Vụ nhà báo Saudi bị thủ tiêu: Đặc vụ làm trái lệnh bắt sống?

Khi cộng đồng quốc tế còn hoài nghi về cách Saudi Arabia lý giải cái chết của Jamal Khashoggi, một quan chức cấp cao của nước này bất ngờ tiết lộ nhiều tình tiết bất ngờ về phi vụ.

Sau gần 2 tuần phủ nhận có liên quan đến sự mất tích bí ẩn của nhà báo đối lập Jamal Khashoggi, chính phủ Saudi Arabia ngày 20/10 bất ngờ xác nhận ông đã tử vong trong một vụ ẩu đả tại lãnh sự quán nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong bối cảnh các nước phương Tây đang gia tăng áp lực và tỏ ra hoài nghi trước thông tin ông Khashoggi "chết vì ẩu đả", một quan chức cấp cao giấu tên của Saudi Arabia lại hé lộ một phiên bản khác của câu chuyện mô tả một điệp vụ tình báo thất bại.

Tiết lộ với Reuters, vị quan chức nói nhóm 15 đặc vụ Saudi được gửi đến Istanbul ngày 2/10 với mục tiêu ban đầu là thuyết phục ông Khashoggi về nước. Tuy nhiên, điệp vụ đã vượt khỏi tầm kiểm soát khi nhà báo này kháng cự dẫn đến cái chết của ông. Các đặc vụ sau đó tìm cách che giấu vụ bắt người thất bại với cả tình báo trong và ngoài nước.

“Một khi nhận ra những báo cáo ban đầu về nhiệm vụ không đúng sự thật, chính phủ đã mở cuộc điều tra nội bộ và hạn chế bình luận công khai về vụ việc”, ông tiết lộ rằng quá trình điều tra vẫn chưa kết thúc.

Nhà báo đối lập Jamal Khashoggi. Ảnh: Sipa.

Nhiệm vụ ban đầu là bắt sống?

Vị quan chức Saudi tiết lộ các văn bản nội bộ của lực lượng tình báo Saudi mô tả một chính sách đưa những nhân vật có quan điểm chống đối chính phủ trở về nước. Một trong các văn bản nhắc đích danh Jamal Khashoggi.

Ông Khashoggi đã chuyển đến Washington gần 1 năm trước và thể hiện lập trường chống Thái tử Mohammed bin Salman. Chính phủ Saudi Arabia muốn đưa nhà báo đối lập hồi hương vì ông am hiểu sâu sắc về nội tình nước này và có quen biết với nhiều nhân vật cấp cao. Saudi Arabia lo ngại Khashoggi và những nhân vật đối lập sẽ được các nước thù địch tuyển mộ làm điệp viên.

Theo vị quan chức giấu tên, Phó giám đốc Tổng cục Tình báo Saudi Arabia Ahmed al-Asiri đã cho thành lập một biệt đội gồm 15 đặc vụ tình báo và an ninh đến Istanbul. Nhiệm vụ của họ là gặp ông Khashoggi và tìm cách thuyết phục ông về nhà.

“Mệnh lệnh ban đầu là đàm phán để những nhân vật đối lập trở về nước một cách bình yên. Họ có quyền lựa chọn không phục vụ chính phủ”, vị quan chức trên cho biết.

“Asiri chính là người thành lập biệt đội. Ông đã yêu cầu một nhân viên từng làm việc với cố vấn hoàng gia cấp cao al-Qahtani và từng làm việc với Jamal tại đại sứ quán ở London tham gia”, vị quan chức tiết lộ.

Nhân viên pháp y Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành khám xét lãnh sự quán Saudi Arabia ở Istanbul. Ảnh: Reuters.

Cái chết ngoài dự tính

Theo kế hoạch ban đầu, các đặc vụ Saudi có thể đưa Khashoggi đến một ngôi nhà an toàn ở ngoại ô Istanbul trong “một thời gian nhất định”, nhưng sau đó phải để ông an toàn rời đi nếu như nhà báo này từ chối trở về Saudi Arabia. Tuy nhiên, ngay từ đầu các thành viên biệt đội đã làm trái lệnh và nhanh chóng áp dụng biện pháp vũ lực.

