Vụ sập nhà ở Bình Dương khiến 3 người chết: Có sự bỏ lọt tội phạm?

Luật sư bào chữa cho bà Vũ Thị Tẩm cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, CQTT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Hy hữu mẹ nạn nhân trở thành bị cáo!

Mới đây, TAND tỉnh Bình Dương đã tiếp tục đã trả hồ sơ điều tra bổ sung vụ án sập nhà ở Bình Dương, khiến 3 người chết, 8 người bị thương của 9 năm trước.

Hai bị cáo bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng” là Vũ Thị Tẩm (SN 1966, ngụ thị xã Dĩ An, Bình Dương) và Đinh Xuân Cầu (SN 1975, là em cô cậu với Tẩm, ngụ quận Thủ Đức, TP HCM).

Được biết, trước đó, cấp tòa này đã nhiều lần đưa vụ án ra xét xử. Tuy nhiên, do bà Tẩm liên tục kêu oan, phía luật sư của bà Tẩm cũng đưa ra nhiều luận chứng, luận cứ chứng minh bà Tầm không có tội trong vụ án này nên phía HĐXX đã phải trả quyết định trả hồ sơ.

Theo hồ sơ vụ án, Vũ Thị Tẩm được UBND huyện Dĩ An, Bình Dương (nay là thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AD 230338, AD 230339 ngày 8/7/2009, diện tích 165m2 thuộc khu Sóng Thần 2.

Do có nhu cầu xây dựng nhà để kinh doanh dịch vụ Karaoke gia đình trên phần đất trên nên ngày 15/5/2009, bà Tẩm đã ký hợp đồng thiết kế kỹ thuật thi công với Công ty TNHH tư vấn thiết kế xây dựng và dịch vụ Dương Minh Đức.

Theo đó, ông Dương Công Tới (SN 1977) nhận trách nhiệm vẽ bản thiết kế, căn nhà có kết cấu 1 trệt, 2 lầu.

Sau khi có bản vẽ, bà Tẩm đã mua vật liệu xây dựng và thuê Đinh Xuân Cầu thi công nhưng chỉ là hợp đồng miệng.

Trong quá trình xây dựng, từ 7/2009 đến 10/2009, bà Tẩm kêu Cầu xây dựng thêm 2 lầu nữa để mở rộng kinh doanh.

Đầu tháng 12/2009, căn nhà xây dựng sắp hoàn thiện, chỉ còn sơn sửa 1 số hạng mục nhỏ, gia đình bà Tẩm dọn về ở. Đến 15h ngày 19/12/2009, căn nhà bất ngờ tự sụp đổ hoàn toàn khiên cho 3 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại căn nhà gần 2 tỷ đồng.

Ngày 19/12/2009, căn nhà bất ngờ tự sụp đổ hoàn toàn khiên cho 3 người chết, 8 người bị thương, thiệt hại căn nhà gần 2 tỷ đồng.

Trong số 3 người chết, có con trai 10 tuổi của bà Tẩm, người còn lại là công nhân phụ hồ. Ngoài ra, hai người con khác của bà Tẩm cũng bị thương nặng trong vụ án này.

Bỏ lọt vai trò của người làm chứng?

Hồ sơ vụ án thể hiện, ông Dương Công Tới (đại diện theo pháp luật của đơn vị thiết kế), ông Đinh Văn Hùng (người thi công công trình) là 2 người liên quan đến vụ án.

Tuy nhiên, sau khi kết thúc điều tra, ông Đinh Văn Hùng và Dương Công Tới lại được Viện KSND tỉnh Bình Dương đưa vào tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng của vụ án.

Không đồng tình với quan điểm truy tố của VKSND tỉnh Bình Dương, luật sư Nguyễn Đức Nam và Nguyễn Thị Hồng Thắm (luật sư bào chữa cho bà Vũ Thị Tẩm) cho rằng, tư cách tố tụng là người làm chứng của ông Hùng và ông Tới là không đúng vì 2 người này có liên quan và hoàn toàn không có chứng kiến đầy đủ sự việc.

Đối với ông Tới, luật sư trình bày, nếu ông Tới là người chứng kiến sự việc thì ông Tới đã phát hiện những khiếm khuyết của công trình và sẽ thực hiện việc ngăn cản xây dựng hoặc có ý kiến nhắc nhở chủ đầu tư và nhà thầu xây dựng. Còn nếu không nhắc nhở thì được xem là đồng phạm trong vụ án.

