Vụ nhân viên CGV tung ảnh 'nóng' của khách: Câu chuyện văn hóa xem phim và quyền riêng tư

Vụ việc đôi nam nữ có những hành động thân mật quá đà trong rạp chiếu phim và bị nhân viên rạp phát tán lên mạng xã hội hiện đang gây ra nhiều tranh cãi trong dư luận.Cự Giải

Sự việc rò rỉ ảnh "nhạy cảm" của khách xem phim ở cụm rạp CGV gây ra nhiều tranh cãi trái chiều từ cộng đồng mạng.

Nhiều vấn đề về bảo mật thông tin khách hàng, cả về đạo đức lẫn khía cạnh pháp lý được đặt ra, trong đó văn hóa ứng xử của người trẻ nơi công cộng cũng được mổ xẻ.

Trước những thông tin về vụ việc, phía nhà rạp đã nhận trách nhiệm. Theo đó, CGV phản hồi đây là hình ảnh được chụp từ camera trong rạp trước đó. Việc hình ảnh này được phát tán ra ngoài do sự thiếu ý thức của một nhân viên trong cụm rạp.

"Trong quá trình theo dõi camera tại phòng chiếu để tìm ví bị mất theo yêu cầu của khách hàng, nhân viên này đã chia sẻ hình ảnh ra ngoài. Sau sự cố trên, chúng tôi đã kiểm điểm nghiêm khắc nhân viên liên quan đến vụ việc bằng việc đình chỉ công việc tạm thời, song song với việc mở cuộc họp để có quyết định cụ thể đối với hành vi của nhân viên này", phía CGV cho hay.

Bên cạnh lời hứa sẽ xử lý sự việc theo quy định của pháp luật, phía CGV cũng bày tỏ mong muốn khách hàng tuân thủ đúng quy định rạp chiếu đưa ra, nhằm xây dựng môi trường văn hóa - giải trí văn minh, lành mạnh.

Hình minh họa

Hình minh họa

Hoang mang về quyền riêng tư khi xem phim rạp

Trước sự việc này, nhiều người không khỏi hoang mang khi biết lúc xem phim trong rạp bị quay camera. Nhiều người cũng bày tỏ lo ngại về sự riêng tư cũng như quyền cá nhân trước thông tin này.

"Dù đôi trai gái sai, hành vi của nhân viên CGV là vi phạm quyền riêng tư nghiêm trọng. Tôi chưa được biết có vụ camera này và tại sao có quyền tung lên như vậy?" - Một độc giả bức xúc viết.

Trao đổi trên tờ Sài Gòn giải phóng, anh H. (quản lý một trang tin điện ảnh) cho rằng, xét ở góc độ văn hóa, hành động của hai khách hàng này không đúng thuần phong mỹ tục và khá phản cảm, mặc dù nó diễn ra trong rạp tối. Tuy nhiên, anh H. cũng đưa ra lập luận, quy định của rạp chiếu về văn hóa xem phim cũng không đề cập cụ thể vấn đề này. Hiện tại, quy định văn hóa xem phim của CGV gồm các điều khoản: không hút thuốc lá trong rạp, không nhai kẹo cao su, không quay phim chụp ảnh, tắt chuông điện thoại, không nói chuyện ồn ào... Anh H. nói: “Nếu là tôi, tôi sẽ khởi kiện vì có hành vi sử dụng hình ảnh cá nhân trái phép, gây ảnh hưởng đến tâm lý, danh dự”.

Trong luồng ý kiến chỉ trích hành vi tung ảnh nóng, độc giả có tên Đặng Sinh cho rằng việc khán giả có hành vi không đúng mực trên ghế sweetbox là không hay, nhưng "khách hàng đang bị đe dọa về quyền riêng tư khi bất cứ hành động nào của cá nhân cũng có thể bị chụp ảnh và tung lên mạng".

Văn hóa xem phim rạp

Từ sự việc này, một lần nữa, câu chuyện về văn hóa xem phim tại rạp lại được mang ra mổ xẻ trên mạng xã hội. Ngoài những thực trạng đã được báo chí đề cập đến như: nạn quay lén, trộm cắp, sử dụng điện thoại, nói chuyện quá lớn..., nhiều ý kiến cho rằng hành động như cặp đôi nói trên, hoàn toàn không phù hợp ở nơi công cộng và không nên tiếp diễn.

Câu chuyện về văn hóa xem phim rạp nhều lần được mang ra mổ xẻ trên mạng xã hội - Hình minh họa

"Đây là rạp chiếu phim chứ không phải nhà riêng hay khách sạn mà vô tư thoải mái như thế" - độc giả có nickname Le Trang gay gắt.

