Vụ nhà hàng bị 'bùng' 150 mâm cỗ cưới: Bỏ ra hơn 100 triệu đồng, thu được 30 triệu đồng

Liên quan vụ nhà hàng bị 'bùng' 150 mâm cỗ cưới, đại diện nhà hàng cho biết đã bỏ ra hơn 100 triệu đồng làm cỗ, nhưng chỉ thu lại được 30 triệu đồng.Nhà hàng có thể kiện khách 'bom' 150 mâm cỗ?

Ngày 1/10, trao đổi với PV báo Tiền Phong, đại diện nhà hàng Tâm Phúc (phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên, tỉnh Điện Biên) cho biết, sau khi bị "bom" 150 mâm cỗ, nhờ có sự giúp đỡ của người dân thì ngay trong chiều ngày 30/9, đã bán được hết số cỗ. Tuy nhiên, tổng số tiền nhà hàng bỏ ra làm cỗ là hơn 100 triệu đồng, nhưng chỉ thu lại được 30 triệu đồng.

Cũng theo đại diện nhà hàng, hiện vẫn chưa liên hệ được với gia đình đặt cỗ.

“Hiện nhà hàng liên hệ với gia đình đặt cỗ nhưng vẫn không thể liên lạc được nên tôi chưa biết lỹ do vì sao họ lại làm như vậy", đại diện nhà hàng Tâm Phúc cho hay.

Mâm cỗ cưới bị cô dâu "bùng" ở Điện Biên. Ảnh: Tri thức Trực tuyến

Mâm cỗ cưới bị cô dâu "bùng" ở Điện Biên. Ảnh: Tri thức Trực tuyến

Trong khi đó, lãnh đạo UBND phường Mường Thanh cho biết, sau khi nhận được trình báo từ phía nhà hàng Công an phường Mường Thanh đang phối hợp với Công an thành phố Điện Biên xác minh làm rõ vụ việc.

Liên quan đến vụ việc, trao đổi với PV báo Dân Việt, chị Tuyết (vợ của chủ nhà hàng) cho biết, sáng ngày 30/9 cô dâu còn ra thử váy, thuê trang điểm và không có biểu hiện gì bất thường.

“Giờ gia đình mình cũng muốn biết nguyên nhân tại sao mà cô dâu cũng như chú rể lại làm như vậy. Gia đình mình không có thù oán gì với họ cả”, chị Tuyết nói.

Cũng theo chị Tuyết, do cô dâu là khách quen và từng ăn nhiều lần tại nhà hàng nên khi khách đặt, nhà hàng đã nhận và không cần cọc tiền trước.

“Hôm đến đặt cỗ có mình cô dâu tới đặt cỗ, còn 1 số điện thoại xưng là bố cô dâu và 1 số điện thoại khác gọi điện xưng là chú rể cũng gọi điện cho nhà hàng nên chúng tôi càng tin”, chị Tuyết nói.

Theo chị Tuyết chi phí 150 mâm cỗ, dựng rạp (phông, bàn ghế) và thuê nhân viên phục vụ khoảng hơn 200 triệu đồng. Ngay sau khi bị "bom" cỗ, gia đình chị Tuyết và mọi người đã kêu gọi người dân trên địa bàn đến "giải cứu" cỗ.

Hiện vụ việc đang được điều tra, làm rõ.

Trao đổi với PV tờ Tri thức Trực tuyến, luật sư Trần Đình Dũng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhận định việc đặt tiệc cưới với nhà hàng là một giao dịch hợp đồng. Tuy hai bên không thành lập văn bản, giao dịch đã xảy ra và phát sinh quyền, nghĩa vụ các bên.

Nếu bên đặt tiệc và nhà hàng thừa nhận có giao dịch thì đều phải chịu trách nhiệm khi có lỗi gây thiệt hại, dù có giấy đặt cọc hay không.

"Tôi cho rằng không bỗng dưng mà phía nhà hàng làm cỗ để mang tới. Nếu không thỏa thuận được trong trường hợp này, phía bị thiệt hại (nhà hàng) có thể khởi kiện vụ việc ra tòa, yêu cầu bồi thường", luật sư Dũng nêu quan điểm.

Luật sư cho rằng hợp đồng cũng được thể hiện dưới các hình thức như lời nói, văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể khác, chứ không nhất thiết luôn luôn phải lập thành văn bản.

Chẳng hạn như việc đi mua một món hàng, bạn trả tiền và nhận hàng thì đó là giao dịch hợp đồng, không ai bắt buộc bạn phải lập thành văn bản để người bán hàng và bạn ký kết.

Hoàng Yên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-tuc/tin-trong-nuoc/vu-nha-hang-bi-bung-150-mam-co-cuoi-bo-ra-hon-100-trieu-dong-thu-duoc-30-trieu-dong-a340886.html