Vũ Phong Cầm - Cây bút nặng lòng với lịch sử

Là người từng làm báo, hoạt động văn học nghệ thuật với Vũ Phong Cầm - phóng viên Báo Xây dựng, tôi cảm nhận đây là người có thú vui xới xáo những chuyện như đã chìm sâu vào lịch sử, nhưng có giá trị 'vạn cổ chí kim'.

Nhà báo Vũ Phong Cầm, tác nghiệp báo chí trên vùng hải đảo vùng Đông Bắc bộ

Với trên 40 năm theo nghiệp báo, Vũ Phong Cầm đã có một số lượng lớn tác phẩm trong tay. Nhưng ấn tượng nhất là các bài viết về thân phận liệt sĩ Nguyễn Văn Thuộc, người ở tỉnh Thái Bình ra vùng mỏ Quảng Ninh làm than.

Ông là người sớm giác ngộ cách mạng, đêm ngày 24 rạng sáng 25/12/1946 đã tham gia trận công đồn Hà Lầm theo lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ. Nhưng khi hy sinh thì lại tôn vinh Nguyễn Văn Thuộc, người thợ mỏ Hà Lầm là một em bé thiếu nhi (còn đắp tượng đặt ở sân một trường học). Qua bài báo, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Nguyễn Văn Đọc đã cử cán bộ về đến quê hương liệt sĩ Nguyễn Văn Thuộc, tìm hiểu tư liệu để trả lại danh phận cho liệt sĩ.

Tác phẩm văn học viết về đề tài chiến tranh của Vũ Phong Cầm đăng trên Tạp chí Hội Nhà văn Việt Nam, Tạp chí văn nghệ các địa phương cũng nhiều. Mới đây, Tạp chí Cửa Biển, của Hội Văn học Nghệ thuật Hải Phòng đăng truyện ngắn “Giọt tình nơi cửa biển” của Vũ Phong Cầm. Đọc truyện mà thấy như sống lại cảnh những năm quân Mỹ không kích miền Bắc. Mỹ dùng máy bay ném thủy lôi xuống cửa biển hòng phong tỏa hải cảng. Nhưng không ngờ ban ngày chúng ném xuống biển bao nhiêu quả, ban đêm những người lính công binh gan dạ lại lặn xuống đáy nước tháo kíp, vô hiệu hóa bấy nhiêu quả. Chiến công thầm lặng của người lính để lại vùng biển sạch cho đến ngày nay.

Về làm phim, Vũ Phong Cầm đã từng đạt 2 giải Cánh diều phim Tài liệu, 1 giải Nhất toàn quốc phim Khoa học và đạt nhiều giải cao trong liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Cảm động nhất là bộ phim tài liệu: “Chuyện hai người lính”, tác phẩm đạt giải “Cánh diều Bạc” (cuộc thi phim Tài liệu năm ấy, không có tác phẩm đạt giải Cánh diều Vàng).

Nội dung phim kể về thân phận 2 trai làng cùng tòng quân ra mặt trận, trong những năm ác liệt của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Một người chết trong khi làm nhiệm vụ mà trên 40 năm nay không được tôn vinh là liệt sĩ. Người kia 30 năm mang danh liệt sĩ, lại đường đột “độn thổ” trở về.

Đề tài về chiến tranh, chuyện về người lính tử trận mất tin - mất tích lâu năm nay trở về địa phương đã được truyền thông nói nhiều. Và đâu đó, việc giải quyết chế độ chính sách với người có công chưa tốt… Song bộ phim “Chuyện hai người lính” này có cách thể hiện riêng. Tác giả vẽ chân dung 2 người lính, thân phận éo le của 2 cuộc đời lúc đan xen, lúc tách biệt, để so sánh, để đối chứng, làm nổi bật chủ đề phim.

