Vụ nổ ở Beirut và những bất ổn nhiều mặt tại Liban

Khó khăn kinh tế, biểu tình phản đối chính phủ, dịch COVID-19 và mới đây là vụ nổ tại thủ đô Beirut khiến 100 người thiệt mạng tiếp dục dồn Liban vào ngõ cụt.

Nền kinh tế trì trệ

Đồng pound Liban đã mất 80% giá trị trong 10 tháng qua. Ảnh: Reuters

Đồng pound Liban đã mất 80% giá trị trong 10 tháng qua. Ảnh: Reuters

Ngay cả trước khi dịch COVID-19 xảy ra vào đầu năm nay, Liban đã gặp nhiều khó khăn kinh tế. Tỷ lệ nợ trên GDP của Liban cao thứ ba trên thế giới, thất nghiệp ở mức 25% và 1/3 dân số sống dưới mức nghèo khổ.

Năm 2019, các nhà phân tích đánh giá Ngân hàng Trung ương Liban đã vướng vào mô hình đa cấp. Ngân hàng này đã vay các ngân hàng thương mại với lãi suất cao hơn thị trường để trả nợ và duy trì tỷ giá hối đoái cố định của đồng pound nước này với với đồng USD.

Cùng thời điểm, người dân giận dữ và thất vọng về chính phủ do bị cắt điện thường xuyên, thiếu nước sinh hoạt an toàn, hạn chế về chăm sóc y tế công cộng và kết nối internet chập chờn.

Biểu tình leo thang

Liban đối mặt với nhiều thách thức trong những năm gần đây. Ảnh: AFP

Đài BBC (Anh) đưa tin rằng từ đầu tháng 10/2019, tình trạng thiếu ngoại tệ khiến đồng pound Liban mất giá trị so với USD lần đầu tiên trong hơn hai thập niên. Khi đó, các nhà nhập khẩu lúa mỳ và nhiên liệu lại nhận yêu cầu chi trả bằng USD, khiến các liên đoàn liền kêu gọi biểu tình.

Chưa hết, cháy rừng chưa từng có tiền lệ tại vùng núi phía Tây Liban càng bộc lộ tình trạng thiếu thốn thiết bị và ngân sách của ngành cứu hỏa nước này.

Vào giữa tháng 10/2019, Chính phủ Liban đề xuất mức thuế mới với thuốc lá, dầu mỏ và ứng dụng gọi qua tin nhắn như WhatsApp nhưng buộc phải hủy kế hoạch.

Nhiều vụ việc liên tiếp xảy ra khiến hàng nghìn người đổ ra đường phố, buộc Thủ tướng Saad Hariri phải từ chức.

Dưới đây là video về biểu tình tại Liban trong tháng 12/2019 (nguồn: RT):

Tuy nhiên, từ đó đến nay không có nhiều thay đổi, tình trạng mất điện tồi tệ hơn và khủng hoảng kinh tế nặng nề khiến giá thực phẩm leo thang tới 80%.

Vào tháng 3, lần đầu tiên Liban tuyên bố nợ quốc gia là 92 tỷ USD, tương đương 170% GDP của nước này. Đến tháng 5, Liban đã đàm phán với Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) về hỗ trợ nhưng đàm phán bị trì hoãn từ đó.

Dịch COVID-19 khiến tình hình tồi tệ hơn

Giá thực phẩm tại Liban leo thang khiến người dân khó tiếp cận trong thời kỳ khó khăn vì dịch COVID-19. Ảnh: AFP

Khi dịch COVID-19 tràn vào Liban, chính phủ nước này áp đặt lệnh phong tỏa từ giữa tháng 3 để hạn chế lây lan. Điều này khiến biểu tình phản đối chính phủ thuyên giảm nhưng khủng hoảng kinh tế tồi tệ hơn và còn phơi bày bất công bằng trong hệ thống phúc lợi xã hội Liban.

Nhiều doanh nghiệp buộc phải sa thải hoặc cho nhân viên tạm nghỉ việc, khoảng cách giữa giá trị đồng pound Lebanon trên thị trường chính thức và “chợ đen” nới rộng, trong khi các ngân hàng siết chặt kiểm soát vốn. Khi giá thực phẩm leo thang, nhiều gia đình không còn đủ khả năng chi trả cho những thứ thiết yếu cơ bản.

Khó khăn kinh tế châm ngòi cho bất ổn. Vào tháng 4, binh sĩ bắn chết một nam thanh niên trong biểu tình bạo lực ở Tripoli và nhiều ngân hàng bị phóng hỏa.

Khi lệnh phong tỏa được nới lỏng trong tháng 5, giá một số thực phẩm tăng gấp đôi và Thủ tướng Liban thậm chí cảnh báo rằng nước này đứng trước nguy cơ khủng hoảng kinh tế. Thủ tướng Hassan Diab đã viết trên tờ Washington Post: “Nhiều người Liban đã không còn mua được thịt, hoa quả và rau củ. Trong thời gian gần tới họ thậm chí khó có thể mua được cả bánh mì”.

Lý do khiến Liban khó xử lý tình hình

Họp quốc hội tại Liban. Ảnh: Reuters

Hầu hết các nhà phân tích đều đề cập đến một yếu tố then chốt là chủ nghĩa bè phái chính trị. Liban có ba chức danh lãnh đạo chính là tổng thống, chủ tịch quốc hội và thủ tướng, được phân chia đều cho 3 cộng đồng lớn nhất là Công giáo Maronite, người đạo Hồi theo dòng Shia, đạo Hồi theo dòng Sunni dựa trên thỏa thuận từ năm 1943. 128 ghế trong quốc hội Liban cũng được chia đều giữa người theo đạo Hồi và Thiên chúa giáo.

Kể từ khi nội chiến 1975-1989 kết thúc, các chính khách tại Liban duy trì quyền lực và tạo ảnh hưởng để bảo vệ lợi ích cộng đồng tôn giáo họ đại diện.

Hệ thống chia sẻ quyền lực dựa trên tôn giáo kích thích mạng lưới bảo hộ và gây cản trở phương thức lãnh đạo tại Liban.

Theo chỉ số nhận thức tham nhũng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế năm 2019, Liban đứng thứ 137 trên tổng số 180 quốc gia.

Hà Linh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/vu-no-o-beirut-va-nhung-bat-on-nhieu-mat-o-liban-20200805155936167.htm