Vụ nước sạch nhiễm dầu độc: Luật sư ủng hộ việc kiện Công ty Cổ phần nước sạch sông Đà

Đánh giá về việc khởi kiện Công ty Cổ phần Đầu tư nước sạch Sông Đà (Viwasupco), luật sư Nguyễn Tiến Lập, Văn phòng Luật sư NH Quang và cộng sự cho biết việc này rất khó khăn nhưng vẫn có thể làm.

Nhiều khó khăn nhưng lại là cơ hội

Theo chia sẻ của luật sư Nguyễn Tiến Lập, về vụ người dân phải sử dụng nước nhiễm dầu thải của Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà, các cơ quan công quyền đều sẵn sàng giúp đỡ người dân nhưng “không có đường để đi” vì cơ chế bảo vệ quyền người tiêu dùng vẫn còn thiếu. Nếu người dân thực hiện kiện thì tòa án vẫn sẽ nhận nhưng xử lý được hay không lại là một câu chuyện khác.

Theo ý kiến của luật sư, việc khởi kiện Viwasupco sẽ không dễ dàng.

Theo ý kiến của luật sư, việc khởi kiện Viwasupco sẽ không dễ dàng.

Vị luật sư này cho biết, muốn khởi kiện được Viwasupco phải làm rõ 4 vấn đề lớn: Chứng minh có vi phạm hợp đồng; Chứng minh có thiệt hại (chứng minh nước của Viwasupco không thể dùng được, khó chứng minh thiệt hại về sức khỏe); Chứng minh yếu tố có lỗi và quan hệ nhân quả (chứng minh vi phạm của công ty cung cấp nước có gây thiệt hại).

“Tuy nhiên hiện người dân mở lại hợp đồng cung cấp nước nhà mình ra để xem có điều khoản nào để khởi kiện được không. Tuy nhiên, tôi ủng hộ việc người dân khởi kiện và nếu có ai nhờ đứng ra bảo vệ quyền lợi cho họ, tôi vẫn sẵn sàng”, luật sư này cho biết.

Luật sư Lập phân tích, nếu khởi kiện Viwasupco theo Luật bảo vệ người tiêu dùng cũng gặp nhiều khó khăn vì đây là khiếu kiện tập thể, rất khó tìm được người đứng ra nhận ủy quyền để theo đuổi vụ kiện (có thể sẽ kéo dài nhiều năm).

Dù khó khăn nhưng luật sư này cho rằng, việc khởi kiện vẫn có thể tiến hành và biến nó thành cơ hội, là động lực để các nhà lập pháp đưa ra đề xuất, khuôn khổ pháp lý khẩn cấp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân.

Chưa kể, việc khởi kiện này sẽ có tác động nhất định đến các bản thân Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà bởi DN khi bị kiện sẽ gặp sức ép về tài chính từ các đối tác đầu tư, ngân hàng, tổ chức tín dụng, sàn giao dịch chứng khoán và các cổ đông.

“Sức ép này có thể buộc DN phải cải thiện cung cấp dịch vụ nhằm giữ uy tín nếu không muốn ảnh hưởng đến doanh thu. Từ đó, họ có thể đưa ra chính sách hỗ trợ thiệt hại cho người dùng, những khách hàng đã phải dùng nước bẩn thời gian qua”, luật sư Lập phân tích.

Dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Công ty Cổ phần đầu tư nước sạch sông Đà có đang kinh doanh nước sạch hay không khi đầu vào DN dùng nước nhiễm dầu thải để sản xuất nước sạch, đầu ra cũng là nước nhiễm dầu thải? Liệu đây có phải là hành vi kinh doanh hàng giả, cần truy cứu trách nhiệm hình sự, luật sư Lập cho rằng, khó có thể nói đây là hành vi kinh doanh hàng giả bởi không có chuẩn để so sánh, đâu là sạch, đâu là chưa sạch. "Việc kết luận phải từ phía cơ quan điều tra", luật sư Lập nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo quan điểm một số luật sư khác thì việc Công ty Ðầu tư nước sạch Sông Ðà phát hiện việc đổ trộm dầu thải từ ngày 8/10/2019, nhưng không báo cáo ai, cũng không có hành động gì liên quan để ngăn chặn số dầu này, cứ để trôi vào nhà máy, dẫn đến nhiễm vào nguồn nước.

Với những thông tin bước đầu như vậy, hành vi của người có thẩm quyền thuộc VIWASUPCO có dấu hiệu của tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”, theo Ðiều 360, Bộ luật Hình sự, hoặc tội “Vi phạm quy định về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường”, theo Ðiều 237, Bộ luật Hình sự.

Về phía người dân sử dụng nước ô nhiễm do VIWASUPCO cung cấp, họ hoàn toàn có thể khởi kiện để yêu cầu công ty này bồi thường những thiệt hại mà họ phải gánh chịu do sử dụng nước ô nhiễm gây ra.

Khoản 1, Ðiều 584, Bộ luật Dân sự quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại như sau: “1. Người nào có hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của người khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường, trừ trường hợp Bộ luật này, luật khác có liên quan quy định khác”.

Luật sư Giang Hồng Thanh, Trưởng văn phòng Luật sư Giang Thanh nêu quan điểm, trong vụ việc này, rõ ràng sức khỏe, tài sản, quyền lợi hợp pháp của người dân đã bị xâm phạm do sử dụng nước máy bị ô nhiễm, vì vậy, họ có quyền khởi kiện DN cung cấp nước sạch.

Tuy nhiên, người dân cần phải chứng minh những thiệt hại cụ thể đối với mình, ví dụ, chi phí phải bỏ ra để mua nước sạch sử dụng, hoặc chi phí khám chữa bệnh phát sinh do sử dụng nước ô nhiễm... Tuy nhiên, những chi phí như vậy rất khó chứng minh và rất khó được bồi thường.

Một ảnh hưởng khác mà người dân phải gánh chịu, đó là thiệt hại về tinh thần. Trong những ngày vừa qua và kể cả trong tương lai dài, có không ít người ở trong tình trạng lo lắng, hoang mang do lo ngại những tác động xấu của nguồn nước ô nhiễm gây ra đối với bản thân và gia đình.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/vu-nuoc-sach-nhiem-dau-doc-luat-su-ung-ho-viec-kien-cong-ty-co-phan-nuoc-sach-song-da-113749.html