Vũ 'nhôm' lãnh án 30 năm tù

Cuối giờ chiều nay, HĐXX phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên án đối với Phan Văn Anh Vũ, hai cựu Thứ trưởng Công an và hai cựu lãnh đạo B61 Bộ Công an.

HĐXX phúc thẩm đã quyết định: Chấp nhận một phần kháng nghị của VKSND Hà Nội. Không chấp nhận kháng cáo của bị cáo Bùi Văn Thành, Trần Việt Tân và Công ty Peak View.

Chấp nhận một phần kháng cáo về trách nhiệm dân sự và biện pháp tư pháp của bị cáo Phan Văn Anh Vũ. Chấp nhận một phần kháng cáo sửa hình phạt cho hai bị cáo Nguyễn Hữu Bách và Phan Hữu Tuấn.

Cụ thể, HĐXX tuyên bị cáo Phan Văn Anh Vũ 15 năm tù, tổng hợp với bản án 15 năm tù của TAND Cấp cao tại TP.HCM là 30 năm. Bị cáo Phan Hữu Tuấn bị tuyên bốn năm tù, tổng hợp hình phạt chung với bản án bảy năm tù của TAND TP Hà Nội là 11 năm tù.

Bị cáo Nguyễn Hữu Bách bị tuyên 42 tháng tù, tổng hợp hình phạt sáu năm tù của TAND TP Hà Nội là chín năm sáu tháng tù. Bị cáo Trần Việt Tân 36 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bùi Văn Thành 30 tháng tù về tội thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng

HĐXX cũng Tuyên bố các giao dịch của Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 với các chủ thể được nhà nước giao quản lý 7 tài sản nhà nước cho thuê, mua bán là vô hiệu toàn bộ. Tuyên tiêu hủy các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và giấy chứng nhận tài sản gắn liền với đất của 7 tài sản cũng như toàn bộ tài liệu, giấy tờ có liên quan tới các giao dịch này.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tuyên án.

Bị cáo Phan Văn Anh Vũ nghe tuyên án.

Trước đó, HĐXX nhận định việc thành lập, quá trình thay đổi đăng ký nội dung kinh doanh và quá trình chấp hành pháp luật kế toán của Công ty Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79 có một số sai phạm.

Theo HĐXX, dù cá nhân Phan Văn Anh Vũ, Phan Hữu Tuấn và Nguyễn Ngọc Hùng được sử dụng các tên khác là Lê Văn Sáu, Hoàng Hữu Thân, Nguyễn Quang Ngọc trong khi thi hành công vụ, nhưng cho dù có sử dụng tên gọi nào khác thì năng lực pháp luật dân sự của Sáu, Thân, Ngọc trước pháp luật vẫn là các cá nhân Vũ, Tuấn, Hùng.

Giấy chứng nhận đăng ký thành lập doanh nghiệp thể hiện thời điểm thành lập Bắc Nam 79 có hai cá nhân góp vốn điều lệ là Hoàng Hữu Thân (tức Phan Hữu Tuấn) 20%, Nguyễn Quang Ngọc (tức Nguyễn Ngọc Hùng) 10% đều đang là sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân.

Giấy chứng nhận đăng ký thành lập DN của Nova Bắc Nam 79 thể hiện thời điểm thành lập có ba cổ đông sáng lập là Hoàng Hữu Thân (Phan Hữu Tuấn) góp 5% vốn điều lệ cũng đang là sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân.

Ngày 1-10-2009, Vũ được Tổng cục V tuyển dụng và quá trình sau này, Vũ được phong quân hàm sĩ quan công an nhân dân nhưng Vũ vẫn tham gia thành lập, là đại diện theo pháp luật và quản lý điều hành toàn bộ hai công ty. Điều này đã vi phạm quy định của Luật DN, cá nhân là sĩ quan trong lực lượng công an nhân dân không được quyền quản lý DN tại VN.

Nội dung đăng ký kinh doanh Công ty Bắc Nam 79 thể hiện công ty có ba cổ đông sáng lập là Phan Văn Anh Vũ, Hoàng Hữu Thân và Nguyễn Quang Ngọc. Tuy nhiên, điều lệ thành lập công ty này chỉ thể hiện có hai cổ đông là Vũ và Ngọc thông qua và ký tên xác lập. Điều này vi phạm Luật DN (Điều lệ công ty phải có họ tên, chữ ký của cổ đông sáng lập, người đại diện theo ủy quyền của cổ đông sáng lập.

Năm 2010, Vũ ký hợp đồng chuyển nhượng 70% vốn điều lệ trong công ty Bắc Nam cho Lê Văn Sáu. Năm 2012, Lê Văn Sáu lại ký hợp đồng chuyển nhượng 50% vốn điều lệ Công ty Bắc Nam cho Phan văn Anh Vũ là vi phạm BLDS, cụ thể người đại diện không được xác lập, thực hiện các giao dịch dân sự với chính mình hoặc với người thứ ba mà mình cũng là người đại diện của người đó.

Lời khai của Vũ và các bị cáo khác tại phiên tòa đều xác nhận tuy có tên trong giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, danh sách cổ đông… nhưng Hoàng Hữu Thân (tức Tuấn) và Nguyễn Quang Ngọc (tức Hùng) đều không góp vốn điều lệ nên không được xác định hai cá nhân này là cổ đông của Bắc Nam 79 và Nova Bắc Nam 79.

Rõ ràng khi thành lập Bắc Nam 79 chỉ có một cổ đông duy nhất là Vũ; Nova Bắc Nam 79 chỉ có hai cổ đông là Vũ và Công ty Bắc Nam 79 là phù hợp với quy định của pháp luật. Một công ty chỉ có một hoặc hai cổ đông hợp pháp là vi phạm quy định của Luật DN (công ty cổ phần phải có tối thiểu ba cổ đông).

Việc thành lập hai công ty do Phan Văn Anh Vũ là đại diện theo pháp luật là không hợp pháp. Hai công ty này không được coi là công ty cổ phần và có địa vị pháp lý dầy đủ khi tham gia các giao dịch.

Hai công ty không phải do Tổng cục V trực tiếp thành lập, Tổng cục V cũng không góp vốn, không mua cổ phần, không điều hành hoạt động sản xuất kinh doanh của hai công ty, mọi hoạt động do cá nhân Vũ trực tiếp thực hiện.

Pháp luật quy định hoạt động của tổ chức bình phong cũng phải tuân theo quy định của pháp luật nên có cơ sở xác định việc Tổng cục V sử dụng hai công ty nói trên (có địa vị pháp lý không đầy đủ) sẽ dẫn đến tổ chức bình phong sẽ có địa vị pháp lý và tư cách pháp nhân không đầy đủ.

HĐXX cũng xác định hoạt động của Công ty Bắc Nam 79 vi phạm quy định của luật kế toán. Từ đó kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tiến hành thanh, kiểm tra và xử lý sai phạm theo quy định của pháp luật của Công ty Bắc Nam 79 và Công ty Nova Bắc Nam 79 (nay là Công ty Chấn Phong).

Tòa nhận định gì về thiệt hại torng vụ án?

Theo HĐXX kết luận điều tra xác định thiệt hại của 7 dự án bất động sản nói trên là 135 tỉ đồng. Cáo trạng xác định thiệt hại gần 1.160 tỉ đồng. Tuy nhiên, khi xem xét xác định thiệt hại thực tế đối với tài sản nhà nước cần phải xem xét việc 7 tài sản này đã được cơ quan điều tra kê biên và đưa vào quản lý.

ĐỨC MINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/phap-luat/vu-nhom-lanh-an-30-nam-tu-839842.html