Vụ tai biến chạy thận: Làm rõ hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước

Tại phiên xét xử chiều 17.1, HĐXX tiến hành làm rõ nội dung Hợp đồng (HĐ) 315 cung cấp vật tư sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 giữa Công ty Thiên Sơn và BVĐK tỉnh Hòa Bình.

Phiên xét xử các bị cáo trong vụ chạy thận gây chết người - Ảnh: TAND TP.Hòa Bình

Với tư cách là luật sư đại diện của Công ty Thiên Sơn, theo luật sư Nguyễn Thị Đinh Hương, trong HĐ 315 có 3 phần việc: Cung cấp vật tư; cung cấp dịch vụ; và thu chi hộ.

Theo cáo buộc, sau khi ký HĐ 315 với bệnh viện, Công ty Thiên Sơn lại ký hợp đồng số 05 với Bùi Mạnh Quốc về việc sửa chữa này. Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, sửa chữa. Tuấn cũng không nhắc Quốc về đảm bảo nguồn nước để sau sửa chữa, máy đều đưa vào sử dụng mà chưa có kết quả xét nghiệm nước và bàn giao nghiệm thu.

Từ hành vi thiếu trách nhiệm của ông Tuấn, Quốc tự ý dùng những hóa chất chưa được Bộ Y tế cấp phép để khử khuẩn thiết bị dẫn đến hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.

Bị cáo Đỗ Anh Tuấn (Giám đốc Công ty Thiên Sơn) cùng luật sư đến tòa - Ảnh: T.Anh

Tuy nhiên, xét về quyền và nghĩa vụ của hai bên trong HĐ, theo luật sư, “Bên B” (Công ty Thiên Sơn) sẽ cử kỹ sư huấn luyện, vận hành và sửa máy căn bản cho kỹ sư của “Bên A” (bệnh viện). Nghĩa là trong thời gian máy chạy thận vẫn thuộc sở hữu của Công ty Thiên Sơn thì bất cứ một hỏng hóc gì và có sự cố gì của máy thì BVĐK tỉnh Hòa Bình phải gọi Công ty Thiên Sơn lên, và công ty phải cử kỹ sư lên sửa chữa. Không có điều khoản nào bắt buộc phải có kỹ sư, kỹ thuật viên của Công ty Thiên Sơn phải trực ở bệnh viện. Mọi chi phí phát sinh về vấn đề sửa máy do Công ty Thiên Sơn chịu.

Đại diện Thiên Sơn cũng cho biết hai bản HĐ 315 và 05 giống nhau về nội dung sửa chữa và chỉ khác nhau về mức giá. Khi HĐXX viện dẫn hành vi cấm bán thầu theo điều 89 Luật đấu thầu, luật sư Hương không đồng ý và cho biết Thiên Sơn không bán thầu mà chỉ ký hợp đồng với Công ty Trâm Anh để đảm bảo các điều kiện để thực hiện HĐ 315.

Không có nghĩa vụ nhắc nhở đối tác

Ngày 28.5.2017, Bùi Mạnh Quốc lên BVĐK tỉnh Hòa Bình để thực hiện việc sửa chữa hệ thống RO số 2 là để thực hiện HĐ số 05 ký giữa Công ty Thiên Sơn và Công ty Trâm Anh về việc sửa chữa hệ thống RO số 2.

Trình bày rõ về nội dung HĐ số 05, luật sư cho biết từ khi thành lập Công ty Trâm Anh, Bùi Mạnh Quốc có nhiều hợp đồng với Công ty Thiên Sơn, chính vì vậy việc báo giá bắt đầu từ việc Quốc lên BVĐK tỉnh Hòa Bình để khảo sát cùng với Trần Văn Sơn.

Trước khi sự cố xảy ra, khi bị cáo Quốc lên sửa chữa hệ thống RO ngày 28.5.2017, luật sư nhận định Công ty Trâm Anh có đầy đủ năng lực và Quốc là người có kinh nghiệm để thực hiện việc này, nên Công ty Thiên Sơn không có nghĩa vụ phải nhắc nhở đối tác của mình phải làm việc. Ngoài ra, Công ty Thiên Sơn không yêu cầu Quốc sử dụng cái gì để sục rửa mà chỉ nghiệm thu bằng kết quả công việc của HĐ.

Theo luật sư Hương, công ty Thiên Sơn kiểm tra Quốc bằng kết quả công việc. Từ thời điểm Quốc đến bệnh viện làm việc cho đến khi Công ty Thiên Sơn nhận thông tin xảy ra sự cố, Quốc chưa có bất kỳ thông báo gì về việc đã thực hiện công việc, và Công ty Thiên Sơn tin là Quốc chưa thực hiện xong công việc.

Nhã Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://motthegioi.vn/phap-luat-c-70/vu-tai-bien-chay-than-lam-ro-hop-dong-sua-chua-he-thong-loc-nuoc-105550.html