Hai người lính: Nguyễn Văn Sinh, quê ở một làng chài trên vịnh Hạ Long, nhập ngũ ngày 7/6/1972 vào Tiểu đoàn pháo Cao xạ 243, đơn vị vừa huấn luyện vừa chiến đấu; bị thương trong khi đào hầm hào xây dựng công sự. Dù đơn vị đưa đi cứu chữa tại Bệnh viện dân y dã chiến gần nơi đóng quân, nhưng vết thương quá nặng, đã cướp đi sinh mạng Nguyễn Văn Sinh vào ngày 26/7/1972. Gia đình chỉ được hưởng chế độ tử sĩ, nhận một “cục” 70 VNĐ. Trên 40 năm qua, gia đình và đồng đội vẫn đề nghị và mong chờ Nguyễn Văn Sinh được công nhận là liệt sĩ, nay vẫn chưa được.

Còn người lính kia mang danh liệt sĩ trên ba chục năm, nay lại tìm về. Ông là Phạm Văn Ngọc sinh năm 1955, quê ở ngoại thành Hải Phòng, nhập ngũ tháng 2/1973, ở Trung đoàn 742, Sư đoàn 310, quân tình nguyện chiến đấu ở nước bạn Campuchia. Tháng 4/1979, đơn vị chiến đấu chống tàn quân Pôn Pốt ở huyện Đầm Pe, tỉnh Công Pông Chàm. Chiến sự ác liệt, đơn vị thương vong nhiều, tưởng như ông Ngọc đã tử trận và mất xác. Sự việc hy hữu từ đống thi thể binh sĩ cả ta lẫn địch ở bãi chiến trường, ông Ngọc tỉnh dậy được nhân dân địa phương đưa về khe bản cứu chữa, từ đó mà lạc đơn vị.

Thương tích trên người ông Phạm Văn Ngọc nặng nhất là chấn thương não. Mất trí nhớ, 30 năm sống dở dại lưu lạc ở nước bạn. Mãi gần đây trí nhớ phục hồi, ông mới biết gốc gác của mình và lặn lội tìm đường về quê nhà. Ông Ngọc về địa phương không giấy tờ tùy thân, chính quyền không biết xử lý thế nào cho phù hợp. Bởi người sống không thể hưởng chế độ liệt sĩ được. Thương binh không phải. Quân nhân phục viên cũng không. Binh sĩ tại ngũ cũng không đơn vị nào nhận. Phạm Văn Ngọc hết tuổi lao động, nửa khôn nửa dại, trên cơ thể có nhiều thương tích của đạn bom để lại, đời sống khó khăn.

Bộ phim đã nêu nhân chứng cụ thể, nhưng không sa đà bới lông tìm vết, cay ca oán giận… mà coi đó là sự bất cập trong cơ chế chính sách cần có sự nhìn nhận, điều chỉnh cho phù hợp. Cách thể hiện dung dị, mộc mạc nêu những vấn đề tồn tại sau chiến tranh, những mảnh đời bất hạnh mà người ở trong cuộc chiến cảm nhận, người ở ngoài cuộc chiến nhìn vào. Chiến tranh đã đi qua gần một phần hai thế kỷ, dư chấn còn để lại nỗi đau cho bao người.

Tác giả khai thác chi tiết sự khác nhau, sự giống nhau giữa 2 người lính. Hai người lính giống nhau cùng sinh một năm; cùng mồ côi cha, nhà nghèo, đường học hành dang dở, cùng tình nguyện lên đường tòng quân trong thời đánh Mỹ. Khi lên đường cùng chưa mối tình đầu.

Và sự khác nhau giữa họ là: Người lính Nguyễn Văn Sinh, nụ hôn đầu đời không kịp dành cho người bạn gái, mà dành cho đá núi - cho đất mẹ Việt Nam. Có chăng, người lính ra đi không về này cũng đã thầm yêu trộm nhớ. Tình yêu của họ chỉ cảm nhận được trong buổi chia tay lên đường nhập ngũ. Dù không nói lên lời, nhưng họ gửi gắm cho nhau ánh mắt lệ rơi chan chứa yêu thương.

