Vụ rơi máy bay Boeing 737 ở Indonesia: Xác định được vị trí 2 hộp đen, dự báo không có người sống sót

Người phát ngôn Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia thừa nhận nhiều khả năng không có người sống sót sau vụ tai nạn rơi máy bay Boeing 737 ngày 29/10.

Không còn ai sống sót trong vụ rơi máy bay mang số hiệu JT-610

Theo người phát ngôn của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia BASARNAS, đã tìm thấy 6 thi thể trong vụ máy bay Lion Air Boeing 737 và được đưa về cảng Tanjung Priok.

Cơ quan này cũng tuyên bố hoạt động tìm kiếm và cứu hộ sẽ kéo dài 7 ngày, trừ phi toàn bộ thi thể được trục vớt trước thời gian đó.

Trước đó, thợ lặn của đội cứu hộ đặc biệt BASARNAS cho biết họ đã vớt được một thi thể và đưa tới bệnh viện RSUD Karawang.

Nhân viên cứu hộ Indonesia nghiên cứu mảnh vỡ được cho là chiếc Lion Air gặp nạn. (Ảnh: AP)

Theo Reuters, Giám đốc điều hành của Cơ quan Tìm kiếm và Cứu nạn Quốc gia Indonesia Bambang Suryo dự báo không có ai sống sót trong vụ rơi máy bay mang số hiệu JT-610 thuộc hãng hàng không Lion Air vào sáng 29/10 ở Vịnh Jarawang, gần khu vực Karawang, tỉnh Tây Java.

Phát biểu với báo giới, ông Suryo nhấn mạnh: "Chúng tôi cần tìm được mảnh vỡ chính (của máy bay). Tôi dự đoán không có ai sống sót, dựa vào những phần thi thể được tìm thấy cho đến thời điểm này".

Theo Vov.vn, Tân Hoa xã cho biết các lực lượng chức năng Indonesia đã xác định được vị trí 2 hộp đen của máy bay xấu số.

Máy bay gặp nạn đạt tiêu chuẩn an toàn bay

Chủ tịch hãng hàng không Lion Air ngày 29/10 khẳng định chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi cùng ngày tại Indonesia với 189 người trên khoang hoàn toàn “đạt tiêu chuẩn an toàn bay”. Ông Sirait đồng thời bổ sung rằng phi công đã tuân thủ quy trình kiểm tra phi cơ trước khi bay.

Cơ trưởng được xác định là Bhavye Suneja, là một người gốc Ấn Độ hiện đang sinh sống tại Thủ đô Jakarta, Indonesia. Trước đó, Bhavye Suneja từng sinh sống ở New Delhi, Ấn Độ. Bhavye Suneja bắt đầu làm việc cho hãng Lion Air từ tháng 3/2011 và viên phi công này từng có kinh nghiệm 6.000 giờ bay.

Trước khi bắt đầu công việc với Lion Air, Suneja từng có quãng thời gian công tác tại hãng Emirates từ tháng 9-12/2010.

Người phụ lái của Suneja trên chuyến bay JT 610 là cơ phó Harvino – người cũng đã có kinh nghiệm 5.000 giờ bay.

Các thành viên phi hành đoàn khác bao gồm: Shintia Melina, Citra Noivita Anggelia, Alviani Hidayatul Solikha, Damayanti Simarmata, Mery Yulianda và Deny Maula.

Chiếc Boeing 737 MAX 8 của Lion Air mang số hiệu JT 610 rời Jakarta theo hành trình tới Pangkal Pinang ở đảo Bangka. Tuy nhiên, sau 13 phút cất cánh, chiếc máy bay đã mất tín hiệu. Chiếc JT 610 đã rơi xuống khu vực biển có độ sâu khoảng 30-35m.

Lion Air hiện là một trong những khách hàng lớn nhất chuyên mua dòng 737 của hãng sản xuất máy bay Boeing (Mỹ). Năm 2011, Lion Air tuyên bố thương vụ 21,7 tỷ USD Mỹ mua 230 máy bay động cơ đôi của Boeing. Ở thời điểm đó, Boeing xác nhận đây là hợp đồng mua máy bay thương mại lớn nhất trong lịch sử của hãng.

Lion Air cũng là hãng hàng không đầu tiên sử dụng dòng 737 MAX 8 của Boeing từ năm 2017. Ngoài ra, Lion Air còn dự kiến nhận dòng máy bay 737 MAX 9. Trong tháng 4 năm nay, Lion Air còn đặt hàng Boeing 50 chiếc 737 MAX 10 với tổng trị giá 6,24 tỷ USD.

Hãng thông tấn Reuters (Anh) cho biết Lion Air được thành lập từ năm 1999 và từng xảy ra tai nạn gây thương vong vào năm 2004 khi một chiếc MD-82 rơi xuống thành phố Solo (Indonesia) khiến 25 người trong tổng số 163 người trên phi cơ thiệt mạng.

Phong Linh (tổng hợp)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/vu-roi-may-bay-boeing-737-o-indonesia-xac-dinh-duoc-vi-tri-2-hop-den-du-bao-khong-co-nguoi-song-sot-a409031.html