'Vụ sửa điểm ở Hà Giang nhất định có đồng phạm, người tiếp tay'

Luật sư cho rằng một cá nhân không thể thực hiện được việc sửa điểm trong khoảng thời gian 2 giờ cho 114 thí sinh. Vụ việc nhất định có đồng phạm, phải có người tiếp tay.

A83 Bộ Công an nói về việc hơn 300 bài thi ở Hà Giang bị sửa điểm Ông Nguyễn Cao Khương - Phó phòng 4 A83 Bộ Công an - cho biết đang tiếp tục điều tra xem việc sửa điểm hàng trăm bài thi này có liên quan đến những người khác hay không.

Liên quan vụ ông Vũ Trọng Lương, Phó phòng Khảo thí và Kiểm định Chất lượng, Sở GD&ĐT Hà Giang sửa kết quả thi THPT Quốc gia của 114 thí sinh trong khoảng 2 giờ, đại diện A83 (Bộ Công an) cho rằng cán bộ này đã tải toàn bộ dữ liệu về máy, mất 6 giây để can thiệp điểm cho một thí sinh.

Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp (Trưởng Văn phòng luật sư Toàn Cầu, Đoàn luật sư Hà Nội) gửi đến Zing.vn bài phân tích, đánh giá liên quan sự việc trên.

Thực nghiệm sửa điểm cho 114 thí sinh

Với khoảng thời gian 2 giờ để quét từng bài thi vào máy tính rồi chỉnh sửa điểm cho hơn 114 thí sinh theo thông tin được cung cấp trước, không phải sắp xếp theo vần thứ tự, thì việc đó không có khả năng thực hiện.

Phó chủ tịch Hà Giang, Trần Đức Quý nói kỳ thi có rất nhiều đối tượng dự thi, trong đó có cả con lãnh đạo. Tuy nhiên, không có lãnh đạo nào nói phải làm việc để đưa con họ vào trường nào cả. Vì vậy, sai ở đâu, sai ở điểm nào, ai sai cơ quan điều tra đang làm việc.

Bên cạnh đó, với 120 phút mà để định danh cá biệt cho từng thí sinh thì chắc chắn vụ việc phải có đồng phạm. Thực tế, một cá nhân không thể sửa số lượng điểm thi lớn như vậy dưới sự quản lý của Ban giám sát làm việc 24/24.

Đặc biệt, vụ việc có thể có liên quan đến những người có chức vụ, quyền hạn ở tỉnh Hà Giang nên mới để xảy ra sự cố nâng điểm hi hữu này.

Đến nay, cơ quan chức năng xác định ông Vũ Trọng Lương đã tải toàn bộ dữ liệu về máy, có nhiều số điện thoại liên lạc để gửi về và cán bộ này nhập điểm theo số điện thoại đó.

 Số bài thi được nâng điểm ở Hà Giang. Minh họa: Châu Châu.

Số bài thi được nâng điểm ở Hà Giang. Minh họa: Châu Châu.

Do đó, cơ quan chức năng có thể dễ dàng truy tìm người đã liên lạc với ông Lương. Về nguyên tắc, nếu đã xác định vụ việc có dấu hiệu hình sự, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án do tính chất đặc biệt nghiêm trọng.

Việc sớm xác định người trực tiếp sửa điểm là ông Vũ Trọng Lương sẽ nhanh chóng tìm ra những ai liên quan, xem xét xử lý trách nhiệm của họ. Đồng thời, khởi tố càng sớm, càng tránh được việc làm sai lệch dấu vết hiện trường và các tiêu cực khác.

Số điểm được nâng cao nhất ở một số môn thi tại Hà Giang. Minh họa: Châu Châu.

Cơ quan điều tra cần cho thực nghiệm lại quá trình can thiệp, sửa điểm cho 114 thí sinh trong vòng 2 giờ. Nghĩa là, thực nghiệm việc mất 6 giây để can thiệp điểm cho một thí sinh trong số 114 thí sinh, 330 bài thi, 114 số báo danh, họ tên thí sinh khác nhau và số điện thoại nhờ sửa điểm cũng khác nhau.

Cán bộ giám sát cũng phải chịu trách nhiệm

Trong vụ việc này, có thể có sự bao che, tiếp tay của một số người khác để ông Vũ Trọng Lương trực tiếp thực hiện việc sửa, nâng điểm cho thí sinh. Thậm chí, có cả sự tham gia của bộ phận giám sát.

Đề thi tốt nghiệp THPT Quốc gia đã có sẵn đáp án của Bộ GD&ĐT. Vì vậy, rất khó có thể làm sai lệch đến 9-10 điểm như vụ việc xảy ra tại Hà Giang.

Danh sách điểm thi trước và sau khi chấm thẩm định của 10 thí sinh có điểm tổ hợp xét tuyển A1 cao bất thường.

Có những thí sinh bị điểm liệt nhưng cũng được nâng tổng điểm các môn lên đến 20-30 điểm, mà cụ thể ở đây có hơn 100 người được nâng điểm. Đó là một điều không hợp thực tế.

Do đó, rõ ràng một cá nhân không thể thực hiện được việc sửa điểm trong khoảng thời gian đó. Vụ việc nhất định phải có đồng phạm, phải có người tiếp tay.

Ngoài ra, theo quy chế, trong các quá trình còn có sự thanh tra, giám sát của Ban giám sát. Họ là những người có chuyên môn, nghiệp vụ cao để theo dõi toàn bộ kỳ thi. Vì vậy, các thành viên Ban này cũng phải chịu trách nhiệm và phải bị xử lý nghiêm khắc.

Nếu cơ quan điều tra xác định việc sửa điểm để tư lợi, nhận tiền hoặc lợi ích vật chất thì có dấu hiệu tội Đưa hối lộ và Nhận hối lộ.

Trường hợp với ông Vũ Trọng Lương, là người có chức vụ và quyền hạn, đã trực tiếp sửa nâng điểm cho thí sinh, thì có dấu hiệu tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Cụ thể, người nào vì động cơ vụ lợi, không cần thiết đã nhận tiền hay chưa, thì vẫn có thể khởi tố tội danh này.

Trong vụ việc này, cơ quan điều tra khó khăn để xác định có việc trao nhận tiền để sửa điểm hay không. Bởi lẽ hành vi trao nhận tiền đó cần phải bắt quả tang.

Tiến sĩ, luật sư Lê Văn Thiệp

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-sua-diem-o-ha-giang-nhat-dinh-co-dong-pham-nguoi-tiep-tay-post861409.html