Vụ sát hại nhóm nhà báo điều tra gây chấn động Ecuador

7h10 sáng 26/3/2018, Javier Ortega cùng đội của mình rời nhà nghỉ Hostería El Pedregal, không để lại gì ngoài một dòng thông tin ngắn ngủi điền trong bản đăng ký lưu trú: 'Nghề nghiêp: Nhà báo'.

Đích đến của họ là Mataje, ngôi làng vô luật pháp nằm ở khu vực biên giới tây bắc Ecuador, giáp Colombia. Nhiệm vụ của họ: Điều tra làn sóng bạo lực bắt nguồn từ nạn buôn bán cocaine tại Mataje.

Nhưng Ortega và hai người đồng hành, nhiếp ảnh gia Pául Rivas và tài xế Efráin Segarra từ báo El Comercio của Ecuador, đã không bao giờ trở về, theo Guardian.

Từ trái qua Javier Ortega, Pául Rivas và Efráin Segarra. Ảnh: AFP

Ba tháng sau ngày tới Mataje, thi thể với hàng loạt lỗ đạn của họ được tìm thấy ở bên kia biên giới, trong hai ngôi mộ vô danh, bao quanh bởi những bãi mìn. Theo báo cáo sơ bộ về cái chết của ba người, đặc nhiệm Colombia phải mất 8 tiếng mới phong tỏa được hiện trường.

“Tại nhà xác, tôi đã hỏi người ở đó rằng… tôi muốn thấy thi thể cha mình. Ông ấy nói với tôi chuyện tương đối phức tạp và rằng gương mặt cha tôi không còn nguyên vẹn nữa”, Cristian Segarra, con trai tài xế Efráin, nhớ lại. “Khi họ đồng ý để tôi vào, bàn tay cha tôi đã bị phân hủy đến mức tôi gần như không thể nhận ra”.

Vụ giết hại nhà báo Ortega cùng hai người đồng hành đã gây chấn động Ecuador, đồng thời làm bật lên những khó khăn, hiểm nguy mà các nhà báo phải đương đầu khi tác nghiệp tại phần góc bị cô lập và đầy biến động này của châu Mỹ Latin, nơi giờ đây nổi danh là khu vực chết chóc nhất đối với nhà báo.

Các nhà hoạt động cho hay ít nhất 10 nhà báo đã bị sát hại ở Mexico trong năm nay. Hiểm họa đối với tính mạng những nhà báo ở Colombia cũng không ngừng gia tăng. Tuy nhiên, trước đây, chưa bao giờ có nhà báo nào bị bắt cóc và giết hại ở Ecuador. 7 tháng trôi qua, câu hỏi điều gì đã xảy ra với Ortega và đội của ông vẫn là điều bí ẩn.

Khu vực biên giới mà họ từng tìm cách đưa tin lâu nay vẫn được xem là trung tâm sản xuất, buôn lậu cocain, nơi các lực lượng du kích và quân đội chính phủ thường xuyên xảy ra giao tranh nhằm chiếm quyền kiểm soát.

Cocain được sản xuất ở Colombia sẽ đi qua phía tây bắc Ecuador trước khi tới lên tới vùng bờ biển Thái Bình Dương rồi chuyển qua Trung Mỹ và thâm nhập vào nước Mỹ.

Hiệp ước hòa bình lịch sử ký hồi năm 2016 giữa chính phủ Colombia và Lực lượng Vũ trang Cách mạng Colombia (Farc), nhóm nổi dậy lớn nhất nước này, dường như chỉ làm trầm trọng thêm tình hình khi mà hàng chục nhóm du kích, một số có móc ngoặc với các băng đảng ma túy Mexico, liên tục mọc lên và hoạt động ngày càng tích cực.

Những nỗ lực gần đây của chính phủ Ecuador và Colombia nhằm tiêu diệt các nhóm kể trên đã tạo nên một làn sóng bạo lực trả đũa tại tỉnh Esmeraldas, phía tây bắc Ecuador, theo công tố viên địa phương Christian Rivadeneira.

