Vụ ông Nguyễn Hữu Linh bị truyền thông 'săn đuổi': Lấy cái sai để lên án cái sai?

Không thể nhân danh bảo vệ công lý để lấy cái sai này lên án cái sai khác. Và, cũng không thể vì muốn dẹp bỏ cái xấu này mà tạo ra cái xấu khác.

Ngày 25/6/2019, TAND quận 4, TP HCM đã đưa bị cáo Nguyễn Hữu Linh, nguyên Phó Viện trưởng Viện KSND TP Đà Nẵng, ra xét xử về tội “Dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”. Sau hơn 2 giờ xét xử kín, TAND quận 4 quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Thế nhưng, dường như ông Linh đã phải nhận một bản án vô cùng khắc nghiệt từ những “quan tòa online”, từ báo chí, từ dư luận. Ngay từ 7h sáng, hình ảnh ông bị vây kín giữa “rừng” ống kính đã được đăng tải tràn lan trên các phương tiện truyền thông. Khoảng chừng một tiếng sau, trên mạng xã hội xuất hiện clip ghi lại cảnh ông Linh bị “săn đuổi” từ sân Tòa, qua 4 nhịp cầu thang rồi vào tận... toillet.

Phía dưới các bài viết, hình ảnh và clip ấy là hàng trăm hàng ngàn ý kiến bày tỏ sự hả hê, khoái trá và phấn khích.

Lên án, đấu tranh, không thỏa hiệp với cái sai để xã hội tốt hơn, công bằng hơn là điều nên làm, nhưng không thể nhân danh bảo vệ công lý để lấy cái sai này lên án cái sai khác. Và, cũng không thể nhân danh dẹp cái xấu bằng cách làm ra cái xấu khác.

Với một vụ án được dư luận quan tâm như vụ ông Linh thì việc có nhiều người chờ đợi theo dõi thông tin cũng là điều dễ hiểu. Song, cái cách báo chí, truyền thông “săn lùng” và sử dụng hình ảnh ông Linh một cách bừa bãi, tùy tiện như thế không chỉ phản cảm, bất nhẫn mà còn vi phạm về quyền nhân thân, hình ảnh của bị can, bị cáo.

Bởi, theo quy định, bị can, bị cáo chỉ bị hạn chế hoặc bị tước bỏ một số quyền dân sự, nhưng không hề có quy định nào tước bỏ quyền về hình ảnh cá nhân. Như vậy, việc sử dụng hình ảnh của bị cáo trước phiên tòa, hay tại thời điểm Tòa đang xét xử cần được bảo vệ theo quy định của pháp luật.

“Theo pháp luật dân sự hiện nay, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình; không ai được phép đăng tải, phát tán hình ảnh của cá nhân khi không được sự đồng ý của họ. Còn việc chụp hình, ghi hình bị cáo trong lúc Tòa án đang xét xử, thì phải có sự cho phép của Chủ tọa phiên tòa, theo đúng hướng dẫn của Thông tư số 02/2017/TT-TANDTC, ngày 28 tháng 7 năm 2017 của Chánh án TANDTC. Tuy nhiên, nhà báo cũng phải chịu trách nhiệm về bài viết, nội dung, hình ảnh nếu ảnh hưởng tới các bị cáo”, Luật sư Nguyễn Tiến Sâm, Đoàn Luật sư Hà Nội, chia sẻ.

Cũng theo Luật sư Sâm, dựa trên nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.

“Đến giờ này, ông Linh vẫn chưa bị xác định là có tội. Cộng đồng mạng không thể vì bất cứ lý do để nhân danh công lý, nhân danh đám đông đăng tải hình ảnh, kết tội ông ta khi chưa bị Tòa kết án bằng một bản án có hiệu lực pháp luật. Việc kết án là quyền của Tòa án chứ không phải của đám đông và mạng xã hội”, Luật sư Sâm khẳng định.

