Vụ sát hại bố bạn gái cũ tại Hà Tĩnh: Làm gì để ngăn chặn những vụ án mạng đau lòng tương tự?

Những vụ việc gần đây cho thấy tư duy 'sở hữu người yêu' đã trở thành xu hướng của một bộ phận giới trẻ hiện nay. Để rồi khi chia tay, nhiều đối tượng đã nhẫn tâm sát hại người thân của bạn tình để trả thù.

Công an huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh) đã bắt giữ Trần Quốc Bảo (SN 1989, trú tại thôn Mỹ Lộc, xã Xuân Viên, huyện Nghi Xuân) để điều tra về hành vi "Giết người". Hai nạn nhân bị sát hại là ông P.V.D (SN 1964, trú tại thôn Yên Khánh, xã Xuân Yên) và anh P.V.H (SN 1984, cháu ông D).

Kết quả khám nghiệm, ông D bị hung thủ đâm 11 nhát, còn anh H bị đâm tử vong với 17 nhát dao.

Sau khi gây án, Bảo đến Bệnh viện Hồng Hà (thị xã Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh) để băng bó vết thương. Đến 22h15, sau khi sơ cứu xong, nghi phạm rời khỏi bệnh viện. Khoảng 10h30 sáng 3/12, Phòng Cảnh sát Hình sự phối hợp với Công an huyện Nghi Xuân, Công an huyện Lộc Hà và Công an xã Hồng Lộc bắt giữ khi đối tượng này đang lẩn trốn tại nhà của một người thân ở huyện Lộc Hà.

Tại cơ quan điều tra, Bảo khai nhận nguyên nhân gây án là do mâu thuẫn bộc phát. Trước đó, Bảo yêu con gái ông D nhưng bị gia đình nhà bạn gái ngăn cản. Khoảng một tháng trước, biết tin con gái ông D đi lấy chồng, Bảo đã uống thuốc sâu tự tử nhưng bất thành.

Nghi phạm Bảo bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại nhà người thân

Nghi phạm Bảo bị bắt giữ khi đang lẩn trốn tại nhà người thân

Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường- Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp nhận định, diễn biến sự việc cho thấy hành vi của đối tượng rất quyết liệt, có sự chuẩn bị tính toán, suy nghĩ từ trước, ra tay rất tàn nhẫn, với mục đích tước đoạt tính mạng của nạn nhân nên đối tượng này sẽ bị xử lý hình sự về tội "Giết người" theo quy định tại khoản 1 (Điều 123, BLHS 2015) với nhiều tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự như: Có tính chất côn đồ; giết từ 02 người trở lên... Bởi vậy, hình phạt mà đối tượng này phải đối mặt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình

Ngoài trách nhiệm hình sự mà đối tượng này phải gánh chịu theo quy định pháp luật thì đối tượng này có trách nhiệm phải bồi thường toàn bộ thiệt hại đối với gia đình nạn nhân. Thiệt hại bao gồm chi phí cứu chữa, tiền công người chăm sóc trước khi nạn nhân tử vong, tiền chi phí mai táng theo phong tục địa phương, tiền nghĩa vụ cấp dưỡng với người mà nạn nhân có nghĩa vụ cấp dưỡng theo quy định pháp luật và một khoản tiền bồi thường tổn thất về tinh thần khoảng 100 tháng lương cơ sở.

Theo Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, hành vi của đối tượng rất côn đồ,

Có thể thấy rằng, thời gian qua liên tục xảy ra các vụ án mạng xuất phát từ mâu thuẫn tình cảm, các đối tượng gây án thường là các đối tượng côn đồ, máu lạnh, ích kỷ, có tính thù vặt nên khi không thỏa mãn được nhu cầu của mình, tình cảm không được đáp ứng thì nảy ghen tuông, bực tức, thù hận và tìm cơ hội để trả thù, sát hại nạn nhân và người thân của nạn nhân.

Động cơ sát hại nạn nhân xuất phát trực tiếp từ ghen tuông, mâu thuẫn, thù tức nhưng có nguyên nhân sâu xa từ giáo dục, từ đạo đức nhân cách của người này. Với những người được nuông chiều, thiếu giáo dục hoặc sống trong môi trường bạo lực, môi trường thiếu lành mạnh, bản thân thiếu tu dưỡng rèn luyện đạo đức sẽ trở thành con người ích kỷ, thiếu lòng nhân ái, đề cao giá trị bản thân, xem nhẹ quyền lợi của người khác.

Những đối tượng này rất dễ nổi nóng, cố chấp, coi thường pháp luật, khi quyền lợi của mình không được đáp ứng, cảm xúc không được thỏa mãn thì sẵn sàng xuống tay với bất kỳ ai.

Để giảm thiểu những vụ án mạng đau lòng như vậy thì ngoài việc xử lý nghiêm minh, răn đe phòng ngừa chung cho xã hội thì cần phải tăng cường các biện pháp giáo dục, đặc biệt là giáo dục đạo đức nhân cách, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục lòng nhân ái cho thế hệ trẻ. Kịp thời phát hiện giải quyết các mâu thuẫn dân sự trong đời sống xã hội để tránh những xung đột, mâu thuẫn âm bị kéo dài và không lối thoát dẫn đến bi kịch xảy ra.

Còn về lâu dài thì cần phải đổi mới phương pháp giáo dục, đề cao giáo dục đạo đức, xây dựng những chuẩn mực đạo đức xã hội để con người giàu lòng nhân ái, biết yêu thương đồng loại, biết sẻ chia, hy sinh và giảm bớt cái tôi ích kỷ cá nhân. Khi trong xã hội mà những lời "cảm ơn", "xin lỗi" chưa phải là văn hóa, không phải là câu cửa miệng, người ta vẫn sợ nhận lỗi, vẫn đề cao giá trị lợi ích cá nhân, thiếu nhân văn thì còn nhiều người sẵn sàng bất chấp tất cả để đạt được mục đích của cá nhân mình.

"Chỉ khi nào đạo đức xã hội được nâng lên, tính ích kỉ tham lam, bần tiện trong con người giảm đi, con người giao tiếp với nhau có đạo đức, nhân văn, hướng thiện, ý thức tôn trọng người khác được đề cao thành nét văn hóa thì mới giảm thiểu được những vụ án đau lòng như thế này", Ts.Ls Đặng Văn Cường chia sẻ.

Điều 123. Tội giết người

1. Người nào giết người thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Giết 02 người trở lên;

n) Có tính chất côn đồ;

q) Vì động cơ đê hèn.

..........

Bình Minh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/vu-sat-hai-bo-ban-gai-cu-tai-ha-tinh-lam-gi-de-ngan-chan-nhung-vu-an-mang-dau-long-tuong-tu-172221204195229429.htm