Theo lý giải của chính phủ Saudi Arabia, nhà báo Khashoggi được mời đến lãnh sự quán tại Istanbul để gặp một đặc vụ tên Maher Mutreb. Người này có nhiệm vụ thuyết phục nhà báo đối lập hồi hương.

Vị quan chức giấu tên cho biết Khashoggi tại lãnh sự quán đã từ chối “lời mời”. Ông cảnh báo đã nhờ một người bên ngoài tòa nhà thông báo cho giới chức Thổ Nhĩ Kỳ nếu như ông không xuất hiện 1 tiếng sau.

“Người đưa tin” trong câu chuyện này theo Reuters chính là Hatics Cengiz, vị hôn thê của nhà báo xấu số. Cengiz được hôn phu gửi 2 chiếc điện thoại cùng lời nhắn gọi báo cho trợ lý Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nếu như ông biến mất.

Tiết lộ kết quả điều tra sơ bộ, vị quan chức giấu tên cho biết nhà báo đối lập đã táo bạo cáo buộc Mutreb cùng các đặc vụ Saudi vi phạm quy tắc về ngoại giao và đưa ra lời thách thức: “Các ông tính làm gì tôi? Bắt cóc tôi sao?”.

Đáp lại, Mutreb khẳng định biệt đội của ông sẵn sàng đánh thuốc mê và bắt cóc Khashoggi về nước. Vị quan chức Saudi Arabia cho biết hành động mang tính đe dọa này đã vi phạm ưu tiên hàng đầu của sứ mệnh.

Các đặc vụ càng hoảng loạn khi ông Khashoggi bắt đầu lớn tiếng. Họ tìm cách khống chế nhà báo đối lập, khóa cổ và bịt miệng ông. “Họ muốn ngăn ông ấy la hét, nhưng biện pháp này đã khiến đối tượng tử vong”, vị quan chức Saudi Arabia tiết lộ.

“Nếu bạn đặt bất kỳ ai cùng độ tuổi với Khashoggi vào tình huống này, tử vong là kết quả khó tránh khỏi”, vị quan chức nhận định khi được hỏi liệu nhóm đặc vụ có cố ý thủ tiêu nhà báo đối lập.

Ảnh chụp năm 2016 Ahmed al-Asiri (phải), Phó giám đốc Tổng cục tình báo Saudi Arabia,khi còn là phát ngôn viên quân đội nước này. Ảnh: AP.

Sau khi “lỡ tay” giết chết Khashoggi, các điệp viên đã tìm cách phi tang thi thể của nhà báo xấu số.

Trong giả thuyết ban đầu của giới chức tình báo Thổ Nhĩ Kỳ, nhóm đặc vụ Saudi đã phân xác Khashoggi và bỏ tại 2 địa điểm: Rừng Belgrad ở ngoại ô thành phố Istanbul và khu vực thôn quê gần thành phố Yalova, cách thành phố khoảng 90 km về phía nam.

Trong khi đó, theo lời kể của vị quan chức cấp cao Saudi Arabia, biệt đội đã giấu xác của Khashoggi trong một tấm thảm lót sàn. Họ chuyển thi thể nhà báo xấu số rời đi bằng xe của lãnh sự quán, rồi giao cho một “cộng tác viên địa phương” mang đi phi tang.

Chuyên gia pháp y của biệt đội, Salah Tubaigy đã tìm cách xóa mọi dấu vết của vụ ẩu đả khiến ông Khashoggi tử vong.

Một đặc vụ tên Mustafa Madani còn mặc quần áo của nhà báo này, đeo kính râm và mang đồng hồ của ông để rời lãnh sự quán bằng cửa sau tòa nhà nhằm tạo thông tin giả rằng nhà báo đối lập vẫn còn sống. Madani di chuyển đến quận Sultanahmet để bỏ trang phục của nhà báo quá cố.