Còn Luật sư Nguyễn Thị Kim Anh, Đoàn Luật sư Hà Nội, khẳng định: “Tôi tin rằng, nếu hành vi của ông Linh là trái pháp luật thì sẽ được Tòa phán quyết và ông ta phải trả giá cho những hành vi trái pháp luật của mình. Pháp luật luôn công bằng và không có vùng cấm cho bất cứ ai. Nhưng pháp luật cũng quy định, chỉ Tòa án - nơi những người được trao quyền nhân danh nhà nước mới có quyền phán xét hành vi nào có tội. Xử sự với tội phạm như cái cách nhiều người đang làm, không phải là một lối hành xử văn minh, nhân văn mà ngược lại, nó gây ra sự phản cảm”.

Theo chị Kim Anh, mỗi người cũng cần thận trọng trong cách bày tỏ quan điểm, ý kiến cá nhân của mình, bởi không cẩn thận rất có thể phạm vào tội Làm nhục người khác được quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, có hiệu lực thi hành ngày 01/01/2018.

Ông Linh bị “săn đuổi” khi đến Tòa vào sáng 25/6

Ông Linh bị “săn đuổi” khi đến Tòa vào sáng 25/6

“Không chỉ riêng ở vụ ông Linh, mà trong các vụ án khác, báo chí, truyền thông cần tôn trọng và tuân thủ pháp luật. Việc pháp luật quy định bảo vệ quyền hình ảnh cho các bị cáo cũng là có lý do, bởi lẽ việc bị cáo bị truy tố xét xử hôm nay chưa hẳn là có tội. Nếu báo chí, truyền thông đăng tải hình ảnh của họ một cách bừa bãi thì ngay cả khi được Tòa tuyên vô tội, bị cáo cũng sẽ bị tổn hại đến danh dự, nhân phẩm và uy tín ít nhiều”, Luật sư Kim Anh lập luận.

Đất nước thượng tôn pháp luật, bất cứ hành vi sai quấy của cá nhân nào sớm muộn cũng bị trừng phạt. Song, đằng sau mỗi bị can, bị cáo còn có người thân, ruột ràng máu mủ. Những người đó, họ đâu có tội tình gì?

Như trong vụ án nói trên, hình ảnh ông Linh thất thần hoảng hốt, cắm cúi chạy trốn truyền thông có lẽ là “bản án” đau xót nhất mà cha mẹ, vợ con ông phải nhận.

Thế nên, đối với những phóng viên pháp đình, không chỉ đơn thuần là đưa tin, tường thuật vụ án, lên án cái xấu, cái ác, điều quan trọng là giúp độc giả có cái nhìn đa chiều và khơi gợi ở họ niềm tin vào công lý. Làm sao để đằng sau mỗi con chữ, mỗi tấm hình đều thắp lên ít nhiều ngọn lửa của lòng nhân và điều thiện, thắp lên tình yêu thương giữa con người với con người.

Tiếc là, vì chạy theo sự tò mò, hiếu kỳ của đám đông, muốn tạo ra sự chú ý, nhiều phóng viên pháp đình, nhiều cơ quan báo chí, truyền thông đang ngày càng lạm dụng, sa đà vào việc khai thác đời tư của các bị can, bị cáo, chưa thực sự xem trọng vấn đề quyền con người, quyền riêng tư của nhân vật trong khi tác nghiệp. Thậm chí người ta còn phơi hết thảy “thâm cung bí sử” của thân nhân người phạm tội lên mặt báo.

Lấy đời tư người khác làm mồi nhử, câu view, tức là “anh tuyên truyền pháp luật lại đi phạm luật”. Cách khai thác thông tin như thế không chỉ tạo ra những hiệu ứng tiêu cực trong cộng đồng, mà nó còn khơi xoáy thêm nỗi đau của nhiều người vô tội khác và góp phần làm sai lệch thẩm mỹ, tư duy trong công chúng.

N.Hoàng

Nguồn CL&XH: http://conglyxahoi.net.vn/doi-song/vu-ong-nguyen-huu-linh-bi-truyen-thong-san-duoi-lay-cai-sai-de-len-an-cai-sai-22892.html