Thế nhưng, những người chỉ trích cho rằng chính phủ Ecuador đang tìm mọi cách để che giấu tình trạng bạo lực. “Vì sao đây lại là chủ đề cấm kỵ ở Ecuador? Vì sao chính quyền không muốn mọi người nhắc tới nó”, tướng Mario Pazminõ, cựu giám đốc cơ quan tình báo quân đội Ecuador đặt câu hỏi.

“Bởi nó cho thấy rằng chính phủ không thể kiểm soát vấn đề biên giới và rằng đây là nơi bị phó mặc cho số phận. Với điều kiện như vậy, làm sao họ lại không móc nối với những kẻ buôn lậu ma túy chứ?”, ông nhấn mạnh.

Sự thật khó chấp nhận ấy là lý do Ortega, 32 tuổi, cùng đội của mình, muốn khám phá khi họ lên đường tới Mataje ngày 26/3.

Yadira Aguagallo, bạn đời của Pául Rivas, vẫn nhớ rõ cảm giác bất an mà cô mang trong lòng từ lúc biết tin Rivas sắp đến Mataje.

“Đừng đi, xin anh! Em nghĩ nó quá nguy hiểm”, cô van nài Rivas lúc anh chuẩn bị khởi hành. “Đây là công việc của anh”, nhiếp ảnh gia 45 tuổi trả lời.

Theo báo cáo từ Bộ Nội vụ Ecuador,khoảng 9h30, ba người đàn ông vượt qua một trạm kiểm soát quân sự trước khi đến Mataje để đi vào khu vực nằm dưới quyền kiểm soát của nhóm du kích “Guacho”. Từ đó, họ biến mất.

8 ngày sau, kênh RCN của Ecuador phát một video ghi lại cảnh ba người đàn ông tuyệt vọng đang cầu xin cơ hội được sống.

Người thân, bạn bè của Ortega, Rivas và Segarra thắp nến tưởng nhớ họ ở Quinto, thủ đô Ecuador, ngày 13/4. Ảnh: AFP.

“Tổng thống Lenín Moreno… tính mạng chúng tôi nằm trong tay ngài”, Ortega khẩn cầu, nhắc tới lãnh đạo Ecuador. “Chúng tôi ổn về mặt thể chất nhưng tinh thần đang vô cùng yếu đuối”.

Nhắc tới nhóm đứng sau vụ bắt cóc, Ortega nói thêm: “Tất cả những gì Mặt trận Sinisterra yêu cầu là một cuộc trao đổi tù nhân, không hơn”.

Song, cuộc trao đổi đã không thể diễn ra. Ngày 13/4, Tổng thống Moreno thông báo ba người đã chết. “Chúng tôi sẽ không để bị hăm dọa”, ông quả quyết.

Victor Hugo Guerrero Quinṍnez, một cư dân cũ ở Mataje, người thu thập lời kể của nhân chứng về sự việc, cho hay nhóm của Ortega đã đỗ xe tại ngôi làng và đi xung quanh hỏi chuyện người dân địa phương.

“Nhưng người ở đây không bao giờ hé răng, đó là luật im lặng”, Quinṍnez nói. “Họ hỏi vài đứa trẻ cây cầu dẫn sang Colombia ở đâu. Lũ trẻ chỉ cho họ và rồi, họ biến mất”.

Yadira Aguagallo cho hay đến giờ cô vẫn cảm thấy đau đớn khi biết rằng ba người đàn ông chỉ vì muốn đi tìm kiếm sự thật mà bị bắt cóc và giết hại. “Những kẻ gây ra cái chết của Pául, Javier và Efráin không thể không bị trừng phạt… Một số sự im lặng là không thể chấp nhận được”.

HOÀNG PHI

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/vu-sat-hai-nhom-nha-bao-dieu-tra-gay-chan-dong-ecuador-post229457.html