Vụ nước sạch có chứa chất bẩn: Người tiêu dùng có thể khởi kiện ra tòa yêu cầu bồi thường thiệt hại

Vụ người dân Hà Nội phải sử dụng nước sạch có chứa chất bẩn, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công thương) cho rằng: Trong trường hợp người tiêu dùng nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể làm đơn khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng thông tin, UBND thành phố Hà Nội đã và đang chỉ đạo các cơ quan liên quan xử lý vụ việc và cung cấp thông tin khuyến cáo đến người tiêu dùng. Theo thông tin mới nhất, phía công ty cung cấp nước sạch sau khi tiến hành các biện pháp súc sạc đường ống đã cung cấp lại nước sạch cho người tiêu dùng nhưng có khuyến cáo chưa sử dụng cho mục đích ăn uống.

Người dân tại một số quận của Hà Nội sử dụng nước sạch có chất bẩn.

Người tiêu dùng cần thường xuyên cập nhật thông tin để đảm bảo thực hiện đúng hướng dẫn cảnh báo nhằm đảm bảo sức khỏe, an toàn về tính mạng và tài sản của mình.

Trong trường hợp người tiêu dùng nhận thấy quyền lợi của mình bị xâm phạm, người tiêu dùng có thể làm đơn khởi kiện ra tòa để bồi thường thiệt hại theo quy định. Đặc biệt, theo quy định Luật Bảo vệ người tiêu dùng, người tiêu dùng có thể ủy quyền cho các Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tiến hành khởi kiện tập thể Công ty cung cấp nước sạch để đòi bồi thường theo quy định của pháp luật.

Trong trường hợp cần thêm thông tin, người tiêu dùng có thể liên hệ Tổng đài tư vấn, hỗ trợ người tiêu dùng 1800.6838 của Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng; Sở Công Thương, Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng các tỉnh, thành phố … để được tư vấn, hỗ trợ.

Theo quy định tại khoản 2 điều 8 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, người tiêu dùng có quyền "Được cung cấp thông tin chính xác, đầy đủ về tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ; nội dung giao dịch hàng hóa, dịch vụ; nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa; được cung cấp hóa đơn, chứng từ, tài liệu liên quan đến giao dịch và thông tin cần thiết khác về hàng hóa, dịch vụ mà người tiêu dùng đã mua, sử dụng." và tại khoản 8 điều 10 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về các hành vi bị cấm "8. Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng.".

Đặc biệt, tại khoản 3 điều 12 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng quy định về trách nhiệm của tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ trong việc cung cấp thông tin về hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng, cụ thể là việc các tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phải có trách nhiệm "Cảnh báo khả năng hàng hóa, dịch vụ có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng, tài sản của người tiêu dùng và các biện pháp phòng ngừa".

Như vậy, trách nhiệm của các doanh nghiệp khi cung cấp hàng hóa, dịch vụ cho người tiêu dùng là phải đảm bảo chất lượng theo các quy định hiện hành và cung cấp các thông tin cảnh báo cho người tiêu dùng và đưa ra các biện pháp phòng ngừa ngay khi phát hiện ra khả năng hàng hóa, dịch vụ do mình cung cấp có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của người tiêu dùng.

Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng cho biết, căn cứ theo quy định của pháp luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, đối với các vụ việc xảy ra trên cùng một tỉnh, thành phố, trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng sẽ được giao cho UBND cấp tỉnh/thành phố.

Thực hiện vai trò của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tại trung ương, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Cục CT&BVNTD), Bộ Công Thương trong thời gian qua đã và đang tích cực cập nhật, tham gia phối hợp với các cơ quan liên quan nêu trên nhằm đảm bảo quyền của người tiêu dùng. Đồng thời, Cục cũng tiến hành thông tin hướng dẫn, tư vấn cho người tiêu dùng thông qua tổng đài miễn phí 18006838 để đảm bảo quyền và lợi ích của các bên có liên quan.

Như Báo Dân sinh đã phản ánh, từ ngày 9/10, người dân sống tại khu đô thị Linh Đàm, chung cư Kim Văn - Kim Lũ và các khu dân cư ở Hoàng Mai, Thanh Trì, Nam Từ Liêm, Hà Đông... hoang mang khi nhận thấy rõ mùi khét khó chịu như mùi nhựa cháy trong nước sinh hoạt của gia đình. Sang đến những ngày sau, nước có mùi khét nồng nặc như mùi nhựa cháy.

Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hòa Bình cho biết, một con suối chảy qua xã Phú Minh (huyện Kỳ Sơn, Hòa Bình) xuất hiện rất nhiều dầu. Đáng chú ý, con suối này cách kênh dẫn nước của nhà máy nước sạch sông Đà chỉ 800m. Cơ quan công an đã quyết định khởi tố vụ án.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/vu-nuoc-sach-co-chua-chat-ban-nguoi-tieu-dung-co-the-khoi-kien-ra-toa-yeu-cau-boi-thuong-thiet-hai-20191018095609828.htm