Vụ nhà báo mất tích: Mỹ đe dọa trừng phạt Arab Saudi

Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 19/10 tuyên bố rằng giờ ông tin nhà báo Jamal Khashoggi đã bị sát hại và cảnh báo về những hậu quả 'cực kỳ ghê gớm' đối với Arab Saudi nếu nước này được chứng minh là đứng đằng sau vụ việc.

Tổng thống Mỹ Donald Trump cảnh báo về hậu quả ghê gớm đối với Arab Saudi. Nguồn: Reuters.

Cứng rắn

“Câu chuyện dường như là vậy. Thật đáng buồn”- Tổng thống Trump nói trước báo giới khi được hỏi rằng liệu ông có tin nhà báo Khashoggi đã chết hay không. Và khi nhận được câu hỏi về phản ứng của Mỹ đối với Arab Saudi - nước bị cáo buộc đứng đằng sau vụ mất tích- ông Trump nói: “Phản ứng sẽ rất ghê gớm”.

Đây là lần đầu tiên chính quyền Trump đưa ra lời lẽ cứng rắn như vậy. Trước đó, họ dường như ngần ngại khi đổ lỗi cho Arab Saudi, bất chấp nhiều chứng cứ cho thấy các đặc vụ Arab Saudi có thể đã sát hại và phân xác nhà báo Khashoggi ngay bên trong tòa lãnh sự của nước này ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ vào thời điểm 2 tuần trước.

Từ chỗ là một quan chức ở Arab Saudi, ông Khashoggi đã trở thành một người chỉ trích Hoàng thái tử Mohammad bin Salman, người được xem là quyền lực nhất ở Arab Saudi hiện nay.

Trong chuyến công du mới đây tới Arab Saudi, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết ông đã nói với ông Trump rằng phía Arab Saudi nên được cho vài ngày để hoàn thiện cuộc điều tra về vụ mất tích. Sau đó, ông khẳng định rằng: “Chúng tôi có thể đưa ra quyết định về cách thức đáp trả của Mỹ”.

Trong khi đó, trong lúc tìm cách giảm thang cuộc khủng hoảng ngoại giao này, các nhà lãnh đạo của Arab Saudi được cho là đang tìm cách đổ lỗi cho Tướng Ahmed al-Assiri, vị quan chức đứng đầu ngành tình báo của nước này và cũng là người thân cận của Hoàng thái tử Salman.
Hiện nay, đã có 4 tổ chức nhân quyền và tự do báo chí lên tiếng thúc giục Thổ Nhĩ Kỳ kêu gọi LHQ mở cuộc điều tra nhằm vào vụ mất tích của nhà báo Khashoggi. Ủy ban Bảo vệ Nhà báo, Tổ chức Nhân quyền, Tổ chức Ân xá Quốc tế và Tổ chức Phóng viên không biên giới là những bên đang lên tiếng rất mạnh mẽ.

Tuy nhiên, Mỹ, nước bảo trợ mạnh mẽ nhất của Arab Saudi, lại liên tục bảo vệ giới lãnh đạo của Riyadh khi thể hiện sự hoài nghi của họ về vụ việc này. Cả Tổng thống Trump và giới chức chính quyền của ông đều nhấn mạnh về sự cần thiết phải duy trì mối quan hệ Mỹ-Arab Saudi tốt đẹp.

Cuộc khủng hoảng ngoại giao này đang làm ảnh hưởng tới một cuộc hội thảo về Đầu tư tương lai quan trọng dự kiến được tổ chức ở Arab Saudi vào tuần tới. Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin cho hay ông sẽ rút khỏi hội thảo này, trong khi các đối tác Anh, Pháp và Hà Lan cũng đưa ra quyết định tương tự.

Việc ông Mnuchin rút khỏi cuộc hội thảo trên đã làm dấy lên lo ngại rằng chính quyền Mỹ sắp đưa ra phản ứng cứng rắn đối với Riyadh liên quan tới vụ mất tích của nhà báo Khashoggi, và có thể bị Arab Saudi tung đòn đáp trả. Đòn đáp trả của Arab Saudi có thể bao gồm cắt giảm nguồn cung dầu mỏ, trừng phạt các công ty Mỹ đang làm ăn ở nước này.

Thông tin rò rỉ

Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin nói rằng “Mỹ gánh một phần trách nhiệm nhất định đối với điều đã xảy ra” với nhà báo Khashoggi. Tuy nhiên, ông thêm rằng Moscow sẽ không “bắt đầu làm suy giảm quan hệ” với Arab Saudi miễn là nước này chưa được chứng minh là đứng sau vụ việc.

Hiện nay cả Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ đều chưa chính thức xác nhận về cái chết của ông Khashoggi hay nói rằng Riyadh đứng đằng sau vụ việc. Nhưng một loạt các thông tin mà giới chức Thổ Nhĩ Kỳ tuồn cho báo giới đã xuất hiện, trong đó mô tả chi tiết về những giây phút cuối đời của nhà báo nọ.

Mới nhất, trong hôm 19/10, tờ Yeni Safak thân chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng họ đã nghe được đoạn băng ghi âm, cho thấy ông Khashoggi bị tra tấn bằng cách cắt ngón tay, sau đó bị sát hại. Tờ Sabah thì cho rằng Maher Abdulaziz Mutreb, một quan chức an ninh của Arab Saudi, là kẻ đứng đầu chiến dịch ám sát này.

Đưa ra thời điểm chính xác dựa trên đoạn băng ghi hình, tờ Sabah còn cho rằng ông Mutreb đã đi vào tòa lãnh sự 3 giờ đồng hồ trước khi ông Khashoggi xuất hiện. Trong nhiều hình ảnh chụp từ camera an ninh, ông Mutreb sau đó được nhìn thấy bên ngoài khu nhà ở của tòa lãnh sự, tiếp đó là ở một khách sạn gần đó cùng một chiếc “vali lớn”, cuối cùng là đến sân bay để rời khỏi Thổ Nhĩ Kỳ.

Khánh Duy

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/tin-tuc/vu-nha-bao-mat-tich-my-de-doa-trung-phat-arab-saudi-tintuc420454