Vụ nữ nhân viên bưu điện lừa cả tỷ đồng ở Bắc Kạn: Hé lộ thủ đoạn đơn giản đến bất ngờ

Lợi dụng tâm lý gửi tiền để hưởng lãi suất cao, nữ nhân viên bưu điện ở Bắc Kạn đã lừa hàng chục người dân gửi với số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Liên quan đến vụ nữ nhân viên bưu điện lừa hàng chục tỷ đồng, chiều 31/8, thông tin từ phòng Cảnh sát hình sự (PC02) Công an tỉnh Bắc Kạn cho biết, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Liên (SN 1995, trú tại Khuổi Lĩnh, xã Bằng Thành, huyện Pác Nặm) về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đối tượng Dương Thị Liên tại cơ quan công an.

Đối tượng Dương Thị Liên tại cơ quan công an.

Kết quả điều tra ban đầu cho hay, để có tiền tiêu xài, Liên đã lợi dụng công việc của mình để kiếm tiền bất chính. Theo đó, từ tháng 10/2019 đến 6/2020, Liên nói với nhiều người trong xã cứ gửi 10 triệu đồng trong thời hạn 15 ngày, thì được nhận từ 1,2 đến 1,4 triệu đồng tiền lãi. Tiền của người dân Liên nhận gửi và trả lãi.

Thực tế theo quy định, nhân viên bưu điện xã chỉ có chức năng tư vấn, không được phép nhận tiền gửi và Ngân hàng cũng không trả lãi tiền gửi cao như thế.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn tin vào lời “đường mật” với mức lãi suất cao mà Liên hứa hẹn, nên đã đem tiền gửi cho Liên. Nhưng, lãi lớn đâu chẳng thấy mà giờ nhiều người chỉ biết khóc ròng vì mất cả tiền gốc gom góp cả đời mới tích cóp được.

Gửi tiền một thời gian, nhiều người đòi tiền lãi, Liên luôn trốn tránh hoặc lấy lý do khất lần. Nhận thấy, hành vi bất thường nên người dân đã nhanh chóng làm đơn trình báo lên cơ quan công an.

Ngay sau khi nhận được tin báo, xác định đây là vụ việc nghiêm trọng, gây lo lắng trong quần chúng nhân dân, Công an tỉnh Bắc Kạn đã nhanh chóng vào cuộc điều tra, làm rõ. Tại cơ quan điều tra, Dương Thị Liên đã khai nhận hành vi phạm tội của mình.

Công an cho biết, đã có 30 người dân (chủ yếu ở xã Bằng Thành) gửi tiền cho Liên, tổng số lên đến hơn 1 tỷ đồng. Số tiền này ở một xã miền núi là gia tài của nhiều người dân. Vì nhẹ dạ, cả tin nhiều người đã đưa tiền này Liên và bị chiếm đoạt sử dụng phục vụ lợi ích cá nhân và nhiều mục đích khác.

Một cán bộ công an nhận định về vụ án: “Thủ đoạn của đối tượng rất đơn giản khi đánh vào lòng tham lãi suất cao của nhiều người dân, vì lãi cao lại là chỗ quen biết nên nhiều người đã gửi tiền cho Liên. Sau khi tiến hành điều tra cho thấy, hành vi chỉ xuất phát từ cá nhân đối tượng không liên quan đến bưu điện”.

“Tuy là thủ đoạn không mới nhưng đối tượng vẫn lừa đảo được rất nhiều người. Qua đây, cũng là bài học cho mỗi người dân hãy cẩn trọng trước các lời mời gọi góp vốn, đầu tư, gửi tiết kiệm lãi suất cao”, cán bộ này khuyến cáo.

Được biết, Liên vốn là người có nhân thân tốt, sinh ra trong gia đình có điều kiện kinh tế trung bình. Từ nhỏ Liên được bố mẹ tạo điều kiện cho ăn học đàng hoàng, sau khi tốt nghiệp trung cấp y, Liên không làm đúng ngành mà xin làm hợp đồng tại trung tâm bưu điện.

“Sau khi biết thông tin Liên lừa đảo người dân xung quanh chúng tôi rất bất ngờ. Đặc biệt, khi số tiền cô này lừa đảo lên đến hơn 1 tỷ đồng”, một người dân địa phương ngạc nhiên.

Bên cạnh Quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Kạn áp dụng biện pháp ngăn chặn Cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Dương Thị Liên vì đối tượng đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi.

Dưới góc nhìn pháp lý, luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng văn phòng Tinh thông luật, đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, trong quá trình điều tra cơ quan chức năng sẽ điều tra làm rõ nhiều vấn đề.

Trong trường hợp này cần phải phân biệt rõ như sau: Nếu Liên lợi dụng danh nghĩa là nhân viên bưu điện để thực hiện việc chiếm đoạt tài sản thì ở đây đã có dấu hiệu gian dối ngay từ đầu thì việc khởi tố Liên theo quy định Điều 174 tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Còn trường hợp Liên không lấy danh nghĩa mình là nhân viên bưu điện và với tư cách cá nhân thông qua hợp đồng vay tiền thì sử lý Liên theo Điều 175 tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Khi Liên dùng thủ đoạn gian dối, lấy danh nghĩa là nhân viên bưu điện để chiếm đoạt tài sản, theo quy định tại Điều 174 Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với hành vi chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.

Hành vi lạm dụng tín nhiệm là Lợi dụng uy tín, lòng tin trên cơ sở các "Hợp đồng" và để chiếm hữu được tài sản và sau đó là chiếm đoạt tài sản. Các hợp đồng này là chữ "tín" tức là lòng tin, hay tín nhiệm để người bị hại tin và giao tài sản.

Còn trong trường hợp Liên sử dụng danh nghĩa cá nhân để vay tiền thì theo quy định tại Điều 175 Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hình phạt trong trường hợp phạm tội chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm.

Ngoài phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh tương ứng thì người phạm tội phải có trách nhiệm trả cho những người bị hại số tiền đã chiếm đoạt.

Trong trường hợp trên, Liên bị cơ quan công an áp dụng biện pháp Cấm đi khỏi nơi cư trú thuộc quy định, đối với bị can, bị cáo là phụ nữ có thai hoặc đang nuôi con dưới 36 tháng tuổi, là người già yếu, người bị bệnh nặng mà có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng thì không tạm giam mà áp dụng biện pháp ngăn chặn khác.

Đặng Thủy

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/phap-luat/an-ninh-hinh-su/vu-nu-nhan-vien-buu-dien-lua-ca-ty-dong-o-bac-kan-he-lo-thu-doan-don-gian-den-bat-ngo-a337211.html