Vụ ông Vũ Huy Hoàng: 'Cảnh cáo chưa đảm bảo răn đe'

Cần làm nghiêm, không loại trừ bất cứ ngoại lệ nào, chức vụ nào, theo đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim...

Đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim bên hành lang Quốc hội.

“Phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở pháp luật, còn dừng ở những vấn đề chung thì tôi nghĩ tôi không hài lòng”, đại biểu Quốc hội Vũ Trọng Kim trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội liên quan đến kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị cảnh cáo nguyên Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

Đại biểu Vũ Trọng Kim hiện là Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Thưa ông, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương cho thấy vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng như có biểu hiện vụ lợi, gây hậu quả nghiêm trọng... đều liên quan đến quy định tại một số điều khoản của Bộ luật Hình sự thì cơ quan điều tra có nên khởi tố để làm rõ những vấn đề đã được nêu ở kết luận hay không?

Theo tôi thì phải làm cụ thể chứ không nên dừng ở kết luận chung vì sai phạm được nêu tại kết luận vi phạm các quy định nhà nước, đặc biệt là động chạm quy định của Bộ luật Hình sự và xâm phạm đến lợi ích chung. Đấy là cái tôi tỏ thái độ.

Vậy có cơ sở khởi tố hay không, thưa ông?

Phải khởi tố điều tra mới có có cơ sở pháp luật, còn dừng ở những vấn đề chung thì tôi nghĩ tôi không hài lòng.

Kết luận của Ủy ban Kiểm tra nêu mức độ vi phạm của ông Vũ Huy Hoàng là rất nghiêm trọng, như có biểu hiện vụ lợi, gây hậu quả nghiêm trọng , nhưng xử lý lại ở mức độ cảnh cáo, dư luận cho rằng với người về hưu thì hình thức kỷ luật này không có nhiều ý nghĩa, đại biểu bình luận thế nào?

Cảnh cáo là hình thức chưa đảm bảo cho sự răn đe với tội phạm, đây chưa nói là tội phạm nhưng cần làm rõ những dấu hiệu như đã nêu tại kết luận, như thế thì mới mong rằng cuộc đấu tranh chống tham nhũng và lợi dụng chức quyền đi đến nơi đến chốn. Như thế mới giải quyết rốt ráo.

Nếu đã kết luận việc ông Vũ Huy Hoàng bổ nhiệm con trai là vụ lợi và quy hoạch cán bộ sai thì giải quyết hệ quả thế nào? Có nên thu hồi quyết định bổ nhiệm không?

Tôi không nói cụ thể được biện pháp vì xử lý hành chính hay áp dụng những bắt buộc của pháp luật thì phải trên cơ sở làm kỹ hơn, đầy đủ hơn.

Khi Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban bành kết luận về việc của ông Vũ Huy Hoàng thì Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng gửi đến các vị đại biểu báo cáo thẩm tra về công tác phòng chống tham nhũng năm 2016 có đề cập việc cơ chế kiểm soát quyền lực lỏng lẻo hiện nay dẫn đến tham nhũng. Trường hợp của ông Vũ Huy Hoàng có thể coi là một điển hình cho thấy việc kiểm soát quyền lực chưa tốt, theo quan điểm của ông?

Tôi nghĩ là xã hội đều biết anh đề bạt, cất nhắc, bố trí cán bộ như thế, những việc như vậy rõ ràng không thể là vô tư, trong sáng được. Chính vì thế nên việc này cần xem xét làm rõ trách nhiệm.

Đúng là thực tế cơ chế kiểm soát quyền lực chưa tốt, và giờ mình phải hoàn thiện hệ thống pháp luật để kiếm soát quyền lực rõ hơn, cụ thể hơn, hiệu quả hơn thì mới tránh được sự lạm quyền.

Công tác ở Ủy ban mặt trận Tổ quốc đã lâu, kỳ nào cũng nghe những kiến nghị của cử tri về việc phòng chống tham nhũng chưa hiệu quả. Quốc hội cũng nhiều lần đề cập việc này nhưng đến giờ Ủy ban Tư pháp vẫn tiếp tục phải yêu cầu Chính phủ phải có cơ chế kiểm soát quyền lực tốt hơn. Ông bình luận thế nào việc này?

Pháp luật không đương nhiên mà có, tức phải hình thành dần dần qua quá trình. Hiện ta chưa thể nói ta có một hệ thống pháp luật hoàn thiện. Chúng ta cũng đang kêu gọi những sáng kiến pháp luật để làm minh bạch, kiểm soát tốt quyền lực để tránh lạm dụng làm những điều ảnh hưởng đến xã hội.

Nguyên Vũ

Nguồn VnEconomy: http://vneconomy.vn/thoi-su/vu-ong-vu-huy-hoang-canh-cao-chua-dam-bao-ran-de-20161025102831735.htm