Độc giả có tên Phuong Bich bức xúc: "Vào rạp phim muốn làm gì thì làm à. Thiếu gì chỗ ôm ấp, vuốt ve mà cứ phải vào rạp phim... Đạo đức, lối sống của một số bạn trẻ ngày nay thiếu ý thức như vậy sao?".

"Giải trí lành mạnh có nghĩa là cả nhà làm cung cấp dịch vụ và người hưởng thụ dịch vụ đều phải tỏ ra mình là người văn minh, lịch sự. Việc hai khách hàng vào rạp phim có hành vi bày tỏ tình cảm thái quá giữa nơi giải trí công cộng là một việc khiếm nhã không nên làm" - Độc giả có tên Anh Nguyễn viết.

Trao đổi trên báo Thanh Niên, tiến sĩ tâm lý Bùi Hồng Quân, Sở Lao động - Thương binh - Xã hội TP.HCM, nhận định: “Văn hóa ứng xử của không ít người trẻ hiện nay đang có vấn đề, họ thực hiện các hành vi trong văn hóa ứng xử không chuẩn mực, hơi lệch lạc”.

Người đăng hình ảnh "nhạy cảm" của cặp đôi lên mạng có vi phạm pháp luật?

Liên quan đến vụ việc này, dư luận cũng đặt câu hỏi rằng, người đăng tải hình ảnh riêng tư của khách lên mạng xã hội có vi phạm pháp luật và bị xử lý ra sao?

Trao đổi trên Báo Pháp luật Xã hội, Luật sư Nguyễn Anh Thơm (đoàn luật sư thành phố Hà Nội) cho biết, “bí mật đời tư” là những chuyện kín đáo, chuyện muốn che giấu, không muốn ai biết. Như vậy, “bí mật đời tư” là chuyện thầm kín của một cá nhân nào đó.

Như vậy, trong vụ việc nhân viên trong rạp chiếu phim CGV đã chụp lại hình ảnh của khách và cho người thân xem. Sau đó, người thân của nhân viên đã đăng tải trên mạng xã hội đã xâm phạm đến bí mật đời tư của người khác, khi chưa được sự đồng ý của họ là hành vi vi phạm pháp luật.

Tùy theo tính chất mức độ, hậu quả gây ra, người chụp lại hình ảnh “nhạy cảm” của người khác và đưa cho người thân quen sử dụng đưa lên mạng xã hội sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật "Người nào phát tán các thông tin về đời tư cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của họ hoặc pháp luật không cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo điểm b, khoản 2 điều 64 Nghị định 174/2013. Mức phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 288 BLHS 2015 về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông”.

Trường hợp các hình ảnh “nhạy cảm” của khách được các cơ quan chuyên môn giám định là thuộc danh mục văn hóa phẩm đồi trụy thì những người làm ra và đưa lên mạng xã hội nhằm mục đích phổ biến cho người khác, nếu thỏa mãn các dấu hiệu tội phạm sẽ bị xử lý về Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy theo Điều 326 BLHS 2015.

Cũng liên quan đến vấn đề này, Báo Giao thông dẫn lời luật sư Trương Quốc Hòe - Trưởng văn phòng luật sư InterLa (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết: "Trong trường hợp nhân viên tự ý tung ảnh đời tư cá nhân của khách hàng lên. Đương nhiên, hành vi này không được pháp luật ủng hộ, nó phụ thuộc vào hậu quả để lại cho cặp đôi được nhắc đến ở trên (tạm gọi là người bị hại).

Trước tiên, người nhân viên đã chụp ảnh và tung lên mạng xã hội phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Cụ thể, có thể bị phạt hành chính vì đã cố ý để lộ thông tin đời tư của người khác. Thứ 2, người nhân viên này cũng vi phạm quy chế của đơn vị CGV, vì đã có hành động vượt quá quyền hạn mà đơn vị này cho phép. Thứ 3, trong trường hợp người bị hại có hậu quả nghiêm trọng về sức khỏe, tinh thần, tính mạng, người nhân viên này phải chịu trách nhiệm hình sự.

Về phía cặp đôi được nhắc đến trên, ngay bây giờ họ được quyền khiếu nại. Tuy nhiên, người nhân viên trên phải gỡ, yêu cầu gỡ tất cả các hình ảnh mình đã tung lên trước đó. Các tờ báo đã sử dụng hình ảnh này cũng buộc phải gỡ hình ảnh đó vì đã xâm phạm đến bản quyền và đời tư của người bị hại".

(T/h)

Nguồn ĐS&PL: http://doisongphapluat.com/tin-tuc/vu-nhan-vien-cgv-tung-anh-nong-cua-khach-cau-chuyen-van-hoa-xem-phim-va-quyen-rieng-tu-a238471.html