Vụ nhốt trẻ vào tủ: Sự non nớt trong quản lý và giám sát giáo viên

Nhiều phụ huynh trường Maple Bear Westlake Point phải đóng một số tiền lớn nhưng con vẫn không được đảm bảo an toàn khi học tại trường.

Chị Nguyễn Mai Linh, phụ huynh trường Maple Bear Westlake Point, người phát hiện ra clip cô giáo nhốt trẻ trong tủ quần áo không khỏi bức xúc, lo lắng. Chị Linh cho biết, con gái chị 3 tuổi và đã học tại trường khoảng 1 năm rưỡi. Trong suốt thời gian đó, cháu đi học rất vui và thích đến lớp. Nhưng gần đây lại có biểu hiện sợ đến lớp, không thích đi học, nói sợ cô giáo. Khi nhận thấy có những biểu hiện bất thường, chị Linh đã yêu cầu nhà trường trích xuất camera để kiểm tra.

Lúc này, chị Linh không chỉ phát hiện ra con gái mình bị cô dọa, xô ngã mà còn phát hiện ra một trẻ khác trong lớp bị cô nhốt vào tủ quần áo và dọa nạt.

Trường Maple Bear Westlake Point.

Trường Maple Bear Westlake Point.

“Tôi đã rất bất bình về cách đối xử của cô giáo với học sinh. Nó đi ngược lại với những cam kết ban đầu của hệ thống Maple Bear là yêu trẻ, tạo ra những đưa trẻ hạnh phúc và lấy trẻ làm trung tâm. Xét về mức học phí gần 20 triệu/tháng cho giáo trình, cơ sở vật chất là khá hợp lý. Chúng tôi sẵn sàng chi tiền nhưng phải đảm bảo con có môi trường học tập tốt, an toàn.

Khi tiếp xúc với giáo viên, tôi đánh giá là cô giáo còn quá kém về kỹ năng sư phạm, có thể do khâu đào tạo và kỷ luật của nhà trường có vấn đề, đồng thời cho thấy sự non nớt trong công tác quản lý của nhà trường”, chị Linh nói.

Anh Đỗ Minh Dân, phụ huynh của cháu bé bị nhốt trong tủ không khỏi bức xúc: “Khi nghe tin, gia đình tôi đã rất sốc và giận cô giáo cũng như nhà trường. Đây là cháu thứ 2 gia đình tôi cho học tại trường. Chúng tôi đã tin tưởng hoàn toàn vào nhà trường, nhưng không ngờ lại có sự việc này. Tôi cho rằng trách nhiệm trước tiên thuộc về nhà trường và cô giáo thực hiện hành vi. Rõ ràng trong khâu tuyển dụng của nhà trường đang có vấn đề”.

Dễ gây chấn động tâm lý cho trẻ

TS Vũ Thu Hương, chuyên gia về tâm lý học đường cho rằng, hình phạt nhốt trẻ vào tủ của giáo viên có thể ảnh hưởng nặng nề đến tinh thần của trẻ, đặc biệt là trẻ ở lứa tuổi mầm non.

“Bản thân trẻ bị nhốt sẽ rất sợ hãi. Trạng thái sợ hãi có thể đẩy ký ức vào quên lãng. Nhưng với trẻ chứng kiến việc này gián tiếp thì chúng còn sợ và hốt hoảng, chấn động tâm lý hơn nữa”, chuyên gia cho biết.

TS Vũ Thu Hương cũng cho rằng, việc sử dụng những hành vi mang tính bạo lực không chỉ khiến trẻ bị chấn động tâm lý mà còn có thể nảy sinh ý tưởng bạo lực hoặc hành vi không tốt khiến chúng có suy nghĩ bi quan về thế giới.

Khác với lứa tuổi Tiểu học, trẻ ở độ tuổi mầm non phụ thuộc đến 80% vào người lớn, vì vậy tâm lý của chúng yếu ớt hơn nhiều.

Chuyên gia giáo dục này cũng cho rằng, hiệu quả giáo dục trong một số trường hợp chưa hẳn tương đồng với số tiền học mà cha mẹ phải đóng. “Nhiều phụ huynh đóng tiền không dựa trên chất lượng thực chất của ngôi trường mà dựa vào đồ dùng, dựa trên mác “quốc tế’. Trong khi đó, có rất nhiều ngôi trường tốt với giá thành rất rẻ, giáo viên có tâm, kiến thức và đạo đức”, TS Hương nói.

Trước đó, trao đổi với phóng viên ngày 19/8, Hiệu trưởng trường mầm non Maple Bear Westlake Point lý giải rằng, cô giáo nhốt cháu trong tủ vẫn đang trong thời gian thử việc, vừa mới ra trường, kinh nghiệm còn non nớt. Còn về phía cô giáo chủ nhiệm cũng đã làm được 5-6 năm, được đào tạo từ trường Sư phạm ngành mầm non, có thể đang trong thời kỳ mang thai nên tâm lý không ổn định, không bao quát được hết mọi việc nên mới để xảy ra sự việc này.

Còn theo ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ (Hà Nội), trường Maple Bear Westtlake Point đã được cấp phép thành lập từ 2 năm trước. Tuy nhiên, để đi vào hoạt động thì vẫn chưa đủ các điều kiện về hồ sơ, nên chưa được cấp phép hoạt động. Phòng GD-ĐT yêu cầu trường phải giải tán trước ngày 30/8./.

Nguyễn Trang/VOV.VN

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/vu-nhot-tre-vao-tu-su-non-not-trong-quan-ly-va-giam-sat-giao-vien-946530.vov