Vụ nước Lavie mọc rêu, kiến chết bất thường: Luật sư phân tích dấu hiệu vi phạm pháp luật của công ty TNHH Lavie

Thời gian gần đây, trên mạng xã hội có xuất hiện thông tin nước tinh khiết Lavie không đảm bảo chất lượng. Qua nhiều sự việc mà khách hàng 'tố' nước Lavie bẩn, phía Lavie không có lời giải thích thỏa đáng càng thể hiện sự thiếu trách nhiệm, thách thức cơ quan chức năng của công ty TNHH Lavie. Theo đó, các chuyên gia luật cho rằng, Lavie có dấu hiệu vi phạm pháp luật cũng như vi phạm đạo đức trong kinh doanh.

Nguồn nước Lavie đang dùng liệu có thật sự sạch, tươi như quảng cáo?

Lavie luôn quảng cáo là nước tinh khiết khởi đầu bằng những giọt mưa tại những vùng núi xa xăm cách đây hàng trăm năm, được đóng chai với công nghệ hiện đại của Nestle Waters, chứa nhiều khoáng chất với hàm lượng nhẹ và giữ nguyên sự tinh khiết của nước từ các mạch nước ngầm rất sâu. Liệu Lavie quảng cáo như vậy có đúng sự thật hay không hay chỉ là chiêu trò móc túi người tiêu dùng?

Lavie luôn quảng cáo là nguồn nước khoáng đạt độ tinh khiết nhất định được chắt lọc từ thiên nhiên

Điểm lại rất nhiều trường hợp mà khách hàng tố nước Lavie bẩn, mọc rêu, có kiến chết, muỗi chết, mầm cây…nhiều khách hàng cho rằng nước Lavie không hoàn toàn tinh khiết như quảng cáo?

Chị Nguyễn Thủy (Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: " Tôi uống Lavie thấy nước cứ lợm lợm khó uống nhưng thấy quảng cáo là đạt tinh khiết với nhiều người uống nên cũng uống, nhưng giờ nghe mấy vụ việc về Lavie tôi cũng không dám đùa với mạng sống của mình nữa, nước khoáng chắt lọc từ thiên nhiên tinh túy gì mà lại có nhiều dị vật ở trong như vậy? Có mà nước ngầm, mà nước ngầm thì hay bị ô nhiễm lắm".

Đồng quan điểm, anh Trịnh Luân ( Cầu Giấy, Hà Nội) cũng cho rằng: Làm gì mà có nước khoáng nhiều như vậy, chẳng qua là nước ngầm hoặc nước máy rồi lọc. Nhưng tôi nghĩ vấn đề quy trình lọc nước, vệ sinh của Lavie cũng chưa tốt".

Như tất cả các sản phẩm của Nestlé, nước khoáng thiên nhiên Lavie cũng được nhà sản xuất cam kết đặt vấn đề chất lượng, an toàn và sức khỏe người tiêu dùng lên hàng đầu. Tuy nhiên, thực tế thì khách hàng nhận được chỉ là sự thất vọng khi hãng nước này không có một lời giải thích và xin lỗi thỏa đáng tới người tiêu dùng và khắc phục sự cố, rút kinh nghiệm, mang lại sản phẩm tốt hơn cho người tiêu dùng. Lần này qua lần khác, ông lớn Lavie vẫn liên tục bị khách hàng tố nước bẩn, không sạch như quảng cáo mà mới đây nhất là trường hợp của anh Phạm Tuấn Anh ( Linh Đàm, Hà Nội) và chị Cẩm Tú (Thường Tín, Hà Nội) tố Lavie có dị vật bất thường ở bình nước còn chưa mở nắp.

Kiến chết nổi lềnh bềnh trong bình nước Lavie 19 lít

Về vấn đề này, trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Tú, giám đốc công ty luật Fanci cho rằng: “Trong trường hợp Lavie không chứng minh được nguồn nước khoáng sạch được chắt lọc từ thiên nhiên thì họ đang có dấu hiệu vi phạm pháp luật về quảng cáo và lừa dối người tiêu dùng, vi phạm đạo đức trong kinh doanh".

Lừa dối người tiêu dùng, đánh mất lương tâm người bán hàng nhưng Lavie lúc nào cũng quảng cáo, kiên định với một mục đích duy nhất: Nước khoáng thiên nhiên Lavie luôn nổi bật bởi sự khác biệt về vị thanh mát do hàm lượng khoáng chất vừa phải mang lại. Đồng thời, sự an toàn cho sức khỏe chính là yếu tố giúp LaVie được người tiêu dùng tín nhiệm. Sử dụng công nghệ tiên tiến để sản xuất nước uống theo đúng tiêu chuẩn, Lavie đã trở thành thương hiệu dẫn đầu trong ngành nước uống đóng chai tại Việt Nam.

