Vụ quy hoạch trung tâm Đà Lạt: Kiến nghị của 77 kiến trúc sư đã đến tay lãnh đạo HĐND tỉnh

Ngày 15.4, Chủ tịch HĐND tỉnh Lâm Đồng - ông Trần Đức Quận, cho biết cơ quan này đã nhận được đơn kiến nghị xem xét lại quy hoạch trung tâm thành phố Đà Lạt từ các kiến trúc sư trên toàn quốc.

Cụ thể, như Người Đô Thị đã đưa tin, trong một văn bản gửi Bộ Xây dựng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng… 77 kiến trúc sư đã cùng tham gia kiến nghị yêu cầu xem xét, làm rõ Quyết định phê duyệt đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt” của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định pháp luật?

Chợ cũ, nay là rạp Hòa Bình, một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển đô thị Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng giữa thập niên 1950. Ảnh: Tư liệu

Chợ cũ, nay là rạp Hòa Bình, một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển đô thị Đà Lạt. Ảnh chụp khoảng giữa thập niên 1950. Ảnh: Tư liệu

Trong bản kiến nghị ngày 19.3 gửi đồng thời: ông Phạm Hồng Hà (Bộ trưởng Bộ Xây dựng); Ông Trần Đức Quận (Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng); Ông Trần Ngọc Chính (Chủ tịch Hội Quy hoạch Việt Nam); Ông Nguyễn Tấn Vạn (Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam) và Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị (tác giả đồ án “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị – tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt”, đã được Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng phê duyệt tại Quyết định số 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019), các kiến trúc sư cho rằng:

Đồ án quy hoạch này có chất lượng không phù hợp với cảnh quan và vị thế trong lịch sử đô thị Việt Nam của thành phố Đà Lạt, cũng như việc ban hành quyết định nói trên của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có nhiều vấn đề chưa tường minh về quy trình thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam. Vì vậy, các kiến trúc sư yêu cầu:

1/. Bộ Xây dựng và Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng xem xét, làm rõ và công bố trước công luận việc ban hành Quyết định 229 - QĐ/UBND ngày 12.2.2019 của Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng có tuân thủ đầy đủ quy trình, thủ tục theo quy định hiện hành của pháp luật?

2/. Hội Quy hoạch Việt Nam, Hội Kiến trúc sư Việt Nam xem xét và công bố trước công luận đánh giá của mình về chất lượng đồ án quy hoạch nói trên.

3/. Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị thu hồi toàn bộ sản phẩm này, nghiên cứu làm lại một tác phẩm khác xứng đáng với tên tuổi và tầm vóc của ông trong nền kiến trúc đương đại Việt Nam.

Người dân Đà Lạt xem triển lãm phối cảnh đồ án khu Hòa Bình sáng 15.3.2019. Ảnh: Nguyễn Vinh

Được biết, tiếp nối kiến nghị gửi Bộ Xây dựng, Hội đồng Nhân dân tỉnh Lâm Đồng, một Thư kiến nghị khác cũng vừa được phổ biến rộng rãi để lấy ý kiến dư luận gửi Thủ tướng Chính phủ và Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

* Nguồn cơn vụ việc xuất phát từ việc UBND tỉnh Lâm Đồng công bố bản đồ quy hoạch trung tâm TP Đà Lạt, công bố sáng ngày 15.3.2019, đã gây ra nhiều tranh cãi. Theo đó, bản đồ án nói trên có tên “Quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị, tỉ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng” đã được ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch tỉnh Lâm Đồng đặt bút ký, phê duyệt ngày 12.2.1019 trong Quyết định số 229/QĐ-UBND.

dự án có quy mô 30ha, phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm Nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi đến đầu đường 3 tháng 2, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (Nguyễn Văn Cừ, Lê Đại Hành, Trần Quốc Toản).

Quy mô dân số hiện trạng khoảng 5.370 người (1.064 hộ); hệ số tăng dân số cơ học 1, 2, dự báo quy mô dân số khu vực quy hoạch khoảng 6.879 người.

Cơ cấu thuộc dự án sẽ gồm 5 phân khu, nhưng ở phân khu nào cũng có chức năng trung tâm thương mại dịch vụ hiện đại.

Thể hiện trên bản quy hoạch, thì chợ Đà Lạt sẽ được giữ lại, kết nối với Quảng trường trung tâm và mở phố đi bộ, trung tâm thương mại. Ngoài ra sẽ có các hầm phục vụ dịch vụ thương mại và bãi đậu xe.

Một cụm khách sạn cao cấp với kiến trúc mái tròn, cao tầng sẽ mọc lên ngay trên đồi Dinh Tỉnh trưởng. Được biết, dinh thự di sản kiến trúc Pháp quen gọi là Dinh Tỉnh trưởng sẽ bị "di dời" nhường chỗ cho cụm công trình mới này. Dự kiến, những con đường uốn khúc quanh Dinh hiện tại sẽ được thay bằng các trục giao thông rộng “cho các phương tiện tiếp cận”.

Khu vực chỉnh trang kiến trúc công trình và cảnh quan các tuyến đường đi bộ gồm các tuyến đường Nguyễn Chí Thanh, Lê Đài Hành, Phan Bội Châu…, với mục tiêu hình thành khu ở kết hợp thương mại, phát triển hỗn hợp các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách.

Khu vực ven hồ Xuân Hương với diện tích 6,06 ha sẽ là công trình dịch vụ du lịch, khách sạn, công trình công cộng giáp hồ.

Về giao thông, bản đồ án trên cho thấy sẽ có 10 tuyến đường mới được mở trong khu vực này, với lộ giới từ 6m đến 38m; cải tạo mở rộng 12 tuyến đường ở khu vực thuộc phạm vi quy hoạch với lộ giới 8m-14m.

Theo bản đồ án này, một số công trình chợ cũ Đà Lạt (nay là rạp Hòa Bình), một địa chỉ gắn với lịch sử phát triển thành phố Đà Lạt sẽ bị đập bỏ thay vào đó là một công trình hình khối tròn, bọc kính, mái trải thảm cỏ. Ngoài ra, các công trình gắn với sinh hoạt văn hóa, thương mại thành phố trước nay như khách sạn Nice Dream, Thương xá Latulipe cũng sẽ bị tháo dỡ. Công trình lớn như khách sạn TTC (Golf 3 cũ) cũng bị giải tỏa.

BTV

Khu Hòa Bình - một không gian lịch sử, nhân văn đặc thù Đà Lạt
Hai kiến trúc sư phản biện giám đốc Sở Xây dựng Lâm Đồng về quy hoạch Đà Lạt
Hiểu sai về “phát triển” đô thị ở Đà Lạt
Đà Lạt quy hoạch khu Hòa Bình: Lời cảnh báo về một thành phố vô hồn!

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/vu-quy-hoach-trung-tam-da-lat-kien-nghi-cua-77-kien-truc-su-da-den-tay-lanh-dao-hdnd-tinh-18172.html