TP.HCM nới lỏng giãn cách: Củng cố hệ thống y tế, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Từ ngày 1/10, TP.HCM sẽ bắt đầu thực hiện từng bước nới lỏng giãn cách xã hội. TP đã xây dựng dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn, lấy ý kiến góp ý của lãnh đạo các quận, huyện..

Thực hiện song song các mục tiêu, đẩy mạnh củng cố y tế

Theo nhiều lãnh đạo các quận, huyện và TP Thủ Đức, thì dự thảo Chỉ thị về điều chỉnh các biện pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 và phục hồi kinh tế - xã hội trên địa bàn TP.HCM đã cơ bản bao quát, đáp ứng được các yêu cầu khi thực hiện “bình thường mới”. Lãnh đạo các địa phương cho biết rất đồng thuận và vẫn đang triển khai quyết liệt các giải pháp kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế.

TP.HCM đang chuẩn bị giai đoạn bình thường mới

TP.HCM đang chuẩn bị giai đoạn bình thường mới

Chủ tịch UBND Quận 5 Trương Minh Kiều cho biết, quận cũng đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh với nhiều kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể việc tiêm vaccine đã hoàn thành tiêm mũi 1 cho người trên 18 tuổi, 39% người tiêm mũi 2, đặc biệt là có 3 phường là 3, 10, 13 đã hoàn thành tiêm 2 mũi cho người dân. Địa phương cũng đã thí điểm chợ dã chiến để phục vụ tốt hơn người dân và dự kiến mở cửa chợ truyền thống sau ngày 30/9 nếu được phân bổ thêm vaccine tiêm mũi 2 cho các tiểu thương sớm…

Hiện Quận 5 đang tập trung thực hiện cùng lúc các nhiệm vụ công tác phòng chống dịch, đảm bảo an sinh xã hội và hoạt động phục hồi sản xuất kinh doanh…"Quận 5 cơ bản kiểm soát được dịch và tiêm chủng cũng gần xong rồi. Cho nên tất cả các giải pháp để triển khai là thống nhất hết. Bây giờ tất cả các giải pháp đều song song đối với địa phương và các nhóm sẽ làm đều, đồng loạt", bà Trương Minh Kiều, Chủ tịch UBND Quận 5 nói.

TP.HCM yên bình trong những ngày giãn cách

Chủ tịch UBND quận Phú Nhuận Nguyễn Đông Tùng cũng cho cho rằng, tất cả các giải pháp mà Dự thảo đưa ra đều rất quan trọng nhưng cần phải đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực y tế. Bởi tất cả các hoạt động phục hồi, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh có đủ điều kiện chỉ có thể được triển khai nếu như kiểm soát bền vững được dịch bệnh. Ngoài ra, trong thời gian tới, ông Nguyễn Đông Tùng cho rằng thành phố cần phải đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để làm tốt công tác kiểm soát bằng Thẻ xanh Covid.

"Mức độ như thế là phù hợp rồi, quan trọng là việc xác định Thẻ xanh cho người dân càng sớm càng tốt. Tôi nghĩ khi những người tham gia vào các hoạt động được cho phép mở ra đó để đảm bảo phải có Thẻ xanh. Nhưng dữ liệu mà để quản lý những trường hợp này hiện nay còn chưa đầy đủ nên phải làm sao cho nó đầy đủ, cập nhật dữ liệu càng nhanh càng tốt. Thì cái đó rất có lợi, rất thuận tiện cho công tác quản lý nhà nước tại địa phương "- ông Nguyễn Đông Tùng nói.

Học cách thích nghi, giao quyền tự chủ cho doanh nghiệp

Trao đổi với phóng viên VOV, chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền cho rằng, trong dự thảo Chỉ thị điều chỉnh các biện pháp thích ứng, kiểm soát dịch COVID-19 và phục hồi kinh tế từ ngày 1/10, Thành phố nên tiếp tục dựa vào những tiêu chí quy định 5K của Bộ Y tế để kiểm soát việc phòng dịch bệnh của doanh nghiệp.

