưng cảnh sát không biết được các đe dọa này cho đến khi vụ án xảy ra. Ông Krampf cũng từ chối xác nhận nội dung đó là của Ramos hay không.

Đây cũng là vụ tấn công báo chí đẫm máu nhất trong lịch sử Hoa Kỳ. Hình ảnh Ramos bước vào tòa báo Capital Gazette với súng và lựu đạn khói trên tay được chính các phóng viên của tờ báo tường thuật trực tiếp trên mạng xã hội.

Anthony Messenger, một phóng viên tập sự trong hè này, đã đăng địa chỉ tòa nhà trên Twitter với dòng trạng thái “Hãy giúp đỡ chúng tôi”.

Phil Davis, một phóng viên chuyên về tội phạm và tòa án của Capital Gazette, đã đăng trên Twitter nhiều người đã bị bắn. “Không gì khủng khiếp hơn khi nghe nhiều người bị bắn khi bạn đang trốn dưới bàn làm việc và rồi nghe tiếng lên đạn của sát thủ”, David viết.

Sau đó khi trả lời tờ Baltimore Sun – chủ sở hữu tờ Capital Gazette, Davis nói rằng ông và nhiều người trốn sau bàn làm việc sống sót vì hung thủ hết đạn. Davis cũng kể lại rằng Ramos đã không bắn trả khi cảnh sát tiến vào và khống chế hắn. Những người còn sống đưa tay lên đầu và hét to với cảnh sát “chúng tôi không phải là hắn”!

Ricky Hồ

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vu-tan-cong-dam-mau-bao-capital-gazette-nghi-pham-co-tham-thu-voi-phong-vien-va-toa-soan-d68305.html