Vụ nước bẩn: Bí thư Hà Nội nói về phát ngôn của ông Nguyễn Văn Tốn

Nói về sự cố cung cấp nước bẩn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải liên tục nhắc đến việc 'rút kinh nghiệm', trong đó có việc ông Tốn phát ngôn với ý 'Tôi không biết nên dừng hay không'…

Trao đổi với báo chí chiều 22/10 về sự cố cung cấp nước bẩn, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải liên tục nhắc đến việc “rút kinh nghiệm” về quản lý nguồn nước.

- Hà Nội rút ra kinh nghiệm gì sau sự cố cung cấp nước bẩn cho người dân, thưa Bí thư?

Sau vụ việc, chúng ta rút ra rất nhiều kinh nghiệm về quản lý nguồn nước. Khi quản lý nguồn nước “bị” thế này, mình mới nghĩ đến nguồn nước sông Đà, hồ Đồng Bài... Thực tế mà nói thì phải từng khu vực, từng hộ dân, khu chung cư cũng phải cẩn thận, giữ gìn.

Cùng với đó là làm rõ trách nhiệm. Với doanh nghiệp khi kinh doanh nguồn nước phải có trách nhiệm bảo vệ. Như hồ thủy điện đã có quy định, chủ đầu tư nào làm thì phải bảo vệ an ninh, sạt lở, chăn nuôi, ô nhiễm... Trách nhiệm “vòng ngoài” là công an. Đối với hồ thủy điện đều phải làm việc với công an các địa phương, thậm chí có quyết định của Bộ Công an xuống là giao trách nhiệm cho các địa phương phải chăm lo, bảo vệ.

Mình thường nói đến an ninh về chính trị nhưng không nghĩ đến an ninh nguồn nước, tức là vệ sinh, an toàn. Cho nên sau vụ này phải quan tâm hơn. Thực tế, nước hồ đó không phải sạch bong cứ thế đưa về dùng, nhưng cái chính là phải xem toàn bộ hệ thống quan trắc rất thiếu cho nên bất cứ ở đâu, kể cả có an ninh bảo vệ hết rồi vẫn có thể xảy ra mất an ninh an toàn.

Phải chia trách nhiệm từng công đoạn một. Đối với doanh nghiệp, trong một nhà máy từng phân xưởng lại chia ra, "ông" nhận nước đầu nguồn thế nào, "ông" nước xử lý thế nào... chứ không thể để toàn bộ hệ thống quan trắc mà không phát hiện ra hoặc phát hiện ra nhưng xử lý lúng túng, như ông Tốn nói là “tôi không biết nên dừng hay không". Cái đó là cái nhất định phải chấn chỉnh!

Tiếp tục đến các nơi phân phối cũng phải làm, có hệ thống quan trắc để phát hiện ra. Việc chịu trách nhiệm của đơn vị cấp nước bằng cách nào thì phải giải trình với cơ quan Nhà nước, như quan trắc tự động chất lượng nước qua mấy khúc? Lấy mẫu thủ công như thế nào?... Tất cả những thứ đó phải rà soát lại hết, quy trình hóa, quy phạm hóa.

Qua vụ việc, người dân cũng quan tâm hơn, xem “ông có để xảy ra lần sau không hay xin lỗi lần nữa?”. Đó là việc Thành phố, các sở ngành, doanh nghiệp phải rút kinh nghiệm, sau đó, ra các quy định. Ví dụ muốn xây dựng nhà cấp nước thì cần phải có những công nghệ, điều kiện tối thiểu...

Đó là những cái mình phải rà soát lại để không xảy ra nữa bởi thành phố mình 10 triệu dân. Đấy là cái rất đáng tiếc. Thành phố phải rút kinh nghiệm để chỉ đạo khắc phục, để không xảy ra lần nữa.

 Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí chiều 22/10

Bí thư thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với báo chí chiều 22/10

- Thưa ông, Thành phố có quy định về ứng phó với thảm họa hay không?