Đường phố TP.HCM vắng bóng người

Bộ tiêu chí về an toàn phòng chống dịch không nên quá phức tạp, nhiều quy định bởi doanh nghiệp sẽ khó thực hiện. Theo Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền, bản thân các doanh nghiệp là người sợ nhất việc có F0 tại nơi sản xuất, kinh doanh của mình. Vì thế, Thành phố nên giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho doanh nghiệp; nên bỏ quy định xét nghiệm định kỳ 3 -7 ngày/lần ở doanh nghiệp vì tốn thời gian, chi phí và là gánh nặng của nhiều doanh nghiệp. Thay vào đó, doanh nghiệp chỉ xét nghiệm ngẫu nhiên nhóm lao động có nguy cơ hoặc có biểu hiện lâm sàng dịch bệnh.

Ngoài ra, Thành phố cũng không nên lập những chốt kiểm soát như trước đây mà chỉ nên kiểm soát điểm đi và điểm đến, đó là nơi làm việc, sản xuất, kinh doanh, siêu thị, chỗ tập trung động người. Cơ quan chức năng chỉ kiểm tra ngẫu nhiên và hậu kiểm.

"Chúng ta tăng cường kiểm soát từ nguồn, có quy định thế nào là an toàn, ví dụ như tại siêu thị, chúng ta để cho nhân viên siêu thị tự kiểm soát khách đến có đảm bảo các tiêu chí an toàn hay không. Nhà nước chỉ hậu kiểm thôi, toàn bộ lực lượng y tế ta tập trung vào đội y tế lưu động, chúng ta ưu tiên F0 điều trị tại nhà, cần phải có đội ngũ y tế lưu động dày đặc, bố trí nơi có động người lao động tập trung, mình kiểm soát ngẫu nhiên và hỗ trợ cho những trường hợp khẩn cấp ca bệnh. Mình phải tăng cường kiểm soát từ nguồn", Tiến sỹ Huỳnh Thanh Điền nói.

TP.HCM đặt mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết

Góp ý tại cuộc gặp với Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Văn Nên vừa qua, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, việc “cấp cứu cho doanh nghiệp cũng quan trọng không kém việc cấp cứu bệnh nhân Covid-19 bởi tất cả đều cần phải có oxy để thở". Hiện nay, các doanh nghiệp đang kiệt quệ và rất cần được “bơm oxy” để có thể hồi phục, nếu không Thành phố sẽ mất đi một lượng lớn doanh nghiệp mà rất nhiều năm mới gây dựng được. Theo Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh, Đại học Fulbright, thì TP.HCM “không thể không mở cửa nền kinh tế". Quan trọng là phải thay đổi tiêu chí kiểm soát dịch bởi nếu vẫn theo các tiêu chí cũ “Thành phố sau khi mở cửa một thời gian sẽ phải đóng lại ngay” và “đây là cách dễ nhất để giết doanh nghiệp”.

"Tất cả các đơn vị mà được phép mở ra và trong tiến độ mở ra từng nấc, từng bước một phải có phương án dự phòng, phải có phương án quản lý rủi ro, phải có phương án thay đổi và thích nghi với điều kiện mới. Chúng ta phải thành quy chuẩn, quy trình có nghĩa là chúng ta sẽ tự tin hơn rất nhiều khi có nhiều các tầng lớp bảo vệ như thế. Và chúng ta đã có phương án và biện pháp phòng ngừa", Tiến sỹ Vũ Thành Tự Anh nói.

Dự thảo Chỉ thị của TP.HCM đặt mục tiêu trong giai đoạn mới là kiểm soát dịch bệnh trên toàn địa bàn Thành phố; bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân là trên hết, trước hết; khống chế số ca mắc và tử vong do COVID-19 đến mức thấp nhất để người dân sớm quay lại cuộc sống bình thường mới. Ngoài ra, TP sẽ từng bước khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội an toàn hiệu quả./.

Hà Khánh- Lệ Hằng/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/tphcm-noi-long-gian-cach-cung-co-he-thong-y-te-giao-quyen-tu-chu-cho-doanh-nghiep-894320.vov