Vậy đối với Lavie, đâu mới là giá trị thực của một thương hiệu?

Việc mà người tiêu dùng cần là sự trung thực trong bán hàng - đó mới là niềm tin bền vững giúp thương hiệu phát triển.

Lavie có dấu hiệu vi phạm pháp luật?

Liên quan tới vấn đề trên, luật sư Vũ Thị Kiều Anh, Giám đốc công ty luật Tâm Anh cho rằng, để biết chính xác Lavie có vi phạm pháp luật hay không thì cần phải chờ kết luận của cơ quan điều tra và sự đánh giá của đông đảo người tiêu dùng.

“Vấn đề này sẽ được sự đánh giá bởi đông đảo người tiêu dùng. Hiện nay, trên thị trường càng ngày càng có nhiều sản phẩm cạnh tranh. Nếu đông đảo người tiêu dùng đánh giá về đạo đức kinh doanh, về việc doanh nghiệp cung cấp hàng hóa dịch vụ gây ảnh hưởng đến quyền lợi, sức khỏe của người tiêu dùng thì chính doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại lớn nhất và sẽ tự có câu trả lời”. Luật sư Kiều Anh nói.

Lavie cần phải có những động thái tích cực để xử lý các vấn đề mà người tiêu dùng đang thắc mắc

Dưới góc độ pháp luật, nếu doanh nghiệp cung cấp hàng hóa khuyết tật, không đúng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, chất lượng đã quảng cáo với người tiêu dùng thì theo quy định của Luật Bảo vệ người tiêu dùng năm 2010, hành vi này xâm phạm đến quyền của người tiêu dùng và vi phạm khoản 8 Điều 10 quy định các hành vi bị cấm đó là: “Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng”. Luật sư Kiều Anh cho biết thêm.

Luật sư Kiều Anh cũng cho rằng, khi có sự việc như vậy, Công ty Lavie phải có trách nhiệm thông báo công khai về hàng hóa có khuyết tật và có trách nhiệm thu hồi hàng hóa đó. Đặc biệt là có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp hàng hóa có khuyết tật do mình cung cấp gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của người tiêu dùng, kể cả khi tổ chức, cá nhân đó không biết hoặc không có lỗi trong việc phát sinh khuyết tật theo quy định tại Điều 22 Luật Bảo vệ người tiêu dùng.

Nói rõ hơn về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Tú, Giám đốc công ty luật Fanci cho biết: "Trong trường hợp, cơ quan chức năng vào cuộc và kết luận đúng về vi phạm thì Lavie sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Nếu Lavie sai phạm về quảng cáo sẽ là trường hợp quảng cáo sai sự thật. Trong Điều 8, Luật Quảng cáo năm 2012 có quy định rõ: Cấm quảng cáo không đúng hoặc gây nhầm lẫn về khả năng kinh doanh, khả năng cung cấp sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ; về số lượng, chất lượng, giá, công dụng, kiểu dáng, bao bì, nhãn hiệu, xuất xứ, chủng loại, phương thức phục vụ, thời hạn bảo hành của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đã đăng ký hoặc đã được công bố, ở khía cạnh người tiêu dùng thì họ lầm tưởng Lavie là nước khoáng từ thiên nhiên, sạch và tinh khiết, do vậy quyền lợi của người tiêu dùng không được đảm bảo. Lúc này, công ty có dấu hiệu gian trá và lừa đảo khách hàng", Luật sư Nguyễn Văn Tú phân tích.

Trong Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng năm 2010, có quy định các hành vi bị cấm: Tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ lừa dối hoặc gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng thông qua hoạt động quảng cáo hoặc che giấu, cung cấp thông tin không đầy đủ, sai lệch, không chính xác. Những vi phạm trên có thể bị xử phạt vi phạm hành chính. Thông thường là phạt tiền và buộc chấm dứt hành vi, vi phạm đó, thậm chí, có thể bị tước giấy phép kinh doanh. Ngoài ra, người tiêu dùng có thể khởi kiện thương hiệu nếu quyền lợi bị xâm phạm.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc để kiểm tra nguồn nước Lavie và có câu trả lời cho người tiêu dùng?

Báo người tiêu dùng sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc trong các kỳ tiếp theo.

Trần Thanh

Nguồn Người Tiêu Dùng: http://nguoitieudung.com.vn/vu-nuoc-lavie-moc-reu-kien-chet-bat-thuong-luat-su-phan-tich-dau-hieu-vi-pham-phap-luat-cua-cong-ty-tnhh-lavie-d71243.html