Có quy định tất cả các loại thảm họa, sau đó từ đấy đi xuống chi tiết các kế hoạch cụ thể để thực hiện. Mình nhìn thấy vấn đề rồi, nhưng chưa thực hiện được hết các giải pháp đề ra vì có nhiều chuyện. Vừa rồi kể cả ô nhiễm không khí, cả nguồn nước, đấy là những thứ mình tiếp tục phải làm khẩn trương quyết liệt hơn, vì những thứ đó nó có thể xảy ra bất cứ ngày nào.

- Đối với các vụ ô nhiễm xảy ra vừa qua, dư luận cho rằng phản ứng của Thành phố là chậm, còn ông đánh giá thế nào?

Cái đó Thủ tướng cũng nói rồi, Thành phố cũng sẽ rút kinh nghiệm việc này. Đây có việc phân công phân nhiệm trong công tác xử lý công việc và thông tin, phối hợp với các cơ quan liên quan. Trong bất cứ việc gì, thường kinh nghiệm xảy ra bao giờ cũng hổng chỗ phối hợp, cứ ông chẳng bà chuộc, ông trước bà sau... nên tôi vừa nói phải quy phạm hóa, quy trình hóa tất cả quá trình xử lý, nếu không sau lại rối, không biết ai nói, không biết số của ai là đáng tin, số của địa phương hay bộ... tất cả những thứ đó phải điều chỉnh, quy định cho đúng.

Việc đó tôi họp ở TP cũng đã nói, phải rút kinh nghiệm, đánh giá và sẽ có quy định. Có thể không hết được nhưng mỗi lần nó phải tốt lên, khá lên, phải yên tâm.

- Theo ông, nhà máy nước sạch Sông Đà ở Hòa Bình nhưng lại cung cấp cho Hà Nội thì có khó khăn gì cho việc đảm bảo an ninh hay không?

Nó khó nhưng không phải không làm được. Cũng giống như nhà máy điện trên Hòa Bình nhưng điện mình dùng ở đây, có làm sao đâu? Phải tính hết đến. Tất cả những sự cố mang tính thảm họa đã tính đến rồi, bây giờ phải cụ thể hóa nó, giải pháp, quy trình, quy phạm nó ra, rồi giao trách nhiệm cho từng cơ quan.

- Thành phố có tính đến trường hợp nếu không đảm bảo nước sạch và không kịp thời xử lý thì có thể cắt không sử dụng?

Cắt thì lúc nào mình cũng có quyền cắt. Mình hoàn toàn có quyền thay thế và có quyền bắt họ phải thực hiện đúng, chứ không phải tôi thích tôi làm. Tưởng tượng ông cấp điện, hôm sau ông dỗi, ông cắt điện “em đi nghỉ mát” thì không được. Anh cấp những dịch vụ thiết yếu, anh bắt buộc phải thực hiện, anh không được phép, thậm chí luật đình công, bãi công của mình cũng đã quy định những ngành chủ yếu không được phép... bởi như thế ảnh hưởng người dân rất lớn.

- Điện, nước sạch trước khi cắt phải có thông báo, nhưng khi xảy ra sự cố nước bẩn thì không thông báo kịp thời. Lý do là vì sao, thưa ông?

Điện cũng 60 năm rồi, "lên bờ xuống ruộng" rồi họ mới phục vụ khá dần lên, rồi tôn trọng quyền của khách hàng. Ngành nước thực tế cũng mới, non trẻ, mình sẽ phải dần dần đưa lên. Nhưng mình đã có kinh nghiệm đưa các quy định mới vào ngay, thì nó phải sòng phẳng. Có ý kiến" chúng tôi nộp đủ tiền cho các ông, tại sao việc này ông lại thế nọ thế kia?", họ đòi hỏi hoàn toàn đúng!

- Xin cảm ơn Bí thư!

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201910/vu-nuoc-ban-bi-thu-ha-noi-noi-ve-phat-ngon-cua-ong-nguyen-van-ton-642371/