Điều tra sơ bộ cho thấy biệt đội này đã cùng viết một báo cáo sai sự thật gửi cho cấp quản lý. Trong báo cáo, họ khẳng định ông Khashoggi đã được cho rời khỏi lãnh sự quán một cách an toàn sau khi nhận cảnh báo chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ có thể can thiệp nếu ông có mệnh hệ gì.

Áp lực điều tra gia tăng

Theo vị quan chức giấu tên, sau khi nhận ra những báo cáo ban đầu là giả dối, chính phủ Saudi Arabia đã lập tức cho bắt giữ toàn bộ 15 thành viên của biệt đội để phục vụ điều tra. Ngoài ra, 3 nghi phạm tại Thổ Nhĩ Kỳ cũng bị tạm giữ. Ông từ chối xác nhận quốc tịch của những người này.

Tuy nhiên, câu chuyện của vị quan chức Saudi Arabia vẫn còn nhiều ẩn số, đơn cử là câu hỏi vì sao một chiến dịch “đàm phán” đưa công dân về nước lại có sự tham gia của nhiều sĩ quan quân đội và một chuyên gia giải phẫu pháp y.

Vụ mất tích đầy bí ẩn của Jamal Khashoggi đã trở thành cơn bão chỉ trích nhắm vào chính phủ Saudi Arabia, buộc quốc vương Salman, 82 tuổi, phải đích thân vào cuộc chỉ đạo điều tra.

Áp lực quốc tế tăng cao đang đe dọa hàng loạt mối quan hệ kinh doanh của Saudi Arabia trên trường quốc tế.

Trả lời Washington Post ngày 20/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump cứng rắn cáo buộc chính phủ Saudi Arabia nói dối về cái chết của Khashoggi, dù khẳng định vẫn tin tưởng vào khả năng lãnh đạo của Thái tử Mohammed bin Salman.

“Rõ ràng đã có những lừa lọc và giả dối trong vụ việc này. Giờ đây ai cũng bàn tán về những câu chuyện mà họ đưa ra”, ông Trump nhận định về việc chính phủ Saudi Arabia liên tục thay đổi cách giải thích về số phận của Khashoggi.

Tổng thống Mỹ Donald Trump gặp Thái tử Mohammed bin Salman đầu năm 2018. Ảnh: Reuters.

Tuy nhiên, ông Trump vẫn đề cao vai trò của Thái tử Mohammed trong quan hệ Mỹ - Saudi Arabia cũng như các mục tiêu chiến lược của Washington ở Trung Đông. Ông mô tả vị thái tử là một người mạnh mẽ và “nắm vững quyền kiểm soát”.

Tổng thống Mỹ bổ sung rằng cộng đồng tình báo chưa tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Mohammed chịu trách nhiệm trực tiếp cho chiến dịch dẫn đến cái chết của Khashoggi.

“Có khả năng ông ấy phát hiện vụ việc sau khi mọi sự đã an bài. Có thể ông ấy biết về ý định đưa nhà báo đối lập về Saudi Arabia nhưng chiến dịch đã đi chệch hướng”, ông Trump nhận định.

Trong khi đó, chính phủ các nước Anh, Pháp và Đức tiếp tục tạo sức ép yêu cầu Saudi Arabia công bố thêm bằng chứng thuyết phục để củng cố cho cách lý giải cái chết của Khashoggi.

Tổng thống Erdogan ngày 21/10 cam kết sẽ “vạch trần sự thật” xoay quanh số phận của Jamal Khashoggi, khẳng định sẽ có thông báo mới về vụ việc trong tuần này.

Trả lời Reuters, vị quan chức cấp cao giấu tên của Saudi Arabia cho biết một đội điều tra đã được cử đến Istanbul vào tuần trước và sẽ tiếp tục phối hợp cùng giới chức Thổ Nhĩ Kỳ để làm sáng tỏ cái chết của Khashoggi.

Ông nói thi thể nhà báo xấu số sẽ sớm được tìm thấy.

Thanh Danh

Nguồn Znews: http://news.zing.vn/vu-nha-bao-saudi-bi-thu-tieu-dac-vu-lam-trai-lenh-bat-song-post886328.html