Vụ phi công Vietnam Airlines đồng loạt xin nghỉ việc: Bài học cho cả đôi bên

Không lâu sau khi đơn kiến nghị của nhóm phi công được công bố, Vietnam Airlines đã phát đi thông báo tăng lương cho phi công từ ngày 1/6. Tuy vậy, để tránh hiện tượng này xảy ra trong thời gian tới, DN và người lao động cần phải tìm được tiếng nói chung.

Phía lãnh đạo DN khẳng định, việc tăng lương là theo định kỳ, được áp dụng cho tất cả các nhân viên trong hãng chứ không riêng phi công. Tuy nhiên, qua sự việc trên có thể thấy nếu cả người lao động và đơn vị sử dụng lao động cùng tiếp cận và giải quyết khúc mắc theo hướng thiện chí và hài hòa lợi ích cho cả đôi bên, mọi bất đồng đều có thể được giải quyết.

 Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc vì chê lương thấp. Ảnh: Thanh Bình

Hàng loạt phi công của Vietnam Airlines xin nghỉ việc vì chê lương thấp. Ảnh: Thanh Bình

Nghỉ việc đồng loạt vì lương thấp
Đầu tháng 6/2018, thông tin về việc 16 phi công có đơn kiến nghị lên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình tố đơn vị chủ quản là Vietnam Airlines không cho họ nghỉ việc để chuyển công tác đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Trong đơn, nhóm phi công cho rằng Vietnam Airlines đã dựa vào một số nội dung trong Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017 do Bộ GTVT ban hành để “gây khó dễ” là vi phạm Bộ luật Lao động. Hai trong số những nội dung được nhóm phi công đề cập chi tiết nhất là quy định nhân viên hàng không có trình độ cao muốn thôi việc phải báo trước 120 ngày và quy định khi chuyển công tác, phi công phải bồi hoàn cho đơn vị chủ quản toàn bộ chi phí đào tạo.

Đào tạo phi công là lĩnh vực đặc thù
Đào tạo phi công là lĩnh vực đặc thù và tốn kém, do đó quy định phi công khi nghỉ việc phải báo trước 120 ngày cũng như phải bồi hoàn chi phí đào tạo là đúng. Thông tư 41/2015 và Thông tư 21/2017 được Bộ GTVT xây dựng trên cơ sở căn cứ vào nhiều văn bản pháp luật trong đó có Luật Hàng không, đồng thời đã xin ý kiến của các bộ, ngành khác.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ

Nguyên nhân chính dẫn đến việc nhóm phi công đồng loạt xin nghỉ việc là vì mức lương họ đang được nhận thấp hơn so với các đồng nghiệp đang công tác tại những hãng hàng không trong nước khác và chỉ bằng 60 – 70% so với phi công nước ngoài. Ngoài ra, chế độ đãi ngộ về ngày nghỉ của phi công Vietnam Airlines cũng thiệt thòi hơn (phi công nước ngoài làm việc 6 tuần sẽ được nghỉ một tuần trong khi số tuần làm việc trước khi được nghỉ của các phi công “nội” ở Vietnam Airlines lên đến 9 tuần).
Trả lời về vấn đề này, ông Dương Trí Thành – Tổng Giám đốc Vietnam Airlines cho hay, chế độ đãi ngộ đối với phi công nước ngoài mà hãng đang áp dụng đều căn cứ theo mặt bằng chung của thị trường lao động quốc tế. Ông Thành khẳng định, thời gian qua, hãng luôn cố gắng điều chỉnh lương cũng như chế độ làm việc ngày một tốt hơn cho phi công trong nước. Đặc biệt, từ ngày 1/6, hãng đã áp dụng các chế độ mới cho toàn Tổng công ty, trong đó, phần tăng lương cao nhất dành cho phi công. Đợt điều chỉnh lương lần này đã được nghiên cứu từ năm 2017, căn cứ vào nguồn thu cũng như kế hoạch đầu tư phát triển của Tổng Công ty.

Cần tiếp thu ý kiến, nguyện vọng của phi công
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên cao cấp Đại học GTVT cho rằng, nguyên lý chung của sự việc chính là vấn đề hợp đồng lao động. Nếu người lao động được đơn vị chủ quản cấp kinh phí cho đi học để nâng cao trình độ chuyên môn hoặc đạt được những văn bằng, chứng chỉ nào đó theo đúng yêu cầu của cơ quan, thì trong hợp đồng lao động sẽ có điều khoản ràng buộc về thời gian công tác tại đơn vị chủ quản cũng như mức đãi ngộ riêng cho phù hợp.

“Theo thông lệ hiện nay, nếu anh đi đào tạo bằng ngân sách Nhà nước, thì đương nhiên anh phải phục vụ cho cơ quan cử anh đi học sau khi hoàn thành khóa học đó. Thường thì thời gian cam kết phục vụ cho cơ quan chủ quản ít nhất bằng thời gian người lao động đi học. Còn nếu phá vỡ quy định trên, đương nhiên người lao động phải bồi hoàn chi phí đào tạo cho cơ quan chủ quản. Điều này sẽ được quy định cụ thể trong nội dung hợp đồng” - GS.TS Từ Sỹ Sùa cho biết.
Trở lại với vấn đề đang xảy ra tại Vietnam Airlines, GS.TS Từ Sỹ Sùa cho rằng, để làm sáng tỏ ai đúng ai sai chỉ cần căn cứ vào nội dung cụ thể trong hợp đồng của Vietnam Airlines với từng phi công. “Nếu trong hợp đồng có thỏa thuận về mặt đào tạo, đương nhiên phi công đó phải tuân thủ những điều khoản này, cũng như những quy định mà Bộ GTVT và Vietnam Airlines quy định. Trường hợp xác định việc phi công nghỉ việc là vi phạm những điều khoản trong hợp đồng, thì phi công đó phải chịu phạt theo hợp đồng” - GS Từ Sỹ Sùa nhận định.
Ông Lê Đình Thọ - Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết, sau khi nắm được thông tin sự việc trên, Bộ GTVT đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam làm rõ và yêu cầu Vietnam Airlines báo cáo chi tiết sự việc. Thứ trưởng Lê Đình Thọ cũng lưu ý Vietnam Airlines giải quyết sự việc theo đúng hợp đồng, đúng pháp luật và trên tinh thần hợp tình, hợp lý, tiếp thu ý kiến của cán bộ nhân viên để xem xét.

Nếu thấy có bất cập phải điều chỉnh, có khó khăn cần chia sẻ cũng phải nói rõ để cán bộ, nhân viên hiểu. “Hiện nay, lực lượng phi công có khoảng trên 1.000 người, do đó cần sớm giải quyết sự việc để ổn định tinh thần cho anh em phi công” - Thứ trưởng Thọ nhấn mạnh.
Nhiều chuyên gia nhìn nhận, từ hiện tượng phi công đồng loạt xin nghỉ việc cho thấy, không chỉ Vietnam Airlines mà các DN trong lĩnh vực khác cũng cần thường xuyên đối thoại để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người lao động. Qua đó, kịp thời sửa đổi chính sách đãi ngộ cho phù hợp bằng lương, thưởng và sự ràng buộc trong thực thi nhiệm vụ, công việc thông qua hợp đồng lao động. Có như vậy, giữa DN và người lao động mới giảm bớt những khiếu nại không đáng có.

Quý Nguyễn

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/vu-phi-cong-vietnam-airlines-dong-loat-xin-nghi-viec-bai-hoc-cho-ca-doi-ben-318703.html