Vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh, 2 bị cáo được tại ngoại

Hôm nay (29-3), TAND TP Biên Hòa, Đồng Nai tiếp tục phiên xử sơ thẩm lần ba vụ sà lan tông sập cầu Ghềnh đối với hai bị cáo Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ Đồng Nai) và Trần Văn Giang (36 tuổi, ngụ Sóc Trăng).

Trước đó, chiều 28-3, sau khi kết thúc phần xét hỏi, HĐXX đã quyết định hội ý kéo dài để làm rõ hai vấn đề: Thay đổi biện pháp ngăn chặn đối với hai bị cáo và định giá trong tố tụng hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay, HĐXX đã quyết định quay lại phần xét hỏi để làm rõ việc xin bảo lãnh của gia đình các bị cáo. Cha mẹ của bị cáo Giang có đơn xin bảo lãnh vào ngày 26-2-2018, vợ và con bị cáo Thượng có đơn xin bảo lãnh ngày 28-3-2018. Tại tòa, người thân của hai bị cáo đều xác nhận chưa có tiền án, tiền sự, xin bảo lãnh cho bị cáo và sẽ tuân thủ theo giấy triệu tập của tòa án.

Bị cáo Giang, LS Đức, bị cáo Thượng vui mừng sau phiên xử (từ trái qua phải).

Bị cáo Giang, LS Đức, bị cáo Thượng vui mừng sau phiên xử (từ trái qua phải).

Sau khi vào hội ý, HĐXX nhận định cần xem xét thêm những chứng cứ quan trọng đối với vụ án mà không thể bổ sung tại tòa được nên quyết định trả hồ sơ để điều tra những vấn đề sau: yêu cầu Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam xác định cầu Ghềnh đã được sử dụng khoảng bao nhiêu năm, giá trị sử dụng còn lại là bao nhiêu phần trăm, trên cơ sở đó tiến hành định giá lại để xác định giá trị còn lại của cầu Ghềnh là bao nhiêu. Xác định nhịp cầu số 2 và 3 bị sụp đổ, còn nhịp cầu số 1 và 4 có bị sụp đổ không, có phải sửa chữa gì không, việc sửa chữa cầu Ghềnh được đơn vị thi công nào sửa chữa, đã sửa chữa những hạng mục nào của cầu với số tiền sửa chữa là bao nhiêu. Đối với nhịp cầu số 2 và 3 bị sụp đổ cần được định giá để xác định giá trị sửa chữa là bao nhiêu.

Cạnh đó, HĐXX yêu cầu xác định tư cách tố tụng và yêu cầu bồi thường thiệt hại của các công ty: Công ty CP Đường sắt Sài Gòn, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn, Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội, Công ty CP Vận tải và Thương mại đường sắt, Công ty CP Thông tin tín hiệu đường sắt Sài Gòn; làm rõ mối quan hệ tài sản là chiếc tàu kéo và sà lan giữa bà Nguyễn Thu Hồng và bị can Thượng, hợp đồng lao động giữa chủ phương tiện và bị can Giang để làm rõ trách nhiệm bồi thường dân sự. Trên cơ sở đó để xem xét về trách nhiệm hình sự một cách toàn diện và đúng theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, HĐXX quyết định thay đổi biện pháp tạm giam bằng biện pháp bảo lãnh đối với hai bị cáo sau hai năm tám ngày bị tạm giam.

YẾN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-sa-lan-tong-sap-cau-ghenh-2-bi-cao-duoc-tai-ngoai-762331.html