Vụ phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM bị đe dọa: Cần khởi tố, xử lý nghiêm

Liên quan vụ phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM bị đe dọa, khủng bố tinh thần, theo luật sư Trần Bá Học, khủng bố, dọa giết cả gia đình là tội phạm nguy hiểm.

Như Thanh Niên đã thông tin, theo trình báo của phóng viên Lê Tấn Lộc (Báo Pháp luật TP.HCM) với Công an TP.Tuy Hòa (Phú Yên), lúc 6 giờ 51 ngày 3.5, một phụ nữ gọi đến từ số điện thoại 096xxx021, tự xưng là bạn đọc, có nhu cầu gửi đơn phản ánh và dò hỏi địa chỉ nhà.

Nắm tường tận thông tin gia đình phóng viên, rồi đe dọa

Đến hơn 7 giờ, cũng từ số điện thoại này nhưng người phụ nữ tự xưng là người nhà của ông M.T.T ở TP.Nha Trang (Khánh Hòa) rồi chửi bới, mạt sát phóng viên Lê Tấn Lộc. Người phụ nữ này còn lớn tiếng nói rằng đang cho người từ Nha Trang ra Tuy Hòa xử cả gia đình phóng viên Lê Tấn Lộc.

Chưa hết, người phụ nữ này nói biết rõ địa chỉ nơi các con nhà báo đang học, sẵn sàng bỏ ra vài tỉ đồng để thanh toán cả gia đình ông Lộc rồi đi tù …

Cũng trong ngày 3.5, có một người đàn ông nhiều lần gọi đến từ số điện thoại 0961xxx021 tự giới thiệu là ở TP.Nha Trang, đang đi tìm hai người con của phóng viên Lê Tấn Lộc để xử. Người này còn đọc rõ họ tên, năm sinh, trường của hai con của ông Lộc đang theo học.

Phóng viên Lê Tấn Lộc cho biết trước đó ông có nhận được một bài viết của cộng tác viên liên quan một số vấn đề về thủ tục tố tụng của vụ kiện tranh chấp hợp đồng vay tài sản giữa ông M.T.T và bị đơn là Công ty TNHH T.H.P (cùng ở Nha Trang).

Ông Lộc đã xử lý gửi vào tòa soạn, nhưng tòa soạn yêu cầu ông liên lạc với ông Võ Quốc Tuấn, Chánh án TAND TP.Nha Trang, tìm hiểu thêm một số vấn đề liên quan để tòa soạn bổ sung vào bài viết. Ngày 26.4, BáoPháp luậtTP.HCM đã đăng bài Tòa xử “siêu nhanh” sau 15 ngày thụ lý.

Có dấu hiệu phạm tội “đe dọa giết người” Trao đổi về việc nhà báo, phóng viên bị khủng bố tinh thần, bị đe dọa, luật sư Trần Bá Học (Đoàn luật sư TP.HCM) cho biết hành vi khủng bố, đe dọa giết nhiều người do các đối tượng nói trên thực hiện vô cùng nguy hiểm, có dấu hiệu phạm tội “đe dọa giết người” quy định tại khoản 2 của Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 2015 với khung hình phạt từ 2 đến 7 năm tù.

Để bảo vệ tính mạng của nhà báo và gia đình, LS Học cho rằng cơ quan cảnh sát điều tra cần phải khởi tố vụ án, điều tra xác minh, áp dụng ngay biện pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm minh các đối tượng nhằm răn đe và phòng ngừa tội phạm, bảo vệ nhà báo trong tác nghiệp theo luật định.

"Chúng tôi nhất trí cao với ý kiến của đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, là cần điều tra tận gốc để xử lý nghiêm khắc những kẻ có hành vi đe dọa, khủng bố. Theo đó, cần điều tra tận gốc đối với những bất thường của TAND TP.Nha Trang trong quá trình giải quyết vụ án “siêu nhanh” đã được phóng viên phản ánh", LS Học nói.

Bộ luật Hình sự năm 2015 - Điều 133: Tội đe dọa giết người

1. Người nào đe dọa giết người, nếu có căn cứ làm cho người bị đe dọa lo sợ rằng việc đe dọa này sẽ được thực hiện, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm:

a) Đối với 2 người trở lên;

b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Đối với người đang thi hành công vụ hoặc vì lý do công vụ của nạn nhân;

d) Đối với người dưới 16 tuổi;

đ) Để che giấu hoặc trốn tránh việc bị xử lý về một tội phạm khác.

Đức Huy

Nguồn Thanh Niên: http://thanhnien.vn/thoi-su/vu-phong-vien-bao-phap-luat-tphcm-bi-de-doa-can-khoi-to-xu-ly-nghiem-1078122.html