Còn Phạm Văn Ngọc, khi lâm nạn đã từng được làm chú rể. Có 6 ngày nếm hương vị ngọt ngào tình yêu đôi lứa của 15 ngày phép đơn vị cho về trước khi vào Nam chiến đấu. Chi tiết này nhiều bạn trẻ cho là hài hước, thiếu logic, trước nói khi lên đường nhập ngũ họ chưa có mối tình đầu, sau lại nói Ngọc đã có 6 ngày làm chồng trước khi ra trận. Không có tình yêu, sao có hôn nhân? Chỉ những người cùng thời mới thấu hiểu, bùi ngùi nhớ lại thời chiến. Bao người lính trong 15 ngày phép đơn vị cho về trước khi vào Nam chiến đấu, cha mẹ vội vã cưới vợ cho con, phòng khi người lính ra đi vĩnh viễn, còn để lại giọt máu đào. Nhiều đám cưới chú rể làng trên, cô dâu xóm dưới trước ngày hôn lễ họ còn không quen biết nhau. Đằng sau lễ cưới nhà binh biết bao cô gái làm dâu không chồng. Biết bao đứa trẻ bố hy sinh ngoài mặt trận không được hưởng chế độ con liệt sĩ, chỉ vì cha mẹ chúng lấy nhau chưa kịp làm giấy kết hôn. Bao người vợ liệt sĩ vừa lên xe hoa tái giá, chồng đường đột “độn thổ” tìm về. Bao bi kịch dở khóc, dở cười.

Còn gì buồn hơn khi “người về bến cũ, đò đã sang sông”, Ngọc trở về quê hương, mang “hồn người chết - da kẻ sống”, vợ đã đi lấy chồng. Cuộc đời còn biết bao sự trớ trêu, bao bi kịch, bao đau thương mất mát do chiến tranh để lại. Còn gì đau khổ hơn hai bà mẹ cùng sinh một năm, cùng cảnh đời “mẹ góa con côi”, cùng nước mắt rơi, bàn tay run rẩy, nỗi đau xé lòng, trái tim rỉ máu... Hình ảnh chân thật, ngôn ngữ diễn đạt dung dị mộc mạc, giàu cảm xúc, đầy tính nhân văn và giá trị chân thực.

Ông Phạm Văn Ngọc (cảnh trong phim “Chuyện hai người lính”).

Bộ phim “Chuyện hai người lính”, tác giả đã kết hợp hài hòa sự “kể cái gì - kể thế nào” qua việc khai thác chất liệu trong đề tài chiến tranh, mảnh vườn vốn đã quá nhiều thế hệ đồng nghiệp cuốc xới, nhưng vẫn thấy mới, cảm động bởi sự bất hạnh kia của 2 người lính chỉ là cái cớ. Cuộc chiến tranh khốc liệt, người lính ra đi còn để lại nỗi đau cho bao người. Tác giả diễn đạt chân phương về sự khác nhau và giống nhau giữa 2 người lính, sự khác nhau và giống nhau của 2 bà mẹ chiến sĩ… cuốn hút người xem.

Đây là một tác phẩm giàu tính nhân văn, tinh thần xây dựng, không phàn nàn ca thán chế độ đãi ngộ với người có công. Một thông điệp nhắc nhở chúng ta đừng lãng quên quá khứ và kêu gọi các cấp, các ngành, toàn xã hội cùng chăm lo đền ơn đáp nghĩa những người có công trong kháng chiến giữ nước vẻ vang của dân tộc.

Nhà báo Vũ Phong Cầm được đồng nghiệp cảm nhận là một cây bút nặng lòng với lịch sử.

NSND Lương Đức

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/van-hoa-the-thao/vu-phong-cam-cay-but-nang-long-voi-lich-su.html