Vụ nước sách nhiễm dầu thải: Chuyên gia 'soi' trách nhiệm của từng Bộ, địa phương

Từ sự cố nước sạch từ Công ty nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu thải đã bộc lộ những lỗ hổng trong việc quản lí nhà máy nước sạch của cơ quan quản lí.

PGS.TS Lưu Đức Hải. Ảnh ĐH.

PGS.TS Lưu Đức Hải. Ảnh ĐH.

Từ sự cố nước sông Đà nhiễm dầu thải, PGS.TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) đã chỉ ra những lỗ hổng trong việc quản lí nguồn nước sạch.

Thứ nhất, theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP về quy định về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch do Chính phủ ban hành quy định Bộ Xây dựng và UBND địa phương có quyền chỉ định đơn vị cung cấp nước sạch nhưng hiện nay 2 cơ quan này không có quyền chi phối đơn vị cung cấp nước sạch. Bởi ban đầu Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà thuộc sở hữu của Vinaconex, nhưng năm 2017, Vinaconex thoái vốn tại Nước sạch sông Đà và bán toàn bộ cổ phần.

Hiện nay, Tổng công ty cổ phần thiết bị điện Việt Nam (Gelex) nắm giữ 60,46% cổ phần và Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) nắm giữ 35,95% cổ phần. Từ thực tế này, PGS TS Lưu Đức Hải, nguyên Chủ nhiệm khoa Môi trường (trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội) nhận định: “Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch Sông Đà đã cổ phần hóa và thuộc quyền sở hữu của doanh nghiệp nên Nhà nước hết vai trò chỉ định cơ quan cấp nước sạch cho người dân”.

Thứ hai, đối với nước, hiện có 3 cơ quan cùng tham gia quản lí. Theo Nghị định 117 và Luật Bảo vệ môi trường thì nước sông thuộc quyền quản lí của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; nước mặt thuộc quyền quản lí của Bộ Xây dựng; nước ngầm thuộc quyền quản lí của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Bên cạnh đó, việc quy hoạch dự án nhà máy nước do Bộ Xây dựng thực hiện và trong quá trình xây dựng nhà máy nước phải xác định ranh giới an toàn, bao gồm: Nguồn nước ban đầu; hệ thống thiết bị nhà máy; đường ống dẫn nước. Tuy nhiên, theo PGS TS Lưu Đức Hải, hiện Nhà máy nước sông Đà không có ranh giới an toàn nên không thể tách nước lưu vực hồ ra khỏi nước sông Đà. Trong khi đó, toàn bộ nước thải của người dân và 2 trang trại nuôi lợn đều đổ xuống khu vực Đầm Bài- bể sơ lắng nguồn nước trước khi được xử lí của nhà máy nước sông Đà. Từ những phân tích này có thể thấy, lâu nay người dân Hà Nội dùng nước sông Đà lẫn với nước lưu vực sông.

Ví dụ, Nhà máy nước sạch sông Đuống có xây một hồ cách ly hoàn toàn nước sông Hồng và nước bên ngoài không thể xâm nhập vào hồ. Trước khi nước sông Hồng được đưa vào xử lý phải được bơm vào hồ này để phù sa lắng xuống, việc này nhằm giảm bớt chi phí xử lí nước cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, nhà máy nước sông Đà không có vùng cách ly an toàn như vậy. “Quá trình quy hoạch dự án như thế nào, Bộ Xây dựng đã làm gì khi xây dựng nhà máy nước sông Đà để “con voi chui lọt lỗ kim”. Dự án cấp nước phải được Bộ Tài nguyên và Môi trường thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường, tuy nhiên Hội đồng thẩm định không thấy được điều này hay sao mà để lại hậu quả như hiện nay”, PGS.TS Lưu Đức Hải đặt câu hỏi...

Thứ ba, lỗ hổng trong việc kiểm tra chất lượng nước sạch đầu ra. PGS TS Lưu Đức Hải thông tin, Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định rất rõ, nhà máy có lưu lượng nước thải 1000m3/ngày, đêm phải thực hiện quan trắc nước thải online. Đối với nhà máy nước khai thác nước ngầm Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng yêu cầu thực hiện quan trắc online. Trong khi đó, Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà cung cấp nước sạch từ nguồn nước mặt sông Đà về Hà Nội với công suất 300.000 m3/ngày, đêm nhưng Bộ Xây dựng lại không thực hiện quan trắc online. Đặc biệt, tình trạng này diễn ra ở tất cả nhà máy nước sạch trên cả nước.

PGS. TS Lưu Đức Hải cũng phân tích thêm: Theo Thông tư 41/2018/TT-BYT về Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia và quy định kiểm tra, giám sát chất lượng nước sạch sử dụng cho mục đích sinh hoạt do Bộ Y tế ban hành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền phải kiểm tra (ngoại kiểm) việc thực hiện các quy định về đảm bảo chất lượng nước sạch của đơn vị cấp nước định kỳ 1 lần/1 năm. Đối với trường hợp ngoại kiểm đột xuất được thực hiện trong các trường hợp sau: Khi có nghi ngờ về chất lượng nước thành phẩm qua theo dõi báo cáo tình hình chất lượng nước định kỳ, đột xuất của đơn vị cấp nước; Khi xảy ra sự cố môi trường có thể ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nước…

“Từ những phân tích trên có thể thấy, mỗi năm Bộ Y tế chỉ kiểm tra chất lượng nước của nhà máy 1 lần, còn lại giao cho doanh nghiệp cung cấp nước thực hiện, trong khi doanh nghiệp luôn đặt lãi suất lên hàng đầu. Chúng ta đầu tư cho y tế và nhiều thứ khác nhưng nước sạch ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân lại không được quan tâm mà phó mặc cho lương tâm của nhà sản xuất”, PGS TS Lưu Đức Hải nêu quan điểm.

PGS TS Lưu Đức Hải khẳng định: “Các lỗ hổng trong quản lí và cấp phép xây dựng nhà máy nước đang tồn tại ở nhà máy nước Công ty Cổ phần Đầu tư Nước sạch sông Đà và có lẽ còn ở các nhà máy nước khác nếu không được bịt lại thì sự cố môi trường sẽ tiếp tục diễn ra, có khi còn nặng nề hơn”.

Bên cạnh đó, dư luận chưa hết bức xúc sự vào cuộc chậm trễ của cơ quan chức năng từ vụ cháy tại Công ty Cổ phần bóng đen phích nước Rạng Đông, nay vụ việc nhiễm độc từ Nhà máy nước sạch sông Đà lại lặp lại sự châm trễ tương tự. Thông tin người dân phát hiện từ ngày 8/10 nhưng đến ngày 15/10 TP Hà Nội mới bắt đầu họp báo thông chất lượng nguồn nước và lấy mẫu nước xét nghiệm. Đến ngày 17/10, UBND tỉnh Hòa Bình mới bắt đầu vào cuộc điều tra tìm nguyên nhân nước bị nhiễm dầu thải. PGS TS Lưu Đức Hải khẳng định: “Từ thực tế này cho thấy lỗ hổng đối với cơ quan quản lí là chưa có quy trình xử lí sự cố môi trường nên rất lúng túng trong quá trình xử lí sự cố. Khi sự cố môi trường xảy ra nhưng chính quyền lúng túng, xử lí chậm đã tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội”.

Đỗ Hòa

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vu-nuoc-sach-nhiem-dau-thai-chuyen-gia-soi-trach-nhiem-cua-tung-bo-dia-phuong-113851.html