Ngoài ra, bản thân ông Tới là người nhận thiết kế thi công nhưng ông không có chức năng thiết kế theo đúng quy định của pháp luật về xây dựng, đây là hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng trong hoạt động xây dựng.

Về phía ông Hùng là người trực tiếp thi công công trình, khi phát hiện công trình có dấu hiệu xảy ra sự cố thì phải báo ngay cho chủ nhà biết để đình chỉ thi công công trình và di dời mọi người ra khỏi khu vực nguy hiểm.

Tuy nhiên, ông Hùng cố tình che dấu và tiếp tục thực hiện việc thi công nhằm mục đích lấy thêm tiền thi công. Bản thân ông Hùng không có năng lực thi công nhưng vẫn triển khai thi công, xây dựng căn nhà. Theo đó, ông Hùng chính là đầu mối của sự việc chết người khi sự cố công trình xảy ra.

Luật sư khẳng định, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương đã đưa ông Đinh Văn Hùng, Dương Công Tới tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là hoàn toàn không đúng, không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, có dấu hiệu bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Đinh Văn Hùng, Dương Công Tới.

Luật sư khẳng định, cáo trạng của Viện KSND tỉnh Bình Dương đã đưa ông Đinh Văn Hùng, Dương Công Tới tham gia tố tụng với tư cách là người làm chứng là hoàn toàn không đúng, không phản ánh đúng sự thật khách quan của vụ án, có dấu hiệu bao che cho hành vi vi phạm pháp luật của ông Đinh Văn Hùng, Dương Công Tới.

Đồng thời luật sư cũng cho rằng, trong quá trình điều tra vụ án, CQTT đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, có dấu hiệu làm oan người vô tội và bỏ lọt tội phạm.

Vụ việc được xác định xảy ra từ ngày 19/12/2009 nhưng mãi đến ngày 30/12/2014 (sau 05 năm), phía CQQĐT mới ban hành Quyết định phân công Phó Thủ trưởng CQĐT và Điều tra viên trong việc điều tra vụ án hình sự này.

Như vậy trong suốt quá trình điều tra (kéo dài 05 năm) thì người tiến hành điều tra không có thẩm quyền điều tra theo sự phân công của người có thẩm quyền do chưa có quyết định phân công của Thủ trưởng cơ quan điều tra. Vì vậy, tất cả các biên bản tố tụng, văn bản tố tụng trong giai đoạn này đều không có giá trị và các hoạt động điều tra trong giai đoạn này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Liên quan đến việc giám định sự cố công trình, Phân viện khoa học công nghệ xây dựng Miền Nam cũng đã có công văn cho thấy một số mẫu thu thập tại hiện trường và các tài liệu đã thất lạc một phần, như vậy việc giám định là không thể thực hiện được và nếu có kết luận thì cũng không thể chính xác. Nhưng ngày 25/5/2015, CQĐT tiếp tục ban hành quyết định trưng cầu giám định lần 2.

Điều đáng nói, trong bản báo cáo kết quả giám định sự cố công trình của Phân viện khoa khọc công nghệ xây dựng Miền Nam ngày 30/5/2016 thể hiện có 9 người thực hiện việc giám định. Tuy nhiên, chỉ có 07 người ký tên vào báo cáo kết quả giám định trên. Điều này thể hiện CQĐT Công an tỉnh Bình Dương đã vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.

Liên quan đến phiên tòa, sau khi nghị án kéo dài, chiều 13/8, TAND tỉnh Bình Dương đã quyết định trả hồ sơ, yêu cầu VKSND cùng cấp điều tra bổ sung một số vấn đề.

Theo đó, HĐXX yêu cầu làm rõ trách nhiệm của công ty thiết kế do ông Dương Công Tới làm giám đốc và bản thân ông Tới đối với bản thiết kế nhà của bà Tẩm.

Trong quá trình diễn ra phiên tòa, lời khai của bà Tẩm và ông Cầu có xuất hiện mâu thuẫn liên quan đến ông Đinh Văn Hùng. Vì vậy, cần làm rõ vai trò của ông Hùng trong vụ án để tránh bỏ lọt tội phạm,

Đồng thời, TAND tỉnh Bình Dương cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm kiểm tra giám sát của cơ quan quản lý xây dựng địa phương và làm rõ yêu cầu bồi thường thiệt hại thuộc về trách nhiệm của ai.

Tử Dao

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.net.vn/vu-sap-nha-o-binh-duong-khien-3-nguoi-chet-co-su-bo-lot-toi-pham-50968.htm