Vụ tài xế ôtô không bằng lái tông chết 2 cha con: Chủ xe có liên quan?

CSGT và luật sư cho rằng người giao ôtô có thể bị xử lý hình sự vì cho tài xế chưa có bằng lái mượn xe rồi gây tai nạn chết người.

Liên quan vụ tai nạn giao thông khiến cha con ông L.V.P. (41 tuổi, quê Bắc Kạn) tử vong khi đi xe máy trên quốc lộ 3C, ngày 1/12, Công an huyện Định Hóa (Thái Nguyên) khởi tố tài xế ôtô là Bùi Văn Nam về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ.

Cơ quan chức năng cũng xác định Nam chưa có giấy phép lái xe. Phương tiện liên quan được tài xế mượn của người khác.

Vậy với hậu quả làm 2 người chết, tài xế ôtô sẽ bị xử lý ra sao? Và chủ phương tiện cho Nam mượn xe có trách nhiệm gì?

Hình ảnh ghi lại vụ tai nạn. Ảnh: Cắt từ clip.

Theo đại diện Phòng hướng dẫn tuyên truyền, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông của Cục CSGT (Bộ Công an), cơ quan chức năng trước hết cần làm rõ nguyên nhân va chạm, lỗi thuộc về bên nào để đưa ra biện pháp giải quyết.

Căn cứ thông tin ban đầu mà cơ quan chức năng sở tại cung cấp, vị này nhận định người giao ôtô cho tài xế Bùi Văn Nam có thể phải chịu trách nhiệm về hành vi Giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 264 Bộ luật hình sự.

"Nếu bị xử lý, người giao ôtô có thể bị phạt tiền tối đa 200 triệu đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm", cán bộ Cục CSGT cho biết.

Nếu cơ quan điều tra xác định người cầm lái ôtô vi phạm luật giao thông đường bộ gây tai nạn làm chết 2 người thì tài xế có thể bị truy cứu về tội Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ, theo Điều 260 Bộ luật hình sự, với khung hình phạt 3-10 năm tù.

Ôtô do Nam cầm lái lao vào nhà dân sau khi tông 2 nạn nhân đi xe máy. Ảnh: M.S.

Cùng quan điểm, luật sư Giang Hồng Thanh, Văn phòng luật sư Giang Thanh, cho rằng người giao ôtô cho tài xế Nam có thể bị truy cứu theo Điều 264 Bộ luật hình sự trong trường hợp người giao xe biết rõ Bùi Văn Nam chưa có giấy phép lái ôtô.

"Biết rõ ở đây được hiểu là người giao ôtô có căn cứ biết rằng người lái xe chưa có giấy phép lái xe. Ví dụ người giao đã hỏi tài xế trước khi giao ôtô thì người lái xe nói chưa có bằng lái", luật sư lý giải.

Về trách nhiệm dân sự, luật sư Thanh trích dẫn Nghị quyết số 03/2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao. Theo đó, trong trường hợp chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ (ôtô) giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ không theo quy định của pháp luật mà gây thiệt hại, thì chủ sỡ hữu phải bồi thường thiệt hại.

Đối chiếu với quy định trên, ông Thanh cho rằng căn cứ kết quả điều tra, chủ ôtô liên quan vụ tai nạn ở huyện Định Hóa có thể phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đã xảy ra.

Các khoản bồi thường gồm chi phí cứu chữa cháu bé trước khi nạn nhân tử vong; chi phí hợp lý cho việc mai táng 2 người chết, tiền cấp dưỡng cho những người mà người bố có nghĩa vụ cấp dưỡng, chi phí bù đắp tổn thất về tinh thần cho gia đình bị hại.

Về thẩm quyền giải quyết tai nạn giao thông, một cán bộ Phòng CSGT Công an Hà Nội cho biết đối với những vụ tai nạn mà thiệt hại tài sản dưới 100 triệu đồng và không có người tử vong, lực lượng CSGT sẽ khám nghiệm, giải quyết vụ việc.

Còn trường hợp tai nạn có người chết hoặc hậu quả thiệt hại tài sản trên 100 triệu đồng, cơ quan điều tra cấp huyện trở lên sẽ thụ lý. Khi đó, cơ quan điều tra và đại diện VKSND cùng cấp sẽ tham gia tố tụng ngay từ lúc khám nghiệm hiện trường.

Chiều 29/11, Bùi Văn Nam (30 tuổi, người địa phương) điều khiển ôtô con đi trên quốc lộ 3C. Đến đoạn gần thị trấn Chợ Chu thuộc huyện Định Hóa, ôtô đâm va xe máy di chuyển hướng ngược lại do ông P. cầm lái.

Cú tông mạnh khiến ông P. tử vong tại chỗ. Người ngồi sau là nạn nhân U. bị văng lên mái nhà ven đường rồi tử vong sau đó.

Ôtô lạng lách trước khi tông chết 2 cha con Ôtô con lấn làn, tông ông P. chết tại chỗ. Còn con nạn nhân bị hất văng lên mái nhà, tử vong khi đi cấp cứu.

Hoàng Lam

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vu-tai-xe-oto-khong-bang-lai-tong-chet-2-cha-con-chu-xe-co-lien-quan-post1158533.html