Vụ Sam Media 'móc túi' thuê bao 230,5 tỉ: Có căn cứ để điều tra tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Dư luận đang rất bức xúc trước vụ Cty Sam Media cấu kết với các đối tác cung cấp dịch vụ tin nhắn quảng cáo cho người tiêu dùng trong nước sau đó âm thầm trừ tiền dịch vụ, hậu quả đã “đút túi” gần 230,5 tỷ đồng từ khách hàng Việt Nam. Sở Thông tin & Truyền thông TP Hà Nội đã xử phạt vi phạm hành chính với doanh nghiệp nước ngoài này 55 triệu đồng.

Cty Sam Media "móc túi" của gần 94.000 thuê bao số tiền 230,5 tỉ đồng (Ảnh: T.L).

Theo tôi, hành vi của Sam Media là tự động kích hoạt tin nhắn cho các thuê bao khách hàng và âm thầm thu tiền dịch vụ có thể được xét là hành vi “thu cước sử dụng dịch vụ mà không thông báo với người sử dụng dịch vụ”. Đây là hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật được quy định tại Điều 6, văn bản hợp nhất số 2207/VBHN-BTTTT về chống thư rác. Hành vi này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền từ 10 triệu đến 20 triệu đồng (điểm c khoản 1 Điều 39 văn bản hợp nhất số 2207/VBHN-BTTTT về chống thư rác). Mục 3 văn bản hợp nhất số 2207/VBHN-BTTTT về chống thư rác cũng đã quy định tin nhắn quảng cáo phải phải đáp ứng những điều kiện sau:

Phải được gắn nhãn, phải có thông tin của nhà cung cấp dịch vu, phải có chức năng từ chối nhận tin nhắn quảng cáo và nhà cung cấp dịch vụ quảng cáo hoặc người quảng cáo không được phép thu cước phát sinh để thực hiện yêu cầu từ chối nhận quảng cáo của người nhận.

Trường hợp nếu doanh nghiệp nước ngoài không đáp ứng những yêu cầu về tin nhắn quảng cáo theo những quy định nêu trên thì còn có thể bị xem xét xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền cho từng hành vi theo quy định tại Điều 35, 36, 37 văn bản hợp nhất số 2207/VBHN-BTTTT về chống thư rác. Do đó, đối với các cơ quan chức năng, ngoài việc xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp với mức phạt tổng cộng 55 triệu đồng cho hai hành vi vi phạm, thì cần phải tiến hành điều tra, xử phạt vi phạm hành chính doanh nghiệp đối với những hành vi vi phạm điều cấm của pháp luật như đã phân tích ở trên, và các cơ quan chức năng cũng cần xem xét đến trách nhiệm của các nhà mạng có liên quan để áp dụng các hình thức xử lý thích đáng.

Với thực tế này, khách hàng rất khó để có thể yêu cầu doanh nghiệp bồi thường bởi lẽ số lượng thuê bao tham gia vào dịch vụ này là rất lớn, khó xác định thiệt hại cụ thể và người tiêu dùng có tâm lý là ngại yêu cầu bồi thường bởi vì số tiền mà từng cá nhân mất là không quá lớn. Tuy nhiên, trong trường hợp khách hàng có bằng chứng (hóa đơn, chứng từ, số liệu hoặc những bằng chứng khác…) chứng minh được mình bị thiệt hại do hành vi trái pháp luật của nhà cung cấp dịch vụ thì có thể tự mình khởi kiện ra tòa án có thẩm quyền, yêu cầu phía nhà cung cấp dịch vụ tin nhắn quảng cáo phải bồi thường thiệt hại cho mình.

Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010 cũng có quy định về quyền của tổ chức xã hội tham gia bảo vệ người tiêu dùng (có thể là Hội bảo vệ người tiêu dùng hoặc các tổ chức xã hội khác…) nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 24 Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng thì có thể đại diện cho người tiêu dùng đi kiện hoặc tự mình khởi kiện vụ án bảo vệ người tiêu dùng vì lợi ích công cộng (điểm b, khoản 1, Điều 28 Luật Bảo vệ người tiêu dùng 2010).

Ngoài ra, trong vụ việc này, các cơ quan chức năng cũng cần vào cuộc để tiến hành điều tra doanh nghiệp nước ngoài và các đối tác của họ cùng với các nhà mạng trong nước, điều tra để làm rõ là có hành vi sai phạm của cá nhân nào trong các đơn vị trên đủ yếu tố cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản (Điều 139 BLHS 1999) để làm căn cứ truy tố trách nhiệm hình sự để tránh bỏ lọt tội phạm.

Để ngăn chặn việc tái tiếp diễn những vụ việc như trên, cần phải có sự phối hợp hành động của các cơ quan ban ngành có liên quan: Trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông và các cơ quan chuyên môn trong việc quản lý, kiểm soát những hoạt động kinh doanh đặc thù, trách nhiệm của Bộ Công Thương, Cục quản lý cạnh tranh và UBND các cấp trong việc bảo vệ người tiêu dùng, trách nhiệm của các cơ quan thanh tra trong việc xử lý sai phạm…để hướng tới mục tiêu loại bỏ triệt để những hành vi sai phạm trong việc cung cấp dịch vụ của các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nước ngoài để bảo vệ thị trường và khách hàng trong nước.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung Tâm Trọng tài Thương Mại Luật gia Việt Nam

Luật sư Nguyễn Văn Hậu

Nguồn Lao Động: http://laodong.com.vn/goc-nhin-luat-su/vu-sam-media-moc-tui-thue-bao-2305-ti-co-can-cu-de-dieu-tra-toi-lua-dao-chiem-doat-tai-san-596404.bld